Bản chất cách dạy học của VNEN là tổ chức cho HS trải nghiệm, tự tìm tòi, khám phá, phát hiện để hình thành kiến thức và kĩ năng mới. Vì vậy, đánh giá học sinh trong dạy học theo VNEN chuyển trọng tâm sang đánh giá quá trình học của học sinh.
Chuyển áp đặt thành quá trình tự học
Mô hình trường học mới chuyển quá trình thuyết giảng một cách hình thức, áp đặt của người dạy thành quá trình tự học, tự tìm tòi, khám phá của người học.
Với cách tổ chức dạy học như vậy, cách đánh giá học sinh cũng được chuyển trọng tâm từ đánh giá "kết thúc", đánh giá "tổng kết" sang đánh giá quá trình, đánh giá "tiến trình"; Chuyển đánh giá "bằng điểm số" sang đánh giá "bằng nhận xét".
Mối quan tâm của đánh giá tổng kết là điểm số của từng học sinh, hoặc điểm trung bình của học sinh trong một lớp, một trường, một vùng; Trên cơ sở đó đánh giá thành tích của học sinh, giáo viên và nhà trường sau một quá trình dạy học. Cụ thể hơn, đánh giá tổng kết chỉ nhìn vào kết quả cuối cùng, không cần biết kết quả này được hình thành ra sao.
Trong khi đó mối quan tâm của đánh giá quá trình không phải là kết quả cuối cùng, là điểm số, càng không phải để chứng tỏ học sinh đạt được một mức thành tích nào đó mà là đánh giá sự tiến bộ của học sinh trong quá trình phát triển năng lực của người học, là hiệu quả của quá trình giáo dục; Thông qua đánh giá để kịp thời nhận được các tin tức phản hồi, kịp thời điều chỉnh, cải tiến phương pháp dạy học nhằm thu gọn khoảng cách giữa quá trình dạy học và mục tiêu.
Có thể ví đánh giá quá trình và đánh giá kết quả học tập của học sinh như đánh giá quá trình và kết quả chăm sóc một đứa trẻ. Đánh giá kết quả sau một năm chăm sóc, người ta thường đo xem đứa bé cao thêm bao nhiêu xăng ti mét, nặng thêm bao nhiêu ki lô gam; để so sánh trẻ với chuẩn chung hoặc so sánh trẻ này với trẻ khác.
Còn đánh giá quá trình chăm sóc trẻ là các bà mẹ quan tâm từng ngày, chú ý từng giờ đến những biểu hiện, phản ứng của trẻ để nhận biết được trẻ đã phát triển khá đến đâu, tiến bộ ở khả năng nào, hạn chế ở khả năng nào, từ đó có điều chỉnh kịp thời để tạo ra sự phát triển tối ưu nhất của trẻ.
Rõ ràng đánh giá quá trình phát triển, đánh giá sự tiến bộ mới là đánh giá thiết thực và hiệu quả nhất cho sự phát triển của mỗi đứa trẻ.
Theo VNEN, người đánh giá thường xuyên theo dõi và ghi lại những minh chứng về biểu hiện của học sinh trong các hoạt động học, hoạt động giáo dục; Thông qua các phẩm chất và năng lực được hình thành và phát triển trong quá trình học tập, rèn luyện hàng ngày biểu hiện qua các hoạt động học tập, sinh hoạt tập thể và những hoạt động, sinh hoạt ở gia đình và cộng đồng.
Tất cả sự tìm kiếm đó đều hướng đến mục đích quan sát những hành vi, đánh giá sự tiến bộ, khả năng tiềm ẩn trên con đường đi đến kết quả ở một giai đoạn học tập của học sinh.
Chính vì thế, đòi hỏi giáo viên phải thường xuyên quan sát, theo dõi cá nhân học sinh, nhóm học sinh trong quá trình học tập để có nhận định, động viên hoặc gợi ý, hỗ trợ kịp thời đối với từng việc làm, từng nhiệm vụ của mỗi cá nhân hoặc của cả nhóm học sinh.
Đồng thời giáo viên còn quan sát từng học sinh để kịp thời đưa ra những nhận định về một số biểu hiện của phẩm chất và năng lực của học sinh.
Từ đó, động viên, khích lệ, giúp học sinh khắc phục khó khăn, phát huy ưu điểm và các tố chất riêng, sửa chữa khuyết điểm để ngày càng tiến bộ.
Trong quá trình đánh giá thường xuyên, giáo viên ghi vào nhật kí đánh giá của mình những điều cần đặc biệt lưu ý, giúp ích cho quá trình theo dõi, giáo dục đối với cá nhân hoặc tập thể học sinh.
Áp dụng vào thực tiễn
Việc đánh giá quá trình học tập của học sinh đang gặp những khó khăn về mặt nhận thức, về tư tưởng, đặc biệt là những khó khăn về kỹ thuật. Khi chuyển đánh giá "bằng điểm số" sang đánh giá "bằng nhận xét" thì công việc của giáo viên trở nên nặng nhọc hơn rất nhiều.
Để có được bộ hồ sơ là minh chứng của sự tiến bộ trong quá trình và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, đồng thời là phương tiện liên lạc giữa học sinh, giáo viên, nhà trường và gia đình học sinh, giáo viên cần thu thập, xử lý rất nhiều nguồn thông tin.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đánh giá được tiến hành thường xuyên, liên tục ngay trong quá trình thực hiện mỗi hoạt động học tập khiến cho giáo viên thấy áp lực trong việc quan sát, kiểm soát và hồ sơ, minh chứng. Giáo viên và CBQL cho rằng việc triển khai đánh giá bằng nhận xét không phải dễ dàng là một thực tế.
Do chưa có nhiều kinh nghiệm, do vẫn còn thói quen đánh giá điểm số nên giáo viên gặp nhiều khó khăn trong các bước thực hiện; Trong việc xác định các biểu hiện chính giúp cho việc nhận xét về năng lực và phẩm chất của học sinh tiểu học; việc đưa ra nhận định; cách ghi nhật ký đánh giá của giáo viên và nhật ký tự đánh giá đối với học sinh; cách phối hợp với gia đình và cộng đồng, huy động cả xã hội cùng tham gia vào quá trình giáo dục học sinh... đặc biệt là làm thế nào để phát huy việc đánh giá của học sinh (tự đánh giá, đánh giá bạn) và đánh giá của phụ huynh học sinh, cộng đồng làm cho cha mẹ học sinh và cộng đồng yên tâm về “Mô hình không điểm số”.
Nghĩa là giáo viên chưa biết cách ghi nhận xét như thế nào, đánh giá vào thời điểm nào cho phù hợp; Chưa xác định rõ được các nhóm năng lực để có nhận xét phù hợp hay là chưa xác định rõ cách ghi mức độ đạt được về kiến thức của học sinh.
Một số giáo viên còn chưa linh hoạt, sáng tạo trong đánh giá. Trong khi đó, công tác quản lý của ban giám hiệu trường tiểu học còn gặp lúng túng trong tổ chức, thực hiện đánh giá nhận xét ở nhà trường.
Cách tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau của học sinh cũng chưa thật sự đạt chất lượng như mong muốn. Cha mẹ học sinh lại chưa thật sự hiểu được bản chất của cách đánh giá mới, còn băn khoăn lo lắng khi con em không được đánh giá bằng điểm số.
Tác dụng giáo dục và phát triển cũng như mục đích điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học sẽ trở nên vô nghĩa nếu tiến trình này không được thực hiện chặt chẽ.
Nghĩa là khi việc đánh giá bằng nhận xét được làm chiếu lệ, chung chung, không thấu đáo và không dựa vào căn cứ cụ thể, đảm bảo tính công bằng, khách quan, toàn diện, hệ thống thì dễ dẫn đến bất cập.