Đam mê hoạt động giáo dục của 10X vào tốp 50 Sinh viên toàn cầu

GD&TĐ - Nhờ mẹ, Ngọc Hà nhận ra được học tập là cơ hội quý giá và dần nuôi đam mê với các hoạt động giáo dục. Hiện, Hà và các bạn đang duy trì dự án chia sẻ kiến thức cho học sinh giỏi môn Sinh học tại các tỉnh, thành.

Đồng Ngọc Hà vào top 50 giải thưởng Sinh viên toàn cầu 2021. Ảnh: NVCC.
Đồng Ngọc Hà vào top 50 giải thưởng Sinh viên toàn cầu 2021. Ảnh: NVCC.

Từ bàn học ngập tiếng cười

Đồng Ngọc Hà, sinh viên năm nhất lớp Tài năng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, vui mừng xen lẫn ngạc nhiên khi nhận tin lọt tốp 50 giải thưởng Sinh viên toàn cầu 2021 (Global Student Prize 2021). Giải thưởng đến với em một phần nhờ những thành tích học tập ấn tượng và hoạt động giáo dục sôi nổi.

Ngọc Hà vẫn nhớ như in cơ hội giúp em khám phá ra đam mê với hoạt động giáo dục. Đó là một buổi tối năm lớp 8, khi thức khuya ôn bài, Hà tình cờ phát hiện mẹ đang tự học chương trình phổ thông. Do hoàn cảnh, từ nhỏ mẹ em đã phải bỏ dở việc học.

Chứng kiến mẹ tự mày mò kiến thức, Hà được truyền cảm hứng, hiểu giá trị của việc học. Em đã giúp mẹ học chương trình phổ thông.

Từ học sinh trở thành người hướng dẫn, Hà thừa nhận đã gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó còn là khoảng cách thế hệ. Khác với học sinh, người lớn thu nạp kiến thức ít nhiều chịu ảnh hưởng từ trải nghiệm sống. Hơn nữa, mẹ Hà đã có tuổi nên trí nhớ không còn tốt như các bạn trẻ, lại phải cân bằng giữa học tập và công việc.

Hà chụp ảnh cùng mẹ. Ảnh: NVCC.
Hà chụp ảnh cùng mẹ. Ảnh: NVCC.

Vì vậy, Hà luôn trăn trở làm sao để mẹ vui vẻ, hạnh phúc trong học tập. Biết mẹ thích đọc tiểu thuyết, trong môn Ngữ văn, Hà không chỉ giúp mẹ hiểu một văn bản trích trong sách giáo khoa. Em cùng mẹ đọc sách như Dế Mèn phiêu lưu ký, Đất rừng phương Nam, Quê nội… Hai mẹ con cùng nhau chia sẻ những chi tiết thú vị hay đắt giá trong cuốn sách.

Có những ngày, mẹ Hà làm việc đến 10 giờ tối nhưng sau khi về nhà, hai mẹ con vẫn “vùi đầu” vào bàn học. Sau ngày dài mệt mỏi, học tập trở thành nguồn năng lượng tích cực, đem lại niềm vui, tiếng cười cho cả hai.

Dù đã lên đại học, Hà và mẹ vẫn cùng nhau học tập. Em giúp mẹ học thêm tiếng Anh. Đến nay, mẹ của Hà đã có thể đọc hiểu cơ bản một bài luận viết bằng tiếng Anh.

“Thấy mẹ vui khi được học, em hiểu rằng học tập không chỉ để đạt thành tích cao, điểm số tốt, phải tận hưởng và tìm được hạnh phúc trong đó. Mẹ và em đã thành công trong lớp học nhỏ của mình”, Ngọc Hà chia sẻ.

Đến dự án “Sinh học cho mọi người Việt Nam”

Lớn lên trong hoàn cảnh nhiều khó khăn, Hà vẫn thấy may mắn khi được học ở Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Hà Nội. Nhờ đó, được tiếp cận nguồn học liệu tốt, trang thiết bị hiện đại.

Bản thân Hà từng theo đuổi đam mê Vật lý nhưng chuyển sang thi học sinh giỏi môn Sinh học. Em nhận được nhiều phần thưởng như Huân chương Lao động hạng ba, huy chương bạc Olympic Sinh học quốc tế năm 2020.

Tuy nhiên, những ngày đầu, Hà cảm thấy hoang mang vì phải tự trau dồi kiến thức. Trên hành trình trưởng thành, em cũng có cơ hội làm quen với nhiều bạn bè đến từ các vùng khó khăn nhưng có ý chí vươn lên trong học tập.

Từ trải nghiệm cá nhân và câu chuyện của bè bạn, Hà mong muốn đóng góp cho cộng đồng bằng kiến thức mình học được. Khi còn là học sinh phổ thông, Hà đã quản lý nhóm về môn Sinh học với khoảng 13 nghìn thành viên trên Facebook và một fanpage chia sẻ kiến thức Sinh học. Qua những kênh mạng xã hội này, Hà đã chia sẻ phương pháp làm bài, kinh nghiệm thi và học hỏi nhiều kiến thức giá trị từ thầy cô, bạn bè trên cả nước.

Sang năm 2020, khi đang học năm cuối phổ thông, Hà cùng những người bạn thân chung đam mê Sinh học thành lập dự án Biology For All Vietnam (Sinh học cho mọi người Việt Nam). Với dự án này, em đã chia sẻ kiến thức cho nhiều học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh học ở 10 tỉnh, thành.

Ngọc Hà chia sẻ kiến thức Sinh học cho học sinh phổ thông. Ảnh: NVCC.
Ngọc Hà chia sẻ kiến thức Sinh học cho học sinh phổ thông. Ảnh: NVCC.

Những ngày đầu, Hà và bạn bè đã chủ động tìm kiếm và liên lạc với các thầy, cô ôn luyện thi học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học trong các nhà trường ở nhiều tỉnh, thành. Các em ngỏ ý muốn được chia sẻ kiến thức cho học sinh trong đội tuyển.

Nhiều thầy cô biết đến Hà thông qua kênh mạng xã hội và thành tích học tập tốt nên ngay lập tức ủng hộ dự án. Đến nay, dự án đã đến với học sinh ở 10 tỉnh, thành. Với một số tỉnh thành lân cận Hà Nội, nhóm đến dạy trực tiếp song cũng phải tổ chức học từ xa với các trường ở xa.

Hà chia sẻ, ban đầu em và các bạn khá tự tin khi đứng lớp bởi có nền tảng tương đối tốt về môn Sinh học. Tuy nhiên, khi thực sự bước vào một lớp học, Hà nhận thấy mỗi thành viên trong lớp có hoàn cảnh, tính cách và nền tảng kiến thức khác nhau. Dù là một tập thể, học sinh không dung nạp cùng một phương thức giảng dạy.

“Khi đó, em cảm thấy choáng ngợp. Nếu chỉ áp dụng phương pháp học của chúng em vào giảng dạy, sẽ có học sinh theo được, có em thấy quá dễ, có em lại thấy quá khó. Bởi sự đa dạng như vậy, chúng em tự hỏi liệu mình có đang áp dụng đúng phương pháp dạy hay không.”, Hà bày tỏ.

Ngọc Hà giao lưu cùng học sinh giỏi môn Sinh học tại Trường THPT chuyên Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: NVCC.
Ngọc Hà giao lưu cùng học sinh giỏi môn Sinh học tại Trường THPT chuyên Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: NVCC.

Sau gian nan ban đầu, cả nhóm đã mày mò các nghiên cứu, bài báo và khóa học về phương pháp sư phạm trên thế giới. Hà được tìm hiểu về chiến lược dạy học tổng hòa (inclusive teaching strategy). Mô hình này sử dụng nhiều phương pháp truyền đạt khác nhau để xây dựng lớp học đa dạng dành cho học sinh đa nền tảng.

Từ đây, Hà thiết kế bảng khảo sát cho học sinh trước, trong và sau giờ học. Nội dung xoay quanh các câu hỏi như: Kiến thức nào các em chưa hiểu? Kiến thức nào các em cảm thấy khó? Kiến thức nào các em thấy thú vị?… Học sinh trong lớp rất thích, vừa hào hứng với bài học vừa thể hiện năng lực cá nhân. Nhờ đó, Hà cũng hiểu được trình độ của từng em và thiết kế bài giảng phù hợp.

Lần khác, Hà tạo câu đố, thiết kế powerpoint bài giảng sinh động. “Theo em, điểm thú vị của dự án là chúng em không chỉ truyền đạt kiến thức mà mỗi thành viên đều cố gắng cải thiện từng ngày để nâng cao chất lượng bài giảng. Quan trọng nhất là phải làm sao để sau mỗi buổi học, từng em học sinh đều cảm thấy học được kiến thức bổ ích, thỏa mãn nhu cầu cá nhân và phù hợp với năng lực của mình”, Hà nói.

Xuất phát từ nhóm bạn thân có chung sở thích Sinh học, đến nay dự án Biology For All Vietnam đã thu hút được nhiều thành viên đến từ các tỉnh, thành và du học sinh Việt Nam tại nước ngoài. Dù Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà vẫn duy trì các dự án, tổ chức nhiều sự kiện nhằm nuôi dưỡng tình yêu khoa học, đặc biệt với môn Sinh cho học sinh. Ngoài tổ chức các buổi dạy học, dự án còn có các chuỗi talkshow được kết nối với các học sinh, giáo viên xuất sắc trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu Sinh học.

Giải thưởng top 50 Sinh viên toàn cầu do Ban tổ chức Giải thưởng Sinh viên toàn cầu Chegg.org (Global Student Prize) công bố.
Đây là năm đầu tiên giải thưởng được tổ chức với sự hợp tác giữa công ty cung cấp giải pháp công nghệ giáo dục Chegg.org, Mỹ, và Varkey Foundation, quỹ từ thiện toàn cầu tập trung vào việc cải thiện tiêu chuẩn giáo dục cho trẻ em kém may mắn. Varkey Foundation cũng là quỹ tổ chức giải thưởng Giáo viên toàn cầu mà năm ngoái cô giáo Hà Ánh Phượng vào top 10.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.