Cô giáo tiếng Anh đam mê nghiên cứu khoa học
Cô Trần Thị Thúy (sinh năm 1987) sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo. Từ nhỏ, cô đã không ngừng nỗ lực học tập để thực hiện ước mơ trở thành một cô giáo. Năm 2005, cô Thúy trở thành sinh viên của khoa Sư phạm tiếng Anh, trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp đại học, cô Thúy quyết định quay trở về quê hương để trở thành cô giáo tiếng Anh ở chính ngôi trường cô từng theo học những năm phổ thông - Trường THPT Đức Hợp, Kim Động (Hưng Yên), trước sự ngỡ ngàng của nhiều bạn bè, thầy cô giáo.
Vốn là học sinh giỏi và có khả năng chuyên môn tốt, cô giáo Thúy không thiếu những nơi mời gọi về giảng dạy.
Nhưng cô vẫn lựa chọn theo tiếng gọi con tim với mong ước giản đơn: “Tôi là một giáo viên bình thường với những trăn trở của mình trong việc trở thành cô giáo thực sự, hỗ trợ các em học sinh sử dụng môn tiếng Anh như là công cụ để việc học trở nên ý nghĩa hơn”.
Trong quá trình giảng dạy, với sự thông minh, luôn tìm tòi, sáng tạo và ứng dụng các công cụ học tập hiện đại, cô Thúy đã đưa vào bài giảng của mình những phương pháp học tập giúp học sinh dễ hiểu, ưu tiên thực hành thay vì lý thuyết khô khan.
Chia sẻ lý do chọn đề tài về thuốc bảo vệ thực vật, cô Thúy cho biết vì trường cô giảng dạy nằm cạnh cánh đồng, vào mùa vụ, mùi thuốc trừ sâu thường xuyên bay thẳng vào lớp học. Nhiều khi cả thầy và trò đều cảm thấy ngạt thở, một số em thậm chí phải nghỉ học vì hít phải không khí có chứa thuốc trừ sâu độc hại.
“Đặc biệt với thực trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, tôi muốn khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em có cơ hội tham gia và thể hiện quan điểm của mình trước một thực trạng nóng, đang được cả xã hội quan tâm. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó có thuốc trừ sâu”, cô Thúy chia sẻ.
Để thực hiện dự án, cô giáo Thúy đã chọn 45 em học sinh của lớp 11A1 tham gia. Theo đó, cô Thúy cho các em học sinh đóng vai trò là những nhà khoa học, bác sĩ để tìm hiểu tình hình ảnh hưởng của thuốc trừ sâu đến sức khỏe con người.
Từ đó, cả cô và trò sẽ cùng nhau đưa ra những đề xuất, giải pháp để nâng cao hơn nữa ý thức của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cũng như đưa ra lời khuyến cáo, hướng dẫn người tiêu dùng trong việc sử dụng nguồn thực phẩm hàng ngày, biết cách sử dụng thuốc trừ sâu hiệu quả và ý nghĩa hơn.
Trong quá trình thực hiện triển khai dự án, cô Thúy và các em học sinh đã gặp phải không ít khó khăn. Về mặt khách quan như người nông dân không muốn hợp tác, các cửa hàng bán thuốc trừ sâu từ chối tác nghiệp, hay tại các bệnh viện, bác sĩ không có thời gian trả lời những thắc mắc vì bận rộn công việc...
Bên cạnh đó, công việc giảng dạy trên lớp của cô Thúy cũng rất nhiều, kết hợp với việc làm dự án cũng khiến quỹ thời gian của cô phải cân đo đong đếm.
Cuối cùng, sau 2 tháng triển khai dự án nghiêm túc, tâm huyết, cả thầy và trò trường THPT Đức Hợp đã vô cùng ngỡ ngàng bởi kết quả của dự án vượt trên cả sự mong đợi. Khi những kiến thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách được người dân áp dụng đã giúp giảm chi phí và cho năng suất cao hơn.
Từ cô giáo trường làng vươn ra biển lớn
Dự án “Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại” của cô Thúy sau đó đã được lựa chọn để tham gia dự thi và xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2016”. Cũng từ đây, con đường đi tìm phương pháp dạy của cô Thúy rộng mở.
Nhờ mạng xã hội, cô Thúy biết đến nhóm cộng đồng sáng tạo Việt Nam, tiếp đó là trang cộng đồng sáng tạo của Microsoft toàn cầu. Từ đó, cô đã kết nối với hàng nghìn giáo viên trên thế giới cũng có niềm say mê nghề, nghiên cứu khoa học như cô.
Sau khi được sự đồng ý từ Ban giám hiệu nhà trường, cô Thúy đã kết nối với các giáo viên đến từ nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Ấn Độ, Pakistan... để xây dựng và sắp xếp những tiết học xuyên lục địa nhờ công cụ Skype.
Thông qua những tiết học trực tuyến, các em học sinh đã có cơ hội được giao lưu, học hỏi, trao đổi những kiến thức với bạn bè quốc tế. Với cách dạy và học mới lạ, ứng dụng các phần mềm hiện đại hiện hành, phương pháp giảng dạy của cô Thúy đã được các em học sinh và thầy cô giáo ủng hộ, tự hào.
Cũng thông qua công cụ Skype, dự án bảo vệ thực vật khỏi thuốc trừ sâu của cô Thúy đã được lan tỏa rộng khắp, nhận được sự hưởng ứng, chia sẻ của hàng nghìn thầy cô giáo trong cộng đồng MEC (Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng).
Thành công với dự án, cô Thúy đã vinh dự được chọn là 1 trong 4 giáo viên đại diện Việt Nam, tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada vào tháng 3/2017.
Tại cuộc thi, cô được phân vào nhóm gồm các giáo viên đến từ 5 quốc gia: Nga, Canada, Guatemala, Ai Cập và Việt Nam. Cụ thể chủ đề của năm 2017, Microsoft muốn lắng nghe những ý kiến của giáo viên và học sinh để cải thiện những công cụ của họ, giúp việc dạy và học trở nên hiệu quả hơn.
Với sự thông minh, khả năng tìm tòi, nhạy bén của mình, đặc biệt là phát huy khả năng tiếng Anh vốn có, cô giáo Trần Thị Thúy đã đưa ra ý tưởng sử dụng công nghệ thông tin, để truyền tải đến học sinh thông qua các công cụ của Microsoft.
Với ý tưởng độc đáo này, cô giáo Trần Thị Thúy đã chinh phục được 4 giáo viên của cả 4 nước và ý tưởng sau đó đã trở thành đề tài chung của cả nhóm.
Điều vui mừng hơn cả là ý tưởng của cô Thúy và các thành viên trong nhóm đã xuất sắc vượt qua hơn 40 nhóm, trên 300 chuyên gia đến từ 83 quốc gia và vùng lãnh thổ để giành giải thưởng chung cuộc: Giải đặc biệt của Diễn đàn giáo dục toàn cầu năm 2017.
Không chỉ xuất sắc giành giải thưởng, chinh phục các chuyên gia, với lối nói chuyện sắc sảo, khả năng của mình, cô Thúy đã được đại diện Microsoft Canada chào đón và gửi lời mời đến làm việc. Tuy nhiên, cô Thúy đã khiêm tốn từ chối và cảm ơn sự đồng cảm, quan tâm của đại diện này với câu nói: “Tôi ra đi là để trở về”.
Đây là sự khước từ cơ hội vàng mà không phải ai cũng làm được. Nhưng cô giáo Thúy với trái tim của một nhà giáo trẻ nhiệt huyết, tâm huyết với nghề, đặc biệt là mong muốn xây dựng nền giáo dục nước nhà nói chung và quê hương nói riêng đã làm được điều đó.
Dù vậy, đến năm 2019, những nỗ lực, sáng tạo không ngừng nghỉ của cô giáo 8X này đã được đền đáp xứng đáng khi cô là đại diện duy nhất Việt Nam lọt top 50 Giáo viên xuất sắc toàn cầu 2019.
Cô Thúy hy vọng với sức trẻ, niềm yêu nghề, cô sẽ cùng các đồng nghiệp quê nhà giúp các em học sinh có thêm động lực, kiến thức, kỹ năng, sẵn sàng tiếp cận với cách học, phương pháp học mới trong thời điểm cuộc Cách mạng 4.0 bùng nổ.
“Tôi rất yêu thích công việc giảng dạy của mình và hy vọng sẽ được tiếp tục có những hành trình trải nghiệm vui cùng các bạn, tới những địa điểm khác nhau trên thế giới.
Đồng thời, bản thân tôi trong thời gian tới sẽ tiếp tục hướng đến các em học sinh, giúp các em làm chủ lớp học và phát triển năng lực học sinh”, cô Thúy nói về mục tiêu tương lai.
Thành tích nổi bật trong học tập, lao động, công tác của cô giáo Trần Thị Thúy:
- Đạt danh hiệu “Giáo viên dạy Giỏi cấp tỉnh” năm học 2016-2017
- Đạt danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu Toàn quốc” năm 2018
- Đạt danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” tỉnh Hưng Yên năm học 2018 – 2019
- Đạt danh hiệu “Top 50 giáo viên Xuất sắc Toàn cầu” năm 2019
- Tham gia các hoạt động tự học trên các diễn đàn phát triển nhà giáo của các tổ chức như: Đại Sứ quán Mỹ, chương trình của Microsoft về Giáo dục toàn cầu
* Công trình, sản phẩm, sáng kiến:
- Sáng kiến được hội đồng khoa học Sở GD&ĐT Hưng Yên công nhận sáng kiến: Hướng dẫn học sinh học Vật lý 10 bằng tiếng Anh dựa trên nền tảng Office 365.
- Sáng kiến được giải Khuyến khích Giải Báo chí toàn quốc lần thứ XII năm 2017, là nhân vật của phóng sự: Dấu son người xứ nhãn – Đài truyền hình Hưng Yên đạt giải A – giải báo chí quốc gia năm 2018.
- Sáng kiến được giải Khuyến khích cuộc thi “Viết về những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ IX - báo Quân đội Nhân dân và là nhân vật giao lưu của của cuộc tổng kết 10 năm cuộc thi viết về những tấm gương bình dị mà cao quý năm 2019.
- Mô hình lớp học Skype hình ảnh về đổi mới giáo dục của trường THPT Đức Hợp nói riêng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên nói chung đã được thể hiện sinh động thông qua các bài viết trên báo chí cả nước.
- Đã xuất sắc giành giải “Chung cuộc - giải thưởng cao nhất của Diễn đàn giáo dục toàn cầu”
* Thành tích khen thưởng đã qua:
- 3 năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở (2016/2017; 2017-2018)
- 8/2016 đạt giải Nhì cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2016”
- 12/2016 đạt danh hiệu “Giáo viên dạy Giỏi cấp tỉnh” năm học 2016-2017
- 3/2017 đạt Giải thưởng cao nhất của Diễn đàn giáo dục toàn cầu
- 5/2017 đạt giải Nhì cấp Bộ “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2016”
- 5/2017 đạt giải Đặc biệt tại Cuộc thi “Diễn đàn giáo dục toàn cầu” năm 2017
- 7/2017 đạt thành tích xuất sắc cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT năm 2016”
- 11/2017 đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc trong năm học 2016 - 2017.
- 01/2019 Giấy khen của Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”năm 2018.
- 3/2019 Giấy chứng nhận của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đạt danh hiệu“Nhà giáo trẻ tiêu biểu” tỉnh Hưng Yên năm 2018 – 2019.
- 3/2019 Giấy chứng nhận do tổ chức giáo dục Varkey trao thưởng tháng 3 năm 2019 tại Dubai - Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất “Top 50 giáo viên Xuất sắc Toàn cầu”
- 5/2019 Giấy chứng nhận do Ban tuyên giáo Trung ương trao tặng về Gương điển hình tiêu biểu trong “Học tập và làm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2019.