Đại sứ và Tổng lãnh sự sẽ hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác quốc tế về GD&ĐT và quản lý LHS

Đại sứ và Tổng lãnh sự sẽ hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác quốc tế về GD&ĐT và quản lý LHS

(GD&TĐ) - Ông Nguyễn Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – đã khẳng định như vậy khi dẫn đầu đoàn các Đại sứ và Tổng lãnh sự mới được bổ nhiệm đến làm việc với Bộ GD&ĐT sáng nay ngày 17/2/2011, trước khi lên đường nhận nhiệm vụ. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chủ trì buổi làm, cùng sự tham dự của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa và lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng, Văn phòng Bộ GD&ĐT.

Được biết ngày 31/12/2010, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã bổ nhiệm 33 Đại sứ và Tổng lãnh sự nhiệm kỳ 2011 – 2014 (bản thân ông Nguyễn Quốc Cường sẽ nhận nhiệm vụ Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ). Buổi làm việc này là thông lệ giữa Bộ Ngoại giao với một số Bộ, Ngành có nhiều hợp tác (trong đó có Bộ GD&ĐT) trước mỗi kỳ Đại sứ và Tổng lãnh sự, trao đổi các thông tin và những đề xuất, tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, Ngành với các Đại sứ quán, Lãnh sự quán của Việt Nam ở các nước. Buổi làm việc này giữa Bộ GD&ĐT với đoàn các Đại sứ và Tổng lãnh sự mới được bổ nhiệm không ngoài nội dung trọng tâm trao đổi về tình hình hợp tác đào tạo và tình hình lưu học sinh (LHS) tại các nước mà nước ta có Đại sứ và Tổng lãnh sự; trao đổi thông tin về các chương trình học bổng và số lượng công dân Việt Nam đi học ở nước ngoài do Bộ GD&ĐT quản lý, tình hình quản lý lưu học sinh hiện nay... để các Đại sứ và Tổng lãnh sự mới được bổ nhiệm nắm được.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi làm việc với các Đại sứ và Tổng lãnh sự mới được bổ nhiệm
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi làm việc với các Đại sứ và Tổng lãnh sự mới được bổ nhiệm

Bên cạnh các nội dung thông tin trao đổi nêu trên, tại buổi làm việc này, Cục Đào tạo nước ngoài (Bộ GD&ĐT) cũng đã có một số đề xuất quan trọng với các Đại sứ và Tổng lãnh sự, trong đó nhấn mạnh việc khai thác các nguồn học bổng, kết nối các trường ĐH nước ngoài với các trường ĐH trong nước, công tác quản lý LHS, đặc biệt là LHSđi học theo nguồn học bổng nhà nước và LHS tự do... Đây cũng chính là những vấn đề trọng tâm thu hút sự quan tâm của các Đại sứ và Tổng lãnh sự tại buổi làm việc. Nhiều ý kiến đã đề nghị các vấn đề nêu ra ở đây, đặc biệt là vấn đề đưa học sinh ra nước ngoài và quản lý LHS cần có một Nghị định của Chính phủ, phải là một trọng tâm trong tương lai với sự phối hợp giữa các Bộ, Ngành và với các Đại sứ quán, Lãnh sứ quán và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, không chỉ ở việc “đặt hàng” hợp tác GD&ĐT với quốc tế, tìm kiếm các chương trình học bổng, quản lý LHS mà còn là mở rộng sự hợp tác quốc tế của Việt Nam và nhất là việc quản lý công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Các Đại sứ và Tổng lãnh sự khẳng định trong suốt nhiệm kỳ của mình sẽ thường xuyên có sự liên lạc chặt chẽ với Bộ GD&ĐT, các Vụ, Cục chức năng của Bộ liên quan đến công tác hợp tác về giáo dục và đào tạo với nước ngoài để cùng phối hợp làm tốt các nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực có liên quan; đồng thời nhấn mạnh Bộ GD&ĐT nên có những “đặt hàng” cụ thể để các Đại sứ, các Tổng lãnh sự có định hướng hỗ trợ cũng như phối hợp hoạt động trong nhiệm kỳ của mình ở các nước.   

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh giá cao sự quan tâm của các Đại sứ, Tổng lãnh sự đối với sự nghiệp GD&ĐT; đồng thời yêu cầu những Vụ, Cục chức năng liên quan của Bộ cần có sự chủ động, thường xuyên bổ xung, cập nhật các thông tin để kịp thời có những đề xuất hợp tác cũng như yêu cầu hỗ trợ đối với các Đại sứ, Tổng lãnh sự. Bộ trưởng tin tưởng, cùng với sự chủ động của Bộ GD&ĐT (trực tiếp từ các chuyên viên chuyên trách trở đi) và sự quan tâm của các Đại sứ, Tổng lãnh sự, giao lưu hợp tác quốc tế trong GD&ĐT nói riêng sẽ không ngừng được mở rộng và đẩy mạnh, góp phần vào thúc đẩy sự nghiệp GD&ĐT nước nhà theo hướng hiện đại và hội nhập, đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như đòi hỏi của đất nước trong thời kỳ mới; trong đó có nhiệm vụ hết sức quan trọng là không chỉ đẩy mạnh việc đưa học sinh Việt Nam ra nước ngoài học tập mà còn mở rộng hơn nữa công tác đón tiếp các LHS quốc tế đến Việt Nam học tập và thực tập, thông qua kênh thông tin quảng bá quan trọng là từ chính các Đại sứ quán và Lãnh sự quán của Việt Nam ở nước ngoài.

* Hiện nay, các chương trình học bổng dành cho công dân Việt Nam đi học tại nước ngoài do Bộ GD&ĐT quản lý gồm:
-    Học bổng của Chính phủ Việt Nam (học bổng theo Đề án 322 và học bổng theo Đề án xử lý nợ với Liên bang Nga);
-    Học bổng Chính phủ các nước cấp theo Hiệp định/Thỏa thuận ký kết với Chính phủ Việt Nam;
Ngoài ra còn có các chương trình học bổng nước ngoài khác dành cho Việt Nam (ADS, ALA, Endeavour, DAAD, VEF, Fulbright, học bổng của Chính phủ Nhật Bản, MEXT, JDS, Singapore...) chủ yếu do phía nước ngoài trực tiếp tuyển sinh, Bộ GD&ĐT chỉ phối hợp và hỗ trợ sơ tuyển ứng viên khi có đề nghị cụ thể.
* Hiện Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT) đang thực hiện công tác quản lý 4.813 LHS tại nước ngoài theo các diện học bổng khác nhau, trong đó có 1.975 LHS mới được cử đi học ở nước ngoài trong năm 2010 (760 tiến sĩ, 582 thạc sĩ, 47 thực tập sinh, 683 sinh viên đại học, 02 cao đẳng, 01 trung cấp). Trong số này có: 409 người đi học theo diện Hiệp định, 799 người đi học bằng nguồn ngân sách Nhà nước (Đề án 322), 345 người đi học bằng nguồn kinh phí Xử lý nợ với Liên bang Nga và số còn lại là đi học bằng kinh phí đề án của Bộ và học bổng do nước ngoài cấp.

Nhất Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.