Tích cực triển khai các chính sách đổi mới cơ chế tài chính
Theo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của Bộ GD&ĐT, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT, các địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, đặc biệt chú trọng đổi mới công tác tài chính trong các cơ sở GD-ĐT theo hướng: Đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng nguồn tài chính; mở rộng nguồn thu, tăng thu nhập cho người lao động; trích lập các quỹ khen thưởng, phúc lợi chăm lo đời sống cho người lao động và tái đầu tư cho hoạt động đào tạo.
Sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 29/NQ-TW, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo đẩy mạnh tự chủ tài chính đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập; đồng thời ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 – 2017. Điều này đã khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo và giảm chi cho ngân sách Nhà nước; đồng thời tăng cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho sinh viên nghèo, sinh viên đối tượng chính sách. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực hiện Nghị quyết 77, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH công lập; trong đó đề xuất đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các cơ sở giáo dục ĐH công.
Ngân sách Nhà nước chi cho GD-ĐT tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách được Quốc hội và Chính phủ duy trì. Từ năm 2013 đến năm 2017, quy mô chi ngân sách cho giáo dục luôn tăng về số tuyệt đối. Chi ngân sách địa phương tập trung cho mầm non và phổ thông. Trong đó, THCS và THPT tương đối ổn định qua các năm, tiểu học được ưu tiên nhất. Mầm non có tốc độ tăng đều về cơ cấu chi trong cả giai đoạn, từ 18% năm 2013 đến 20% năm 2015. Chi ngân sách địa phương chiếm tỷ trọng nhỏ hơn là ĐH và các trình độ khác.
Một số địa phương đã triển khai hiệu quả tự chủ tài chính với các cơ sở giáo dục trực thuộc, giao quyền tự chủ tài chính, bảo đảm chi thường xuyên đối với các trường học trên địa bàn. Ngoài kinh phí chi thường xuyên, địa phương đã bố trí nguồn vốn xây dựng cơ bản để hỗ trợ xây dựng trường chuẩn quốc gia và kiên cố trường, lớp học.
Một số kết quả khác về triển khai các chính sách đổi mới cơ chế tài chính có thể nói tới là: Bộ GD&ĐT trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, HS diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết 29. Bộ GD&ĐT đã cụ thể hóa trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Cùng với đó, tích cực triển khai chương trình tín dụng cho sinh viên, nâng mức vay tín dụng cho sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, học tập và lập nghiệp.
Ảnh minh họa/ Internet |
Thực hiện hiệu quả xã hội hóa, giảm gánh nặng ngân sách
Theo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của Bộ GD&ĐT, công tác xã hội hóa giáo dục từ giáo dục mầm non, phổ thông đến giáo dục nghề nghiệp và ĐH đã đạt được kết quả nhất định, góp phần nâng tỷ lệ huy động trẻ, HS trong độ tuổi ra lớp, hoàn thành phổ cập giáo dục trẻ em 5 tuổi, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển loại hình trường, lớp, chương trình chất lượng cao đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Xã hội hóa GD-ĐT đã đóng góp thêm khoảng 4.700 tỷ đồng (tương đương 2% ngân sách chi cho giáo dục).
Công tác xã hội hóa đầu tư cho giáo dục được địa phương quan tâm, nhất là các tỉnh, thành phố lớn. Có thể nói đến việc phát triển các loại hình trường ngoài công lập nhằm giảm áp lực trường lớp cho hệ thống trường công lập, đáp ứng quy mô học sinh tăng nhanh, khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, đặc biệt là ở cấp mầm non. Huy động nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài và các tổ chức quốc tế vào GD-ĐT cũng được địa phương quan tâm. Mô hình trường chất lượng cao, trường quốc tế được phát triển mạnh ở một số thành phố lớn. Thực hiện xã hội hóa với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH cũng được đẩy mạnh...
Đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng đổi mới giáo dục
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học, có chính sách hỗ trợ để có mặt bằng xây dựng trường; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1625/QĐ-TTg ngày 11/9/2014 phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015 và lộ trình đến năm 2020. Trong đó, tập trung ưu tiên xây dựng phòng học mầm non ở các khu vực tại Quyết định 20/2008/QĐ-TTg, các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và các huyện được hưởng cơ chế chính sách như 30a/2008/NQ-CP. Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo địa phương lồng ghép các nguồn vốn ODA, các đề án, dự án và các nguồn tài trợ khác với ngân sách Nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình kiên cố hóa, để tăng cường đầu tư có hiệu quả; phấn đấu xóa bỏ phòng học 3 ca, phòng học xuống cấp, phòng học tạm, phòng học nhờ, ưu tiên cho xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Các địa phương đã thực hiện rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các trường học 2 buổi/ngày; xác định thực trạng và nhu cầu cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; xây dựng kế hoạch tổng thể và tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học đồng bộ với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.