Bước chuyển mình ấn tượng của giáo dục mầm non

Bước chuyển mình ấn tượng của giáo dục mầm non

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) đã có những trao đổi về kết quả 5 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục mầm non theo tinh thần Nghị quyết 29.

5 kết quả nổi bật

- Ông có thể đánh giá tổng quan, 5 năm qua, giáo dục mầm non đã có chuyển biến như thế nào về chất lượng và đã làm được những gì so với mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 29?

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, có thể thấy rõ 5 kết quả nổi bật trong lĩnh vực giáo dục mầm non như sau:

Thứ nhất, đã thực hiện thành công các mục tiêu của phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Năm 2013 mới có 11 tỉnh/thành phố được công nhận đạt chuẩn thì đến năm 2017, 63/63 tỉnh, thành đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Việc thực hiện thành công các mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã tác động sâu rộng đến giáo dục mầm non, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giáo dục mầm non, đặc biệt là giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Thứ hai, mạng lưới cơ sở vật chất được đầu tư phát triển và từng bước được chuẩn hóa, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt là đối với trẻ em 5 tuổi. Năm 2013 số trường mầm non là 13.734 trường, hiện nay là 15.394 trường (tăng 1660 trường); năm 2013 tổng số phòng học là 148.878 phòng, hiện nay là 197.104 phòng, tăng 48.226 phòng; năm 2013 tỷ lệ phòng học kiên cố là 59,8%, hiện nay là 72,17%, tăng 12,37%

Thứ ba, đội ngũ giáo viên tăng về số lượng, từng bước chuẩn hóa về chất lượng; chính sách với giáo viên mầm non đã được quan tâm hơn trước đây. Tổng số giáo viên mầm non tăng 98.184 người, tất cả giáo viên mầm non được hưởng đầy đủ chế độ chính sách như giáo viên các cấp học khác (trước đó giáo viên mầm non chưa được hưởng các chính sách như giáo viên các cấp học khác, cuộc sống không ổn định).

Thứ tư, số trẻ đến trường tăng nhanh và chính sách với trẻ em mầm non đã được quan tâm. Tổng số trẻ đến trường hiện nay là 5.633.122 tăng 1.144.620 trẻ so với 2013; bình quân mỗi năm trẻ em mầm non đến trường tăng khoảng 230.000 trẻ. Việc huy động trẻ đến trường không chỉ đảm bảo quyền của trẻ em mà nó còn có ý nghĩa sâu xa hơn nữa là tạo điều kiện giúp cho cha mẹ tham gia vào hoạt động lao động sản xuất. Chúng ta huy động được 5,6 triệu trẻ đến trường là giúp hàng triệu cha mẹ tham gia vào hoạt động lao động, sản xuất và góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ năm, hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ được đổi mới theo định hướng toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm và với phương châm học bằng chơi mà học. Chương trình giáo dục mầm non đảm bảo phát triển những phẩm chất, năng lực mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa tiềm năng, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện trẻ em; chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT)
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT)  

Kết quả phổ cập tạo thay đổi căn bản và toàn diện cho giáo dục mầm non

- Theo ông, kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi có ý nghĩa như thế nào với quá trình đổi mới căn toàn, toàn diện giáo dục mầm non?

Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được thực hiện trong bối cảnh kinh tế đất nước rất khó khăn. Đầu tư cho phổ cập không đảm bảo mục tiêu như kế hoạch. Thêm vào đó, xuất phát điểm của giáo dục mầm non rất thấp.

Tuy nhiên, đây là một chủ trương đúng đắn, nhân văn, cho nên công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã được xã hội tích cực hưởng ứng, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, sự chung tay góp sức toàn xã hội và đặc biệt là sự tận tụy cống hiến của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non nên dù nhiều khó khăn, chúng ta cũng đã hoàn thành các mục tiêu của phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Năm 2013, khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết 29, chúng ta mới công nhận được 11 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, thì đến 2017 đã có 63/63 tỉnh thành đạt chuẩn này.

Việc thực hiện thành công các mục tiêu của phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã tác động sâu rộng đến giáo dục mầm non, nâng cao nhận thức của toàn xã hội với giáo dục mầm non. Có thể nói, nó tạo nên sự thay đổi căn bản và toàn diện cho giáo dục mầm non.

2 chính sách quan trọng của giáo dục mầm non

- Trong quá trình triển khai Nghị quyết 29, nhiều chính sách đã được Bộ GD&ĐT xây dựng trình các cấp có thẩm quyền cũng như ban hành, tạo điều kiện cho giáo dục mầm non phát triển. Ông có thể nói rõ hơn về những chính sách này và những tác động của các chính sách đó trong thực tiễn?

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa với trẻ em mẫu giáo và chính sách hỗ trợ đối với giáo viên mầm non. Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025.

Hai chính sách này có tác động rất rõ nét. Ví dụ như chính sách hỗ trợ chế độ ăn trưa mà đối với trẻ em hộ cận nghèo, hộ nghèo, trẻ em vùng đặc biệt khó khăn đã tác động đến chính sách huy động trẻ đến trường rất tốt. Mỗi bữa ăn dù chỉ có thêm 5000 đồng/cháu nhưng chất lượng bữa ăn trưa đã được cải thiện đáng kể. Cũng nhờ bữa ăn trưa này mà trẻ em ở các cơ sở mầm non ở vùng khó khăn đã hào hứng hơn với việc đến trường, gia đình cũng yên tâm hơn khi gửi các em đến các lớp mầm non.

Những con số đáng chú ý về xã hóa giáo dục mầm non

- Xã hội hóa giáo dục mầm non là một trong những điểm nhấn đáng kể trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29. Các tổ chức, cá nhân được tạo điều kiện tham gia đầu tư phát triển giáo dục mầm non đã góp phần giải tỏa áp lực về trường lớp mầm non trên cả nước. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những kết quả này?

Những năm qua, việc huy động các nhà đầu tư tham gia vào phát triển các cơ sở giáo dục mầm non đã được đẩy mạnh. Nếu 2013, chúng ta chỉ có khoảng 12% trường ngoài công lập, thì hiện nay con số đó đã lên đến khoảng 18%. Dù chênh lệch hơn 6% nhưng con số cụ thể là hàng nghìn trường.

Ngoài chính sách chung của nhà nước nhằm khuyến khích các nhà đầu tư thì các địa phương cũng có chính sách riêng như miễn thuế, tạo điều kiện về đất đai, tín dụng, cắt giảm các thủ tục hành chính nên đã khuyến khích hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển.

Có thể kể đến một số địa phương có tỷ lệ trường ngoài công nghiệp cao như Đà Nẵng (66.03%), Bình Dương (66.02%), Thành phố Hồ Chí Minh (62.83%), Bà Rịa Vũng Tàu (33.33%), Đồng Nai (30.98%), Hà Nội (30.58%), Hải Phòng (28.74%), Lâm Đồng (24.45%).

Nhiều địa phương đã rất linh hoạt, chủ động, nỗ lực trong huy động toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục mầm non.

Quan tâm đặc biệt giáo dục mầm non khu công nghiệp, khu chế xuất

- 5 năm triển khai NQ 29 cũng cho thấy còn rất nhiều khó khăn với bậc học mầm non. Việc thiếu trường lớp vẫn diễn ra, đặc biệt các khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo ông, cần có giải pháp gì để từng bước khắc phục tình trạng này?

Những năm gần đây, các khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước và nhu cầu cao về lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất dẫn tới sự gia tăng dân số khu vực này. Điều này kéo theo nhu cầu thiết yếu về giáo dục, đặc biệt là nhu cầu gửi trẻ mầm non của công nhân.

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 12/2016, toàn quốc có khoảng 325 khu công nghiệp được thành lập. Số lao động trong các khu công nghiệp khoảng gần 3 triệu người; trong đó khoảng 1,2 triệu là nữ. Sự gia tăng dân số cơ học tạo áp lực cho các trường công lập vì hầu hết các địa phương đều thiếu quy hoạch dự báo trước.

Trên toàn quốc hiện nay có khoảng 1.500 nhóm lớp độc lập tư thục. Những nhóm lớp này giá rẻ, phục vụ được nhu cầu của con em công nhân, tuy nhiên điều kiện đảm bảo an toàn trong các cơ sở này rất hạn chế.

Để giải quyết tình trạng thiếu trường lớp các khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị 09 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh các giải pháp phát triển trường lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất;

Hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn, khoa học, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và xây dựng hệ thống quy chuẩn trường lớp mầm non để các địa phương làm căn cứ để xây dựng quy hoạch;

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang trình Thủ tướng Chính phủ đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và đề án Phát triển giáo dục mầm non đến 2025.

Ngoài ra, cũng cần cường kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc phát triển trường lớp, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ mầm non, cũng như trong việc thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập theo quy hoạch chung của địa phương.

- Thưa ông, chúng ta vẫn nói tới vai trò quan trọng của bậc học mầm non, bậc học đầu đời hay bậc học nền tảng để tạo đà cho các bậc học tiếp theo. Tuy nhiên, nhìn từ thực tiễn, sự quan tâm tới bậc học này vẫn chưa thực sự tương xứng. Để có thể đạt được các mục tiêu đã đặt ra của bậc học mầm non theo Nghị quyết 29, đâu sẽ là những việc mà Đảng, Nhà nước và toàn xã hội cần tập trung chăm lo cho bậc học này?

Chúng ta thấy rằng, mặc dù thời gian qua, giáo dục mầm non đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận song vẫn còn rất nhiều khó khăn đối với bậc học này.

Để tạo điều kiện cho bậc học mầm non phát triển, Nhà nước cần có cơ chế chính sách để đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp theo hướng chuẩn, đáp ứng yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ mầm non.

Phải đảm bảo đội ngũ giáo viên về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, giáo viên mầm non được xã hội tôn vinh, được trả lương xứng đáng với vị trí và tính chất nghề nghiệp.

Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa để trẻ mầm non được hưởng các chế độ chính sách ưu tiên và điều kiện tốt nhất về chăm sóc giáo dục trong môi trường an toàn, thân thiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...