Tự chủ đại học được đẩy mạnh
Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam có 2 đại học nằm trong nhóm 1.000 trường danh tiếng nhất thế giới.
Sáng nay (9/10), tại Quảng Ninh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 8.
Phiên họp được diễn ra trong hai ngày 9 - 10/10, nhằm thẩm tra các nội dung gồm: Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2018 và 3 năm 2016 – 2018, Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2019; Báo cáo giữa kỳ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 và dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch.
Theo Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2016-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn 7 năm thực hiện khâu đột phá về nguồn nhân lực, quy mô nhân lực của nền kinh tế có sự gia tăng rõ nét trong tất cả các ngành, lĩnh vực và cơ cấu nhân lực chuyển dịch theo hướng tích cực.
Nét nổi bật đó là, nhận thức của người dân, các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề và toàn xã hội đối với công tác hướng nghiệp, đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp/người sử dụng lao động ngày càng được nâng lên.
Công tác đào tạo nhân lực đã có những thay đổi theo hướng tập trung nâng cao chất lượng; đào tạo gắn kết với nhu cầu lao động của địa phương, với các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động; phát triển chương trình đào tạo đã có sự tham gia của các doanh nghiệp sử dụng lao động, xây dựng chuẩn đầu ra rõ ràng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân |
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra một cách mạnh mẽ, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động triển khai đào tạo một số ngành nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh mới.
Tự chủ đại học được từng bước được đẩy mạnh. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục được triển khai tích cực, hiệu quả, công khai kết quả kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo, chuẩn hóa các điều kiện; chú trọng quản lý chất lượng đầu ra.
Giáo dục của Việt Nam phát triển ấn tượng
Công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng trường lớp , sửa chữa, nâng cấp phòng thực hành, thí nghiệm, bổ sung trang thiết bị dạy học, thiết bị dùng chung.
Bên cạnh đó, rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo, dạy nghề; đầu tư trọng tâm, trọng điểm các trường, các ngành tiến tới đạt chuẩn khu vực và thế giới.
Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được nâng lên và chuẩn hóa. Thực hiện nghiêm túc việc rà soát, điều tiết giáo viên từ những trường thừa sang những trường thiếu giáo viên, không xảy ra tình trạng có học sinh mà không có giáo viên dạy học.
Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh THPT đã được quan tâm hơn, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp đối với học sinh, sinh viên.
Toàn cảnh phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế. Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân |
Kết quả đổi mới giáo dục đã được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ngân hàng Thế giới đã khẳng định 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc.
Chất lượng học sinh lứa tuổi 15 nước ta vượt mức trung bình của học sinh các nước khối OECD ; chất lượng, kết quả học sinh tham dự các kỳ thi Olympic các môn văn hóa, sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế luôn ở top đầu.
Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường có nhiều chuyển rõ rệt, vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng Châu Á và thế giới.