Theo đó, hệ thống trường, lớp, bậc học từ mầm non đến THPT được quy hoạch, đầu tư, phát triển. Chất lượng giáo dục đào tạo được giữ vững và từng bước nâng lên.
Đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục được củng cố, kiện toàn bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đáp ứng được yêu cầu về công tác quản lý, công tác dạy và học.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục được đầu tư. Công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh, tạo được sự chuyển biến tích cực để thu hút các nguồn lực của xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Phát huy kết quả đã đạt được, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Cẩm Khê Trần Thị Thu Thanh đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29.
Thứ nhất: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn ngành giáo dục về thực hiện chủ trương của Đảng đối với việc đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo.
Bà Trần Thị Thu Thanh nhấn mạnh: Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo là vai trò, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội, là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị mà ngành giáo dục giữ vai trò chủ đạo.
Ưu tiên đầu tư xây dựng trường lớp theo hướng đạt chuẩn quốc gia; giữ vững kết quả phổ cập giáo dục đã đạt được. Phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch.
Đồng thời xác định rõ vai trò trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, của người học, gia đình và xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ và nội dung đổi mới giáo dục, đào tạo.
Thứ hai: Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, được xem là giải pháp đột phá, đảm bảo nguồn nhân lực để thực hiện tốt yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo huyện.
Theo bà Trần Thị Thu Thanh, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu đổi mới GD&ĐT; thực hiện chuẩn hóa, đảm bảo đồng bộ về cơ cấu đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong các trường học.
Đội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Vì vậy cần quan tâm, bồi dưỡng, tạo động lực để giáo viên hăng say với nghề, có trí tuệ, có tâm huyết, lương tâm nhà giáo, tiếp cận, nắm bắt kiến thức mới, vận dụng linh hoạt vào tình hình thực tế; tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên được tham quan học tập mô hình hay cách làm tốt; tích cực xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến, đổi mới phương pháp bồi dưỡng về năng lực sư phạm cho giáo viên, để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, thay sách giáo khoa mới.
Đặc biệt, cần thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý trên địa bàn huyện, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức viên chức...
Thứ ba: Nâng cao chất lượng giáo dục ở cả 3 môi trường nhà trường, gia đình và xã hội.
Bà Trần Thị Thu Thanh nhấn mạnh: Giáo dục là một hoạt động mang tính xã hội cao. Muốn thực hiện được mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh, cần phải coi trọng cả giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Chỉ riêng nhà trường, riêng ngành giáo dục thì không thể làm tốt công tác giáo dục toàn diện được.
Cần xác định rõ trách nhiệm của nhà trường, trách nhiệm của gia đình và trách nhiệm của xã hội. Phải xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường; gia đình; chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.
Thứ tư: Đổi mới công tác quản lý về giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo
Thực hiện có hiệu quả việc đổi mới quản lý giáo dục bảo đảm dân chủ, thống nhất, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, coi trọng quản lý chất lượng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong quản lý điều hành, thực hiện nhiệm vụ. Nâng cao năng lực quản lý ở cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo.
Thứ năm: Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Tăng cường đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm GDNN-GDTX để xây dựng một hệ thống giáo dục mở, tạo điều kiện học tập cho người dân.
Thứ sáu: Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Tiếp tục huy động các nguồn lực, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong các nhà trường.
Tăng cường đầu tư đảm bảo đủ thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau năm 2018 đảm bảo phục vụ công tác giảng dạy trong các nhà trường trên địa bàn huyện, phấn đấu đến năm 2020 các trường đều có thư viện xuất sắc, các trường THCS đều có phòng thí nghiệm thực hành. Xây dựng cảnh quan trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Khuyến khích hình thành các quỹ học bổng khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ học sinh nghèo, vượt khó, học giỏi. Tăng cường phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, hội khuyến học, hội cựu giáo chức làm tốt công tác tuyên truyền vận động các tổ chức xã hội, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện tham gia ủng hộ.
Sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội hóa đầu tư cho giáo dục.Vận động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục.