Đà Nẵng chuyển mục tiêu từ không có người mù chữ thành không có học sinh bỏ học

GD&TĐ - Để giữ vững kết quả xóa mù chữ, sau khi cán đích, Đà Nẵng tập trung cho chương trình không có học sinh bỏ học vì lý do kinh tế.

Lớp học kèm miễn phí của cô giáo hưu trí Lê Thị Châu.
Lớp học kèm miễn phí của cô giáo hưu trí Lê Thị Châu.

Nhiều mô hình hỗ trợ cho học sinh, đặc biệt là học sinh Tiểu học và THCS để giảm tối đa tình trạng học sinh bỏ học, giúp thành phố Đà Nẵng duy trì vững chắc kết quả của chương trình 5 không, trong đó có mục tiêu "Không có người mù chữ".

Những lớp học tiếp sức

Cô Lê Thị Châu (khu dân cư Lộc Phước 3, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã mở lớp dạy kèm miễn phí tại nhà hơn 10 năm qua, kể từ ngày nghỉ hưu. Vừa dạy kèm miễn phí, vợ chồng cô Châu còn chăm lo bữa ăn trưa cho học sinh trong suốt cả mùa hè.

Lớp học mùa hè của cô Châu đa phần là những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cha mẹ theo nghề biển, chạy chợ hoặc làm thuê mướn nên không có điều kiện chăm sóc con cái. Ngoài hướng dẫn các em học, cô Châu còn bày vẽ cho học sinh về cách cư xử, lời ăn tiếng nói, biết yêu thương, tha thứ, học cách sống tự lập khi bố mẹ mưu sinh bám biển.

“Có những em ở nhà một mình suốt cả mùa hè, không có ai trông coi nhắc nhở nên rất dễ sa vào chơi bời, lêu lỏng. Thậm chí có những em bố mẹ đi biển, đi làm ăn xa cả tháng trời mới về. Cái nghèo cộng với việc thiếu quan tâm, chăm sóc sẽ khiến các em bỏ học bất cứ lúc nào. Mình bày thêm cho các em con chữ, phép tính với mong muốn bằng tình yêu thương con trẻ, các em sẽ chăm chỉ học hành để tương lai tốt đẹp hơn”, cô Châu cho biết.

Cô Lê Thị Châu được một học sinh đã từng tham gia lớp học thêm miễn phí tặng hoa tri ân.

Cô Lê Thị Châu được một học sinh đã từng tham gia lớp học thêm miễn phí tặng hoa tri ân.

Mùa hè, lớp học của cô Châu được mở vào ban ngày. Vào năm học, cô lại tranh thủ làm việc nhà thật sớm để tầm tan trường buổi chiều là có thể mở cửa cho các em học sinh vào nhà đọc sách, hỏi bài hoặc hoàn tất các bài tập. Học trò đông, mỗi em một chương trình học, cô giáo vì thế phải có cách tổ chức và hướng dẫn bài vở sao cho tất cả các em đều không có cảm giác bị bỏ rơi.

Cô Châu luôn sẵn sàng giải đáp cho từng em một cách dễ hiểu nhất. Suốt buổi, cô như con thoi chạy qua chạy lại quanh lớp học, bày cho em này lại chỉ dẫn cho em kia. Hết giờ, cô trò cùng nhau ra căn phòng khách - cũng là nơi để chiếc tủ sách, cô hướng dẫn các em tự đọc sách rồi tất bật vào bếp nấu cơm cho các em.

Mùa hè, để duy trì lớp học và tổ chức được bữa ăn trưa cho khoảng 20 HS, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình mình đều được cô Châu tính toán sít sao. “Cũng may là lớp học của mình còn nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của nhiều phụ huynh, xóm giềng” – cô Châu kể.

Phụ huynh xóm biển rất thật lòng. Sau mỗi chuyến đi biển, họ thường đem ít cá, mực đến nhà gửi cô để hỗ trợ bữa ăn của lớp. Biết hoàn cảnh của phụ huynh cũng không dư dả gì, cô Châu từ chối không nhận thì một phụ huynh nói: “Em không có tiền, cũng không có chữ để cho con. Thôi thì con cá là của em, chữ là của cô, cô chăm sóc giúp cho con em lớn khôn nên người”.

Chân đế vững chắc cho chương trình xóa mù chữ và phổ cập GD

Đà Nẵng đã thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội lớn như: Chương trình thành phố “5 không”, “3 có” và “4 an”, cùng với rất nhiều phong trào, cuộc vận động mang đậm tinh thần “lá lành đùm lá rách” như: “Tiếp sức đến trường”, “Đồng hành cùng bạn”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Quỹ vì người nghèo”, “Tháng cao điểm vì người nghèo”, “Heo vàng giúp đỡ hộ nghèo”...

Những chương trình, phong trào này đã huy động được hàng trăm tỷ đồng để giúp các gia đình nghèo vươn lên. Từ nguồn huy động này, thành phố đã xây dựng, sửa chữa 12.582 ngôi nhà; hỗ trợ sinh kế cho gần 12.000 hộ gia đình khó khăn; tiếp sức đến trường hơn 11.000 lượt học sinh, sinh viên con hộ nghèo...

Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tặng đồng phục cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trước ngày khai giảng năm học 2023 - 2024.

Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tặng đồng phục cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trước ngày khai giảng năm học 2023 - 2024.

Thống kê của Sở LĐTB&XH thành phố Đà Nẵng về việc thực hiện mục tiêu “Không có học sinh bỏ học giữa chừng vì lý do kinh tế” cho thấy kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Năm 2009 - thời điểm thành phố thực hiện mục tiêu này - trung bình mỗi năm có hơn 600 em học sinh bỏ học vì lý do kinh tế gia đình khó khăn. Con số này liên tục giảm dần qua các năm, đơn cử như năm 2019, thành phố chỉ còn chưa đến 50 học sinh bỏ học.

Đầu mỗi năm học, ngành giáo dục phối hợp với các địa phương thống kê, lập danh sách học sinh trong diện khó khăn, có nguy cơ bỏ học để từ đó có phương án giúp đỡ về kinh tế, tổ chức ôn tập chương trình đã học; tư vấn động viên các trường hợp các em bị sang chấn tâm lý vì hoàn cảnh gia đình... Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn nhân rộng các mô hình khá thành công trong việc giúp các em đến trường như: “Người bạn đồng hành”, “Tổ tư vấn tâm lý”, “Dòng họ học tập”, “Tộc họ khuyến học”... Những mô hình này đã trở thành những “chiếc phao” được đưa ra rất đúng lúc để các em có hoàn cảnh khó khăn được quay trở lại trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ