Đà Nẵng nỗ lực duy trì các lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ

GD&TĐ - Đà Nẵng ưu tiên mở các lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ để hoàn thiện kiến thức, chống tái mù.

Cập nhật số liệu, xác minh thông tin trong điều tra phổ cập - xóa mù chữ được Trung tâm GDTX số 2 Đà Nẵng chú trọng nhằm có căn cứ mở lớp.
Cập nhật số liệu, xác minh thông tin trong điều tra phổ cập - xóa mù chữ được Trung tâm GDTX số 2 Đà Nẵng chú trọng nhằm có căn cứ mở lớp.

Xác minh cụ thể từng trường hợp

Ông Đinh Lương Y, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 (TP Đà Nẵng) cho biết, Trung tâm được phân công thực hiện công tác xóa mù chữ và theo dõi phổ cập giáo dục tại 3 quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu.

"Trung tâm xác định rõ nhiệm vụ Phổ cập giáo dục - Xóa mù (PCGD-XMC) chữ là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng nhằm nâng cao dân trí, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy đã phân công chỉ đạo Phòng Nghề - XMC thực hiện công tác PCGD-XMC nói chung và công tác xóa mù chữ nói riêng. Từng thành viên của Phòng đều được giao nhiệm vụ, địa bàn cụ thể nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ và hồ sơ công tác này. Đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá xếp loại hằng năm" - ông Đinh Lương Y thông tin.

Trung tâm GDTX số 2 thành phố Đà Nẵng truyền thông về xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Trung tâm GDTX số 2 thành phố Đà Nẵng truyền thông về xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Vào đầu năm học, các thành viên đều tham gia công tác điều tra, cập nhật trình độ học vấn nhân dân, theo dõi số liệu trên hệ thống phần mềm quy định của Bộ GD&ĐT. In ấn hồ sơ, xác nhận đối tượng khuyết tật. Làm tốt công tác huy động các đối tượng còn mù chữ trong độ tuổi 15-60 ra lớp, duy trì sĩ số đến khi kết thúc chương trình. Tổ chức kiểm tra hết mức cho các lớp sau khi hoàn thành chương trình.

Cô Phạm Nguyễn Ngọc Thoan, Phòng Nghề - XMC của Trung tâm GDTX số 2 cho biết: "Hàng năm, Phòng đều lập danh sách những đối tượng trong độ tuổi phổ cập có trình độ lớp 4, lớp 5 để tham mưu Ban chỉ đạo mở các lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ để hoàn thiện kiến thức, chống tái mù".

Tuy nhiên, theo như cô Thoan, trong quá trình điều tra, một số trường hợp có trình độ văn hóa không phải là mù chữ hoặc lớp 4, lớp 5. Vì vậy, trước khi tham mưu mở lớp thì phải phúc tra xác minh lại những người có trong danh sách. Nếu trường hợp nào sai thì phải điều chỉnh ngay vào sổ điều tra gốc để tránh tình trạng nhầm lẫn trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, những đối tượng đã tham gia học hết chương trình mức học nào thì phải cập nhật ngay vào sổ điều tra gốc.

Bám lớp, bám học viên

Chị Nguyễn Thị Tr. (SN 1964) là một trong 11 học viên của lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ ở mức 2 do Trung tâm GDTX số 2 mở tại phường Chính Gián (Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Chị Tr. cho biết: "Học tính toán thì mình quen tính nhẩm rồi, nhưng cũng chỉ mới ngang tính tiền cộng trừ thôi. Chớ đến nhân chia nhiều số là cũng hơi khó, có lúc thấy rối lắm. Nhưng cô Thoan động viên, hướng dẫn cho từng bài toán một nên cũng đỡ ngại".

Việc huy động ra lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, theo như cô Thoan, gặp rất nhiều khó khăn vì độ tuổi lớn và là lao động chính trong gia đình. Vận động để học viên ra lớp đã khó, nhưng việc duy trì sĩ số đến khi kết thúc chương trình còn khó hơn.

Ông Đinh Lương Y khẳng định, Trung tâm GDTX số 2 đã nhận được sự hỗ trợ, phối hợp đồng bộ giữa mặt trận, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị đồn biên phòng Phú Lộc, Hải Vân, Trung tâm bảo vệ trẻ em đường phố trong công tác vận động tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất cũng như hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác PCGD-CMC tại địa phương.

Nhiều lớp học xóa mù chữ trên địa bàn Trung tâm phụ trách là do Hội phụ nữ, Đồn Biên phòng đứng lớp. Người dân tại khu văn hóa biển Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) vẫn còn nhớ hình ảnh “thầy giáo” Trung úy Doãn Hồng Quang (31 tuổi), Đội trưởng Đội vận động quần chúng luôn nhẫn nại với từng “học trò” đủ mọi lứa tuổi của mình trong lớp học xóa mù chữ buổi tối do Đồn Biên phòng Hải Vân tổ chức cách đây vài năm. Đã có những lúc trò không đến lớp, thầy phải đến tận nhà trò chuyện, động viên. Đã có những khi cả thầy và trò cùng bất lực bởi thầy giảng mãi mà trò vẫn chưa hiểu, chưa nhớ. Dẫu vậy, sau nhiều nỗ lực, kiên trì, hàng chục người dân đã biết đọc, biết viết nhờ “thầy” Quang.

Trong dòng chảy náo nhiệt của thành phố trẻ đầy sôi động, vẫn có những lớp học miễn phí thầm lặng nối tiếp nhau hết năm này qua năm khác, góp phần khép lại phía bóng tối cho nhiều mảnh đời bớt đi phần nào thua thiệt, mặc cảm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.