Lớp 'bình dân học vụ' thời @

GD&TĐ - Bám sát đúng nhu cầu của người học đã góp phần giúp thành phố Đà Nẵng hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ theo các độ tuổi.

Một lớp dạy học xóa mù chữ cho phụ nữ ở khu chung cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc. (Ảnh tư liệu).
Một lớp dạy học xóa mù chữ cho phụ nữ ở khu chung cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc. (Ảnh tư liệu).

Duy trì mục tiêu thành phố “5 không”

Trong năm 2023, Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 (TP Đà Nẵng) đã mở được một lớp mức 2 Giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (GDTTSKBC - lớp 5) tại phường Chính Gián, quận Thanh Khê cho 12 học viên.

Cô Phạm Nguyễn Ngọc Thoan, giáo viên dạy lớp GDTTSKBC cho biết: “Phần lớn học viên đều trên 45 tuổi, là lao động chính của gia đình. Điều kiện kinh tế cũng không mấy khá giả nên phải lo làm ăn. Vì vậy, việc học cũng khó tham gia đều đặn, tiếp thu chậm và cũng dễ bỏ học…”.

Phường Chính Gián đã có nhiều hỗ trợ để duy trì lớp học này hằng năm. Học viên tham gia lớp học thì được hỗ trợ sách vở bút, Tết âm lịch cũng nhận được quà Tết từ phường. Giáo viên đứng lớp, ngoài động viên để học viên tham gia lớp học đều đặn, còn phải điều chỉnh cách dạy theo từng đối tượng, hướng dẫn như dạy kèm.

Trung tâm GDTX số 3 (Đà Nẵng) tổ chức hội nghị thảo luận việc tổ chức đa dạng hình thức đào tạo đáp ứng nhu cầu người học, trong đó có các lớp xóa mù chữ, hạn chế tình trạng tái mù.

Trung tâm GDTX số 3 (Đà Nẵng) tổ chức hội nghị thảo luận việc tổ chức đa dạng hình thức đào tạo đáp ứng nhu cầu người học, trong đó có các lớp xóa mù chữ, hạn chế tình trạng tái mù.

Ông Lê Xuyên, Giám đốc Trung tâm GDTX số 3 (Đà Nẵng) cho biết: “Trong điều tra xóa mù chữ, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến trẻ em gái, phụ nữ, người dân tộc thiểu số thuộc địa bàn huyện Hòa Vang để có những hình thức dạy – học phù hợp. Trung tâm cũng đặc biệt chú trọng xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 4 xã miền núi huyện Hòa Vang và người khuyết tật”.

Trung tâm GDTX số 3 đã tích cực mở các lớp học với những nội dung thiết thực với đời sống lao động sản xuất cho những người mới biết chữ tại các Trung tâm học tập cộng đồng, giúp người mới biết chữ củng cố kết quả học tập và hạn chế tình trạng tái mù chữ”.

Nhờ tập trung nguồn lực cho mục tiêu xóa mù chữ mà trong năm 2018, 6 phường trên địa bàn quận Cẩm Lệ và 11 xã trên địa bàn huyện Hòa Vang đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, phối hợp với các UBND xã mở được 1 lớp xóa mù chữ trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Dạy theo nhu cầu

Từng nhiều năm tham gia dạy lớp xóa mù chữ cho phụ nữ, cô Trần Thị Ngọc Diệp (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chia sẻ rằng, không có một “giáo án” dùng chung nào cho tất cả các học viên.

Cô Diệp dựa trên nghề nghiệp, sinh kế của từng người để vạch ra nội dung học phù hợp, đúng theo phương châm “đáp ứng tối đa nhu cầu của người học”. Như chị Vân, trước đây làm mướn tại cảng cá, nhờ chắt chiu dành dụm, giờ đã kiếm được một chỗ ngồi trong chợ để buôn bán, cô Diệp dạy chị cách viết tên từng loại cá, tên bạn hàng, cách ghi thu chi, tính toán lỗ lời. Có chị khác, mở một quán nhậu vỉa hè, cô Diệp bày cho cách ghi tên các món ăn, các loại bia, nước uống, cộng trừ tiền bạc sao cho khỏi nhầm lẫn, thất thoát…

Học viên của cô Diệp hầu hết là những phụ nữ đã đứng tuổi, cái tuổi lẽ ra phải dành cho việc học thì họ bươn chải với hạt gạo, hạt muối, gánh gồng cái ăn, cái mặc cho gia đình. Cứ thế, người này chỉ cho người kia, nên có những chị nhà ở tuốt dưới phường Thọ Quang, Mân Thái… cũng tìm đến cô Diệp để xin học. Có gia đình, cả vợ chồng, con cái nhờ cô mà biết đến cái chữ.

37 tuổi, chị Lê Thị Năm, ở khu chung cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc (Đà Nẵng) mới bắt đầu học cách cầm bút, tập viết những nét chữ đầu tiên, đánh vật với những con tính.

Nhớ lại những ngày đầu mới bắt đầu học chữ, chị Năm nói rất giản dị: “Có biết chữ thì có khác chớ cô. Biết chữ rồi, ra đường tui cũng có phần tự tin hơn. Tui tự đọc được tên đường, biển hiệu; ai nói gì, không hiểu hết thì mình cũng hiểu sơ sơ. Chớ trước đây, cứ cắm mặt mà làm, đâu có thể hiểu hết những điều người ta nói”.

Những năm qua, Đà Nẵng vẫn nỗ lực để duy trì các lớp xóa mù chữ và lớp GDTTSKBC. Không có người mù chữ là một trong những nội dung chương trình "Thành phố 5 không" được thành phố đề ra từ năm 2000, phấn đấu cơ bản hoàn thành sau 5 năm và duy trì ở các năm tiếp theo.

Trong 2 năm 2001 và 2002, các quận, huyện của thành phố hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ đến người cuối cùng trong độ tuổi 6-35.

Chị Nguyễn Thị Cường (phường Thọ Quang, Sơn Trà) tìm đến lớp học “xoá mù” thời điểm năm 2016 cho biết, mục tiêu đi học, ngoài biết đọc, biết viết còn là để biết cách kèm cặp, chỉ bảo hai cậu con trai sinh đôi mới 14 tuổi đã bỏ học vì không muốn đến trường. “Khi con bắt đầu nghỉ học thì tui mới nghiệm ra, ít nhất con ngồi vào bàn học, mình cũng phải biết nó đang học hay chỉ ngồi cho có rứa thôi. Lúc đi học, tui nghĩ khó thì cũng đã khó rồi, tui chỉ mong sao hai đứa con tui, thấy mẹ chừng này tuổi rồi mà phải cặm cụi tập viết từng chữ, thì nó cũng nghĩ lại, không tiếp tục học chữ thì cũng phải kiếm lấy cái nghề mà học” – chị Cường kể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ