Người thầy 4.0 thay đổi để thích ứng

GD&TĐ - Chuyên gia đưa ra lời khuyên với đội ngũ giáo viên trong tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá phù hợp với bối cảnh và yêu cầu mới...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Từ đánh giá tác động của công nghệ, đặc biệt trí tuệ nhân tạo đến giáo dục - đào tạo, các chuyên gia đưa ra lời khuyên với đội ngũ giáo viên trong tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá phù hợp với bối cảnh và yêu cầu mới.

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội): Tập trung kiến tạo môi trường học tập toàn diện

nguoi-thay-4-cham-0-2.jpg
PGS.TS Trần Thành Nam.

AI đã thâm nhập vào quá trình dạy - học trong nhà trường dẫu chúng ta muốn hay không và ít nhiều tạo ra những tác động, cải tiến chất lượng. AI sẽ không thể thay thế người thầy, nhưng chắc chắn những giáo viên biết ứng dụng AI sẽ thay thế nhiều giáo viên khác.

Công nghệ và AI đang giúp cho việc dạy - học trở nên cá nhân hóa hơn. Trong kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo này, giáo viên sẽ không thể chỉ tập trung vào thiết kế việc dạy học mà phải chuyển sang thiết kế việc học tập, kiến tạo môi trường trải nghiệm cho người học thật thú vị và thúc đẩy học tập suốt đời.

Mục tiêu học tập không chỉ hướng tới các tầng bậc nhận thức theo phân loại của Bloom (gồm nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo) mà mở rộng hơn theo tiếp cận của Fink (Fink’s Taxonomy) gồm:

Kiến thức nền tảng: Hiểu và ghi nhớ thông tin và ý tưởng; Ứng dụng: Phát triển các kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo, thực tiễn và áp dụng chúng trong các tình huống khác nhau; Tích hợp: Tạo ra sự kết nối giữa các ý tưởng, ngữ cảnh hoặc các lĩnh vực học tập khác nhau; Chiều kích con người: Hiểu rõ bản thân và người khác, học cách tương tác hiệu quả trong các nhóm hoặc đội ngũ; Quan tâm: Phát triển những cảm xúc, mối quan tâm và giá trị mới; Học cách học: Trở thành người học hiệu quả hơn, học cách tham gia vào việc học tập tự định hướng.

Nói cách khác, cùng sự phát triển của công nghệ, AI, các nhà giáo dục không thể chỉ tập trung nâng cao năng lực tiếp thu kiến thức mà phải tạo ra được môi trường học tập toàn diện, kích thích mạnh mẽ sự tò mò, đam mê tìm tòi khám phá của người học.

AI sẽ giúp giáo viên tạo ra các nhiệm vụ, thúc đẩy và hỗ trợ người học tự quyết định, định hướng, điều chỉnh. Nó sẽ hỗ trợ phân tích học tập (thành tích, phong cách học, thói quen, hành vi, thái độ…) để dự báo và ra quyết định. Thậm chí còn tạo ra các khóa học cá nhân phù hợp.

AI sẽ tạo ra các bối cảnh, nhiệm vụ thực hiện làm thay đổi quan hệ tương tác người dạy - người học trong môi trường giàu chất công nghệ. Tạo ra các nhiệm vụ học tập trong không gian học tập thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường hỗn hợp (VR/AR/XR); tích hợp trên các hệ thống trải nghiệm học tập để tăng tính tương tác, thân thiện… Người học sẽ có người dạy ảo, bạn học ảo, được trao đổi với chuyên gia ảo, sự hỗ trợ bởi những trợ giáo ảo.

AI sẽ hỗ trợ đánh giá dựa trên sự thực hiện và bằng chứng, với nhiều phương pháp đánh giá thực, đánh giá 360 độ dựa trên việc tự đánh giá, đánh giá đồng đẳng hoặc cùng đánh giá.

Để nghề giáo thích ứng với bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, AI và tự động hóa, cần trang bị và nâng cao năng lực AI cho giáo viên. Có một khảo sát tại Hoa Kỳ cho thấy, 66% hiệu trưởng trong các cơ sở giáo dục công lập cho rằng, trong tương lai gần, họ sẽ không tuyển dụng giáo viên nếu không có năng lực sử dụng AI.

Nhưng năng lực AI của người giáo viên bao gồm những thành tố nào? Các nhà nghiên cứu cho rằng ít nhất phải có các thành tố sau:

Sử dụng và tích hợp công cụ AI vào các hoạt động dạy học và giáo dục học sinh: Giáo viên cần biết cách sử dụng AI để hỗ trợ quá trình giảng dạy, tối ưu hóa việc học của học sinh, từ đó nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Phát triển năng lực sử dụng AI cho học sinh: Hướng dẫn học sinh sử dụng AI một cách hiệu quả, giúp họ hiểu cách khai thác và tận dụng AI trong học tập và cuộc sống.

Phát triển chuyên môn thông qua AI: Giáo viên có thể sử dụng AI để cập nhật và nâng cao kiến thức chuyên môn của mình, từ đó cải thiện chất lượng giảng dạy.

Đảm bảo an toàn, đạo đức và trách nhiệm giải trình trong quá trình sử dụng AI: Giáo viên phải tuân thủ các quy tắc về đạo đức, đảm bảo an toàn cho học sinh khi sử dụng các công cụ AI, đồng thời phải có trách nhiệm trong việc sử dụng AI.

Hợp tác trong sử dụng và tích hợp AI: Giáo viên cần biết cách hợp tác với đồng nghiệp, chuyên gia công nghệ để tích hợp AI vào giáo dục một cách hiệu quả.

Phát triển tư duy phản biện và giải quyết vấn đề sáng tạo cho bản thân và học sinh: Sử dụng AI để khuyến khích tư duy phản biện, giải quyết các vấn đề phức tạp và sáng tạo trong giảng dạy.

Học tập và phát triển liên tục/suốt đời: Giáo viên cần liên tục học hỏi, phát triển kỹ năng và kiến thức về AI để thích ứng với sự thay đổi của công nghệ và giáo dục.

PGS.TS Trần Kiêm Minh - Trưởng khoa Toán học, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế): Thay đổi để thích ứng

nguoi-thay-4-cham-0-4.jpg
PGS.TS Trần Kiêm Minh.

Công nghệ số, đặc biệt là các công cụ tích hợp trí thông minh nhân tạo (AI) đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi khía cạnh của giáo dục, trong đó có việc dạy và học. Đối với việc dạy của giáo viên, AI mang đến nhiều tác động tích cực, chẳng hạn như:

Hỗ trợ sáng tạo nội dung: Giáo viên có thể sử dụng các nền tảng dựa trên AI để tạo tài liệu giảng dạy, hỗ trợ chuẩn bị kế hoạch bài dạy và tài nguyên học tập tùy chỉnh một cách hiệu quả.

Thúc đẩy dạy học cá nhân hóa: Các hệ thống AI có khả năng phân tích dữ liệu từng học sinh và điều chỉnh kế hoạch bài học theo phong cách học tập của cá nhân, cho phép giáo viên đáp ứng nhu cầu riêng từng em. Điều này giúp xác định những học sinh cần hỗ trợ thêm hoặc có thể tiến bộ nhanh hơn.

Cung cấp trải nghiệm học tập tương tác: Công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường, được hỗ trợ bởi AI, có thể cung cấp trải nghiệm học tập nhập vai trong các môn học như Lịch sử hoặc Sinh học, giúp học sinh dễ tiếp cận và có tính hấp dẫn hơn đối với các chủ đề nội dung phức tạp.

Hỗ trợ chấm điểm và phản hồi tự động: Các công cụ hỗ trợ AI có thể giúp giáo viên chấm điểm bài tập, thậm chí cung cấp phản hồi tự động. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng công việc cho giáo viên và cho phép họ tập trung nhiều hơn vào việc dạy.

Bên cạnh những tác động tích cực mang tích chuyển đổi, các công cụ AI mang đến những thách thức đối với quá trình dạy, học và đánh giá học sinh. Phần lớn việc dạy học nói chung, dạy Toán ở phổ thông nói riêng đang nhấn mạnh vào sự thành thạo về kiến thức quy trình (ví dụ giải phương trình đại số, áp dụng công thức). Với khả năng tự động hóa, các công cụ AI có thể dễ dàng giải, hỗ trợ trả lời cho những bài tập mang tính thuật toán đơn thuần như vậy.

Đối với việc dạy, nhiều giáo viên có thể chưa quen với tiến bộ nhanh chóng của công nghệ số, đặc biệt là AI và cách tích hợp chúng vào lớp học hiệu quả. Điều này cũng là rào cản với việc tận dụng tối đa tiềm năng lợi ích mà trí thông minh nhân tạo mang lại cho việc dạy học.

Trước tác động mạnh mẽ của công nghệ số và các công cụ AI, giáo dục phổ thông cần có những thay đổi cần thiết từ chương trình, quá trình dạy học và kiểm tra đánh giá để thích ứng. Những thay đổi có thể là:

Quá trình dạy học nên chuyển dần từ tập trung vào kiến thức mang tính quy trình và nhớ lại sang hiểu biết về khái niệm, thúc đẩy các nhiệm vụ mang tính tìm tòi; trong đó, học sinh phải tìm hiểu vấn đề, thiết lập mô hình toán học để giải quyết các vấn đề có bối cảnh thực tế. Những nhiệm vụ như vậy ngày càng quan trọng, cần thiết hơn trong đánh giá năng lực học sinh.

Thay đổi cách nhìn của giáo viên đối với các công cụ AI. Cụ thể, AI nên được xem như công cụ hỗ trợ tích cực việc học, thay vì là một công cụ đưa ra lời giải. Chẳng hạn, giáo viên có thể giao nhiệm vụ cho học sinh làm việc với các công cụ AI nhằm khám phá cách tiếp cận khác nhau để giải quyết một vấn đề đặt ra, so sánh các phương pháp hoặc thậm chí kiểm tra tính đúng đắn của các lời giải do AI tạo ra. Điều này cũng cho phép phát triển thêm các năng lực giao tiếp, lập luận, giải quyết vấn đề của học sinh.

Chương trình giáo dục cần hướng đến dạy cho học sinh cách sử dụng các công cụ AI một cách có trách nhiệm và hiểu được những tiềm năng, hạn chế của nó. Thay vì cấm sử dụng AI, chúng ta nên hướng dẫn học sinh cách tận dụng AI hiệu quả như một công cụ để học, không chỉ để tìm kiếm câu trả lời.

PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng): Vai trò đồng hành của trường sư phạm

nguoi-thay-4-cham-0-3.jpg
PGS.TS Võ Văn Minh.

Giáo dục có lịch sử phát triển từ ngàn đời. Từ khi chưa hình thành chữ viết đã có giáo dục. Theo thời gian, hoạt động giáo dục đã đổi mới và phát triển; nhận thức của xã hội không ngừng thay đổi và công nghệ cũng dần phát triển, góp phần thúc đẩy hoạt động giáo dục tốt hơn…

Công nghệ cũng là sản phẩm của giáo dục, giáo dục cũng chịu ảnh hưởng cả khía cạnh tiêu cực và tích cực. Trong thực tế, nếu chúng ta chủ động tiếp cận khai thác những ưu điểm của công nghệ để đổi mới giáo dục, định hướng sự phát triển thì xã hội sẽ tốt đẹp và ngược lại.

Với GD-ĐT rất cần nền tảng văn hóa, tri thức khoa học, thành tựu công nghệ và trên hết cần trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh của nhà giáo trước các vấn đề xã hội. Nhà giáo không nên quá bi quan và không được quá lạc quan trước sự bùng nổ của AI. Giáo dục là hoạt động sáng tạo, do vậy nhờ có sự hỗ trợ của AI, giáo dục sẽ sáng tạo hơn. Sự xuất hiện của AI chắc chắn là thách thức lớn cho cách tiếp cận giáo dục lỗi thời và là cơ hội cho một nền giáo dục sáng tạo.

Nếu nhìn từ bản chất của công cuộc đổi mới giáo dục thì rõ ràng chúng ta đã đi đúng hướng. Nghĩa là chúng ta đã chủ động đổi mới cách tiếp cận từ dạy học truyền thụ nội dung sang dạy học phát triển năng lực. Với cách tiếp cận mới này, nếu nhà trường và nhà giáo vận dụng đúng lợi thế của công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo, sẽ giúp học sinh, sinh viên phát triển được năng lực, không ngừng tiến bộ, có năng lực học tập suốt đời…

Vấn đề hiện nay là làm thế nào để “bước chuyển tiếp” thuận lợi, không bị đứt quãng cũng như không đảo ngược? Để giải quyết vấn đề này, vai trò của các trường đại học sư phạm rất quan trọng.

Thời gian qua, các trường đại học sư phạm chủ chốt đã đồng hành cùng công cuộc đổi mới chương trình GDPT. Các trường đều có lực lượng giảng viên nòng cốt thấm nhuần được phương pháp tiếp cận, cùng nhau thiết kế và thi công chương trình, sách giáo khoa; tham gia bồi dưỡng giáo viên cũng như kết nối với các trường phổ thông, đội ngũ giáo viên cốt cán ở phổ thông…

Đây là lực lượng tiếp tục thực hiện sứ mệnh thúc đẩy chuyển đổi thuận lợi. Bên cạnh công tác bồi dưỡng giáo viên hiện có là nhiệm vụ cần thiết, thì nhiệm vụ đổi mới chương trình đào tạo giáo viên trong bối cảnh hiện nay càng cấp thiết hơn.

Trong khi công nghệ AI đặt ra những thách thức đối với quá trình dạy, học, đánh giá thì nó cũng mang đến cơ hội đáng kể cho việc đổi mới giáo dục phổ thông. Chìa khóa thành công nằm ở việc điều chỉnh các phương pháp dạy và học, mô hình và cách thức đánh giá năng lực học sinh để tận dụng tối đa tiềm năng của các công cụ AI, trong khi vẫn tập trung vào việc phát triển tư duy phản biện, khả năng suy luận, giải quyết vấn đề của học sinh. - PGS.TS Trần Kiêm Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.