Sau thời gian dùi mài kinh sử ở xứ người, Thạc sĩ Phát triển và Văn hóa (Nhân học Ứng dụng), Đại học Macquarie (Australia) Hoàng Diệu Thúy hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hỗ trợ Cộng đồng tỉnh Hà Giang HCA, Giám đốc điều hành Trung tâm Giáo dục Cộng đồng thành phố Hà Giang HCLC.
Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, Diệu Thúy tâm huyết kể về ngày tháng du học, về bước đầu khởi nghiệp với mô hình giáo dục dựa vào cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam
“Nhận giấy báo trúng tuyển học bổng, tôi tự cấu tay mình hàng chục lần”
Diệu Thúy kể:
* Năm 2007, một người bạn thân của tôi nhận được học bổng Fulbright và lên đường đi Mỹ du học. Mùa Đông năm đó, chị gửi thư và kể cho tôi về nước Mỹ.
Lá thư đó tuyệt nhiên không có một dòng chữ nào dành cho những tiện nghi của nước Mỹ.
Chị đã kể cho tôi nghe về cách mà nền công nghiệp giải trí Mỹ xây dựng hình tượng một cậu bé có ước mơ trở thành huấn luyện viên cá heo và phấn đấu để thực hiện ước mơ đó như thế nào.
Cuối thư, chị nói với tôi rằng “Có thể chúng ta đã chưa được dạy để ước mơ và xây dựng ước mơ, nhưng chị tin chúng ta có thể tự học. Chị tin em sẽ biết được mình muốn gì và cần gì sau khi đọc được lá thư này. Hãy bắt đầu từ việc học tiếng Anh.” Sau đó chị nói với tôi về Học bổng Chính phủ Australia như một cơ hội tốt nhất để được tham gia một khóa học tiếng Anh bài bản.
Tôi đọc đi đọc lại lá thư đó nhiều lần và tự hỏi: Ước mơ của mình là gì? Tôi thực sự muốn gì? Sau khi trả lời xong 2 câu hỏi đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về Học bổng Chính phủ Australia. Tuy nhiên, tôi biết được rằng, để có thể tham gia một khóa học tiếng Anh của học bổng, tôi phải đủ điều kiện đạt ít nhất 4.5 điểm của kỳ thi lấy chứng chỉ tiếng Anh Quốc tế IELTS.
Kể từ đó, tôi bắt đầu mua sách về tự học tiếng Anh. Ngày đó, ở thị xã Hà Giang (là thành phố Hà Giang bây giờ), tôi không thể tìm được một trung tâm đào tạo ngoại ngữ. Tuy nhiên, việc tự học thực sự không dễ khi tôi thường xuyên phải đi công tác trên huyện, vào các xã, ở hàng tuần trong bản và lại bắt đầu mang thai, sinh con. Do vậy, phải tới 4 năm sau, năm 2011 tôi mới dám mạnh dạn nộp hồ sơ xin Học bổng Chính phủ Australia.
Hoàng Diệu Thúy trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Macquarie |
Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển học bổng và được nhận một khóa học tiếng Anh trước khi du học, tôi tự cấu tay mình hàng chục lần để biết mình đang ở thực tại. Đối với một cô gái người dân tộc thiểu số như tôi, lại sống ở một vùng đất nghèo và xa xôi như Hà Giang, việc nhận được học bổng toàn phần và đến Australia du học thực sự vượt quá sức tưởng tượng của chính mình và mọi người ở thị xã nhỏ bé đó. Mặc dù trong suốt 4 năm đó, tôi biết mình đã phải kiên định và nỗ lực thế nào.
Cuối cùng, khi đã vượt qua chính bản thân mình và rào cản ngôn ngữ, tôi vẫn phải vượt qua một rào cản khác: Định kiến của xã hội về việc học của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đã lập gia đình và có con nhỏ. Tôi không nhớ mình đã nhận được bao nhiều “lời khuyên” và can ngăn của người thân, bạn bè, đồng nghiệp, lãnh đạo cơ quan về việc từ bỏ cơ hội du học. Nhưng chính bố tôi đã giúp tôi vững tin vào lựa chọn của mình. Ông nói: Hãy đi đi. Chỉ có học mới giúp con sống đàng hoàng. Tôi đã đến Australia để học như thế đấy.
Hoàng Diệu Thúy (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn bác sĩ và cán bộ Hội Phụ nữ huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) |
“Hà Giang là nơi mà sự tồn tại của tôi có ý nghĩa nhất”
- Không ít du học sinh khi du học đều tìm kiếm cơ hội để ở lại nước ngoài làm việc. Cá nhân chị thì sao?
* Như rất nhiều người trẻ khác, tôi thích sự tiện nghi và ổn định của xã hội phương Tây, cũng như tính hiện đại của các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Nhưng tôi thấy vui hơn khi ở Hà Giang. Niềm vui đó bao gồm việc nhìn thấy cha mẹ, gia đình, người thân mỗi ngày, được làm việc với các bạn trẻ cùng nền tảng của tôi khi xưa, chỉ cho họ những góc nhìn mà khi tôi bằng tuổi họ tôi đã không thể nhìn ra, trao cho họ kiến thức, kỹ năng tôi đã tiếp nhận được từ Australia, và học lại từ họ những thứ mà tuổi trẻ của tôi không có; được đồng hành cùng với các nhóm cộng đồng yếu thế của địa phương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người yếu thế thuộc các nhóm dân tộc thiểu số.
Tôi cho rằng, làm việc vì sự phát triển của cộng đồng tất yếu phải đắm mình trong cộng đồng, phải trở thành một người trong cuộc. Một khi đã rời khỏi thực tại và cộng đồng, mọi việc làm và phát ngôn vì cộng đồng đó đều dễ dàng trở nên khuôn sáo và thiếu thực tế.
Bởi vậy, tôi tin, Hà Giang là nơi mà sự tồn tại của tôi thực sự có ý nghĩa nhất. Khi nào mà những đóng góp của chúng tôi còn được chính quyền và cộng đồng địa phương đón nhận thì khi đó chúng tôi còn muốn tiếp tục cống hiến.
Tôi tin các bạn đồng nghiệp của tôi cũng đã nghĩ như vậy khi nhất tâm trở về Hà Giang làm việc. Chúng tôi tin vào tinh thần pay forward của Học bổng Chính phủ Australia. Tức là khi bạn tiếp nhận một điều tốt đẹp do ai đó trao tặng, cách tốt nhất để bạn trả ơn họ là tiếp tục trao đi điều tốt đẹp đó và tạo cơ hội cho nhiều người được nhận những điều tốt đẹp đó.
Hoàng Diệu Thúy phỏng vấn và làm việc với phụ nữ huyện Vị Xuyên về chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng chống bạo lực gia đình |
Điều khác biệt ở mô hình giáo dục dựa vào cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam
- Được biết chị cùng một số cựu du học sinh thuộc Chương trình Học bổng Chính phủ Australia thành lập Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ cộng đồng tỉnh Hà Giang (HCA), một tổ chức khoa học – công nghệ tư nhân. Xin hỏi tại sao chị chọn lĩnh vực này để khởi nghiệp? Chị đã vận dụng những kiến thức đã được học ở Australia vào thực tiễn khi về Việt Nam như thế nào?
* Nhóm chúng tôi gồm 3 người với các chuyên ngành đào tạo khác nhau: Nhân học Ứng dụng, Phát triển, Công tác xã hội, Giáo dục và Quản lý Văn hóa. Nhìn toàn cục thì thì những kiến thức và kỹ năng của tất cả chúng tôi khi kết hợp lại đã cho chúng tôi cơ hội đánh giá và kết nối các vấn đề hiện tại của phát triển dân tộc và miền núi trong bối cảnh toàn cầu hóa. Sau nhiều cuộc thảo luận, chúng tôi đã thống nhất thành lập một tổ chức Khoa học - Công nghệ tư nhân và chọn địa bàn làm việc chính là Hà Giang.
Lựa chọn khởi nghiệp từ khoa học công nghệ và lại lấy một địa bàn khó khăn và xa xôi như Hà Giang để khởi đầu, trong con mắt của nhiều người và thậm chí cả với chúng tôi là một thách thức lớn, đặc biệt lại là 3 nhóm việc thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Giáo dục dựa vào cộng đồng, chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng và các vấn đề về Giới trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Những lĩnh vực này làm ở vùng đồng bằng và thành phố lớn, nơi nhận thức và điều kiện tiếp cận thông tin của người dân đã cao, còn không dễ thì với Hà Giang chúng tôi càng đặc biệt khó.
Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi phải vượt qua đó chính là xây dựng được lòng tin của cộng đồng, các đối tác và các bên liên quan. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác quyết rằng, khó khăn có thể trở thành thế mạnh. Với thế mạnh là người địa phương và am hiểu cộng đồng, chúng tôi mong muốn trở thành một cầu nối giữa các bên liên quan để hỗ trợ các nhóm cộng đồng vùng xa, vùng khó trong tiến trình phát triển và hội nhập đó.
Tính đến nay, sau hơn 1 năm xây dựng và phát triển, chúng tôi đã bắt đầu tạo dựng được niềm tin với người dân, cộng đồng, chính quyền và các đối tác là các tổ chức phát triển phi chính phủ, phi lợi nhuận và các nhà tài trợ. Hiện nay chúng tôi đang triển khai một dự án được Chính phủ Australia tài trợ về nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng cho đối tượng là lãnh đạo cấp phòng của các Sở Lao động và Thương binh Xã hội của 6 tỉnh miền núi Đông Bắc; và vận hành một mô hình Trung tâm Giáo dục Cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam từ nguồn ngân sách của tỉnh Hà Giang.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang vận hành một số các dự án nhỏ lẻ khác như: nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, xóa bỏ bạo lực gia đình và khám chữa bệnh phụ khoa miễn phí cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở một số xã, huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang; tổ chức các lớp học miễn phí cho cộng đồng do các Tình nguyện viên nước ngoài đứng ra giảng dạy…
- Điều gì khiến chị tâm đắc nhất ở Mô hình Trung tâm Giáo dục Cộng đồng mà các chị đang vận hành?
Trước hết phải khẳng định đây là mô hình giáo dục dựa vào cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam, đặc biệt lại là một cộng đồng đa văn hóa, đa dân tộc thiếu số ở một tỉnh miền núi khó khăn. Do vậy, bản thân nó đã là một sự khác biệt.
Thứ hai, vì là giáo dục dựa vào cộng đồng, nên các hoạt động của trung tâm đều lấy nhu cầu của cộng đồng làm trung tâm. Các hoạt động của trung tâm đối với các nhóm trong cộng đồng đều phải đảm bảo 3 tiêu chí: Tiếp cận thông qua văn hóa truyền thống bản địa, tính ứng dụng hiệu quả, và phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương và quy định của nhà nước.
Mô hình này được kỳ vọng sẽ phát triển và hỗ trợ hoạt động của các Trung tâm Học tập Cộng đồng cấp xã/phường trên địa bàn thành phố Hà Giang và tỉnh Hà Giang trong tương lai.
- Có điều gì chị mong muốn triển khai với Trung tâm mà đến giờ chị vẫn chưa thực hiện được không? Biển học vô bờ, chị có muốn tiếp tục du học để học hỏi thêm kiến thức về áp dụng tại Việt Nam?
* Đúng như chị nói “Biển học vô bờ”. Tôi vừa trở về từ một hội thảo của UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình dương về Giáo dục Phát triển Bền vững tại New Delhi, Ấn Độ. Đây thực sự là một cơ hội học tập lớn đối với tôi. Tôi đã được nghe nhiều dự án đã và đang triển khai ở 16 quốc gia trong khu vực, những câu chuyện giáo dục thành công có lồng ghép 17 mục tiêu thiên niên kỷ đã được Liên Hợp Quốc nhất trí phê duyệt vào năm 2015 tại New York.
Điều tôi ấn tượng nhất là những dự án giáo dục cộng đồng đã được triển khai ở những nơi tưởng chừng như không thể. Ví dụ như dự án giáo dục về biến đối khí hậu trên dãy Himalaya, dự án giáo dục về chấm dứt bạo lực cho trẻ em trong trường học ở ngay vùng nội chiến của Srilanka…
Điều chúng tôi mong muốn nhất vào lúc này là sớm xây dựng được một chương trình dạy STEM cho khu vực miền núi và dân tộc thiểu số. Đó là mơ ước của cả nhóm chúng tôi.
- Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi!