“Nữ hoàng Mắm” và mô hình giáo dục “3T”

GD&TĐ - Đào Thị Hằng (quê ở Triệu Phong, Quảng Trị) từng từ chối học bổng tiến sĩ tại nước ngoài để về Việt Nam làm và bán mắm. Mọi người gọi cô là “Nữ hoàng Mắm”! 

Cô giáo, doanh nhân Đào Thị Hằng
Cô giáo, doanh nhân Đào Thị Hằng

Hằng còn có đam mê trong việc dạy tiếng Anh với con đường đi đầy cảm hứng: Lấy tiếng Anh làm nền tảng để giáo dục toàn diện về Thân - Tâm - Trí để có những bạn trẻ trưởng thành, thành công và hạnh phúc.

GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với Đào Thị Hằng, lắng nghe những chia sẻ về mô hình giáo dục tiếng Anh “3T” mà cô đang tâm huyết triển khai.

Rèn luyện trong thiền định và học tiếng Anh

-  Một chuyên gia trong ngành giáo dục khi giới thiệu đến Hằng thì vắn tắt thế này: Đào Thị Hằng xây làng trên đồi, nhận học trò lên đó vừa học tiếng Anh, vừa học cách làm người! Mô tả như vậy có đúng về mô hình bạn đang phát triển không?

Đào Thị Hằng
- Đỗ thủ khoa đầu vào ĐH Nông lâm Huế, là 1 trong số sinh viên tốt nghiệp điểm cao nhất trường. 
- Vượt qua 1.000 hồ sơ trong khu vực châu Á - Thái Bình dương, là 1 trong 20 HS Việt Nam nhận học bổng Năng lực lãnh đạo trị giá 112.000 USD của Bộ Ngoại giao Úc. 
- Năm 2014, là đại diện duy nhất của Việt Nam được Bộ Ngoại giao Canada trao học bổng Global Change Leaders cùng với 17 phụ nữ của 17 quốc gia khác. 
- Sáng lập và điều hành của LeaderTalks Education, Bamboo Boat corp (Thương hiệu Mắm Thuyền Nan) và Khu retreat HamaVillage ở Thị  xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông.

* Từ năm 2014, tôi dạy Líu Lưỡi, chuyên chỉnh âm chuẩn quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương.

Các học viên sau khoá học Nền tảng 10 tuần đều có phát âm chuẩn và thuyết trình tự tin. Nhưng sau đó quay về với công việc thì một thời gian sau gặp lại, các em lại quay về với phát âm sai “bản năng" của mình – vốn được học sai từ nhỏ.

Tôi cảm thấy công sức của mình và của các em trong 10 tuần thật là uổng phí. Cứ tiếp tục như vậy các em sẽ cắp sách đi học lần lượt các trung tâm ngoại ngữ trong thành phố, và đến 40 tuổi vẫn không giao tiếp được.

May mắn, trong lúc bế tắc như vậy thì một người thầy chỉ cho tôi gốc rễ của vấn đề. Thầy lấy hình tượng các học trò sau khi hoàn thành khoá học như một hạt giống được nảy nở, cần chuyển vào vườn ươm để nhận sự chăm sóc tưới tắm thường xuyên. Khi cây giống  đủ cứng cáp mới đưa ra vườn để trồng.

Các học trò của tôi cũng vậy, các em  mới ở giai đoạn gieo hạt, cần được chăm sóc, tưới tắm và uốn nắn ở giai đoạn vườn ươm trước khi đem ra trồng để đảm bảo tỷ lệ sống 100%.

Lời khuyên này cũng là kinh nghiệm bản thân tôi khi học tiếng Anh. Và tôi như tìm thấy con đường cho mình và học trò.

Tôi quyết định chuyển lên Gia Nghĩa sống, gần 15 học trò theo tôi lên làng để cùng học. Tôi đặt tên làng là Hama - nghĩa là Vui Khoẻ. Ngoài học tiếng Anh với cường độ cao, chúng tôi cùng thực hành ăn uống lành sạch, thực hành nông nghiệp thuận tự nhiên và nói tiếng Anh hàng ngày. Điện thoại chỉ được dùng vào tối thứ 4 hàng tuần để các em tập trung vào việc học. Giáo dục toàn diện Thân - Tâm - Trí để có được thân khoẻ - tâm an - trí sáng, nghị lực cao để các em trưởng thành và tự tin trong cuộc sống chính là điều tôi mong muốn.

Các em sẽ học trong vòng 6 tháng, 1 năm và 2 năm. Có em đang luyện thi IELTS để đi du học, có em học để đi dạy tiếng Anh, đi nước ngoài làm việc hoặc vào làm các công ty nước ngoài ở Việt Nam. Đa phần các em vừa tốt nghiệp cấp 3, đại học hoặc đã đi làm một thời gian.

Học trò làng Hama từ khắp mọi miền Tổ quốc gắn kết và quý mến nhau trong suốt khoá học và sau này
Học trò làng Hama từ khắp mọi miền Tổ quốc gắn kết và quý mến nhau trong suốt khoá học và sau này

 - Trong quá trình cô trò ở làng Hama đó, có học sinh nào muốn bỏ về nhà giữa chừng không?  

* Theo đuổi việc học tập trung trong một thời gian dài 1-2 năm, không bạn bè, không điện thoại, không internet, học từ sáng đến tối như vậy là một môi trường rèn luyện khá khắc nghiệt. Điều đó đòi hỏi người học cần có quyết tâm cao và bền chí trong một thời gian dài.

Tôi hỗ trợ các bạn rèn luyện trong thiền định để có định lực tốt, hiểu được thân tâm và cách phản ứng của tâm để vượt qua các khó khăn trong quá trình học. Hầu hết các bạn đều vượt qua và trưởng thành, tôi nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh và vui khi thấy sự trưởng thành của các bạn.

- Nếu ai đó nghi ngờ rằng bạn mở làng Hama để kinh doanh, bạn sẽ trả lời thế nào?

* Tôi không có ý tưởng mở mô hình này để kinh doanh mà xây dựng Hama là nơi chữa lành thân tâm cho bản thân và tạo môi trường sống lành mạnh cho cả gia đình.

Trước đây, khi con lớn thì cha mẹ thường xin con trọ học ở nhà thầy một vài năm. Người thầy sẽ dạy đạo đức làm người trước khi dạy chữ nghĩa và nghề nghiệp mưu sinh.

Tôi tin mục đích của giáo dục là để con người phát triển toàn diện cả Thân, Tâm và Trí để hạnh phúc và thành công trong cuộc sống và đây là con đường tôi theo đuổi.

Đào Thị Hằng và ông Jay Weatherill - Thủ hiến bang Nam Úc - trong chuyến ông Jay thăm và làm việc tại Việt Nam tháng 6/2016
Đào Thị Hằng và ông Jay Weatherill - Thủ hiến bang Nam Úc - trong chuyến ông Jay thăm và làm việc tại Việt Nam tháng 6/2016

Yếu quyết vượt qua “điểm bùng phát” và làm đúng ngay từ đầu

-  Khó khăn khi bắt tay dạy tiếng Anh cho người Việt theo phương pháp bạn đang theo đuổi là gì?

* Tôi cho rằng tính kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng rất quan trọng. Giống như lăn một tảng đá, đầu tiên sẽ rất khó để nhấc ra khỏi vị trí ban đầu, nhưng khi đá bắt đầu lăn thì chỉ cần lực tác động nhỏ, hòn đá sẽ lăn theo quán tính. Đa phần người học không vượt qua “điểm bùng phát" là khó khăn ban đầu.

Cái khó nữa của người học đó là không ý thức xây dựng nền tảng cho chắc chắn, luôn muốn đi nhanh, học chương trình nâng cao chứ không xây dựng cái gốc cho chắc chắn. Nếu không có nền tảng chắc chắn từ âm, từ, cụm thì việc học lên cao không có ý nghĩa. Giống như xây nhà trên cát vậy.

Để vượt qua “điểm bùng phát" và “làm đúng ngay từ đầu” này cần sự kiên trì, bền chí rất lớn từ người học.

- Thường thầy cô giáo hay lấy những gì mình đã trải qua để thuyết phục, giáo dục học trò. Bạn thường kể học trò nghe chuyện gì về mình?

* Sau khi nhận học bổng Năng lực lãnh đạo của chính phủ Úc, tôi khăn gói quả mướp vượt đại dương với niềm tin rằng: Mình thích học từ nhỏ và sẽ học giỏi. Tôi cũng tự tin về vốn tiếng Anh đã được dày công tích lũy suốt hơn 10 năm.

Nhưng đời không như mơ! Việc du học không đẹp như tôi tưởng vì hầu như tôi không hiểu được thầy nói gì? Tôi buồn và thất vọng về bản thân lắm.

May mắn thay tôi được gặp thầy Peter – một giáo viên tiếng Anh đã về hưu. Mỗi tuần hai ngày, vào thứ 2 và thứ 5 hàng tuần, từ 9 đến 12h, trong suốt 2 năm, thầy bắt xe bus lên trường tôi học, kiên trì giúp tôi chỉnh cách lấy hơi từ bụng, cách đặt vị trí răng, môi và lưỡi để phát âm được chính xác từng từ. Ông cẩn thận chỉnh sửa các lỗi ngữ pháp và cách dùng từ cho tất cả các bài viết, bài luận và bài báo khoa học của tôi trước lúc nộp.

Peter dạy tôi bài học về sự tử tế, chu đáo của một người thầy khi giúp học trò đi đến đích: Hướng dẫn thôi sẽ chưa đủ, cần bắt tay chỉ việc thời gian đủ dài thì người được giúp mới có thể tự làm được, khi đó sự giúp đỡ mới có kết quả. Tôi áp dụng điều này với học trò và thấy rất hiệu quả.

- Kỷ niệm nào khiến bạn hạnh phúc khi truyền được cảm hứng học tiếng Anh cho học sinh?

* Lúc dạy khoá 3, tôi có cô học trò tên Hằng, đồng hương Quảng Trị. Bạn ít nói, rụt rè và âm lực khá yếu. Vậy nhưng sau khi kết thúc khóa học, Hằng làm bài thuyết trình khiến cả lớp phải vỗ tay tán thưởng!

Hằng chia sẻ em đã phỏng vấn thành công vào làm Bộ phận Pháp lý của một công ty Nhật. Sau này em lại báo tin đã thi IELTS môn nói 7.5 và Hằng viết bài chia sẻ kinh nghiệm ôn luyện cho các học viên khác.

Em đang trong giai đoạn apply học bổng Thạc sỹ ngành Luật. Tháng trước, em cùng bạn trai lên làng chơi và nhiệt tình chia sẻ với học trò của làng về kinh nghiệm học và thi IELTS, khơi cảm hứng cho các bạn thêm tự tin theo đuổi việc học.

Tôi thấy vui vì có thể giúp học trò tự tin và mở ra một cánh cửa mới cho công việc và học tập của các em thông qua việc giỏi tiếng Anh. Các em sau khi tốt nghiệp ở làng, các em không những vững tiếng Anh mà còn trưởng thành và tự lập trong cuộc sống.

Đào Thị Hằng và các bạn bè quốc tế trong thời gian học tại Canada
Đào Thị Hằng và các bạn bè quốc tế trong thời gian học tại Canada

Hoà bình phải bắt đầu từ cá nhân mới có sức lan tỏa

-  Được biết bạn đã học thạc sỹ ngành Phát triển bền vững tại ĐH Adelaide theo học bổng toàn phần Năng lực lãnh đạo của chính phủ Úc. Việc học tập này giúp ích cho bạn như thế nào trong vai trò lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp của riêng mình?

* Chương trình Phát triển Năng lực lãnh đạo 2 năm song song với chương trình Thạc sỹ đã giúp tôi thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, có suy nghĩ độc lập, luôn tìm cách giải quyết rốt ráo cái gốc của vấn đề, bắt đầu từ những việc cụ thể.

Từ đó tôi làm những việc bình thường bằng cách tiếp cận sáng tạo, linh hoạt khi phát triển, thiết kế các dự án kinh doanh, giáo dục và phát triển cộng đồng. Tôi hiểu tại sao mình làm và làm sao để duy trì và phát triển các dự án đó một cách bền vững.

-  Năm 2014, bạn là đại diện duy nhất của Việt Nam được Bộ Ngoại giao Canada trao học bổng học về Lãnh đạo và Phát triển cùng với 17 phụ nữ của 17 quốc gia khác. Khóa học này cho bạn những trải nghiệm gì?

* Nếu như 2 năm trải nghiệm với chương trình Phát triển Lãnh đạo ở Úc dạy cho tôi cách lãnh đạo tổ chức, cộng đồng thì Chương trình ở Canada giúp tôi lãnh đạo bản thân bằng cách kết nối với chính mình và tạo sự bình yên trong nội tâm.

Khóa học có môn Xây dựng hoà bình và Giải quyết xung đột, thoạt nghe tôi nghĩ ngay đến chiến tranh, hoà bình và đoán trong lớp có mấy bạn đến từ Pakistan, Tsunia - nơi có bạo động, xung đột! Nhưng càng học càng thấy mình nhầm.

Hòa bình không chỉ gắn với chiến tranh ở tầm quốc gia mà nó là trạng thái “bình yên” ở mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng. Và hoà bình phải bắt đầu từ cá nhân mới có sức lan tỏa. Môn học đã mở một cánh cửa đi vào khám phá nội tâm của tôi hơn 3 năm nay.

- Thật tò mò về thế giới nội tâm mà bạn đã khám phá 3 năm nay, dường như nó là thiền? Là tìm về với thiên nhiên?... Bạn có thể bật mí được không?

Trong khoá học ở Canada, có hoạt động kết nối với bản thân thông qua những trải nghiệm và ký ức trong quá khứ để xây dựng và khôi phục nội lực cho bản thân.

Khi kết thúc khoá học đó, cô bạn người Uckraine tâm sự: “Mình được mọi người đánh giá rất có năng lực, làm việc xuất sắc nhưng từ bên trong mình không cảm thấy hài lòng với công việc và thoả mãn với bản thân. Mình cảm thấy thiếu gì đó.

Khi nghe chia sẻ của các bạn trong lớp, mình cảm thấy các bạn có được động lực mạnh mẽ như vậy vì tuổi thơ, quá khứ các bạn rất kết nối và hoà hợp với thiên nhiên, do vậy các bạn kết nối với bản thân rất tốt. Đợt này về nước, mình sẽ quay về sống và kết nối với thiên nhiên nhiều hơn để kết nối với bản thân tốt hơn”.

Tâm sự của người bạn Uckraine đã đánh thức tôi trong việc kết nối với bản thân thông qua kết nối với thiên nhiên, quay lại sống hoà hợp với thiên nhiên, ăn uống lành mạnh, thuận tự nhiên.

- Cảm ơn Hằng về cuộc trao đổi!

Đam mê là trạng thái tinh thần, mà trạng thái tinh thần thì thay đổi theo thời gian. Tôi nghĩ làm một cái gì đó chỉ vì đam mê chưa đủ, mà là trách nhiệm với việc đó để làm nó hoàn thiện theo thời gian. Việc hiểu tại sao cần làm sẽ biết cách làm thế nào cho hiệu quả, bền vững, nhỏ mà đẹp. Khi thuận tay, có điều kiện thuận lợi thì làm, không áp lực việc này phải làm cho thành công, cứ bình tĩnh mà làm sẽ tìm được niềm vui trong đó”. – Đào Thị Hằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ