Cuộn trào trong tĩnh lặng với tranh lụa truyền thống

GD&TĐ - 25 bức tranh lụa truyền thống được chắt chiu gạn lọc trong suốt 28 năm sáng tác của họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng.

Art Talk 'Con mắt nhìn nghệ thuật' chia sẻ sáng tác tranh lụa của Nguyễn Trọng Dũng.
Art Talk 'Con mắt nhìn nghệ thuật' chia sẻ sáng tác tranh lụa của Nguyễn Trọng Dũng.

Triển lãm “Hoài niệm lụa là” diễn ra đến 14/11 mới kết thúc nhưng tại không gian The World ArtSpace (TPHCM) luôn chật kín khách tham quan và công chúng mộ điệu.

Các chủ đề bàn luận đến tranh lụa nói chung, và tranh lụa Nguyễn Trọng Dũng nói riêng được khơi dậy trong dòng chảy văn hóa truyền thống.

28 năm vẽ lụa

Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng.

Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng.

“Tranh lụa Việt Nam gần đây đã tạo nên những tiếng vang lớn trong các phiên đấu giá mỹ thuật. Như tranh lụa của danh họa Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Mai Trung Thứ… đã tạo nên một bản sắc riêng trong nền mỹ thuật thế giới. Tôi mong muốn được vẽ trên nền lụa quê hương, tận dụng sắc màu bàng bạc và đường nét óng ả của lụa để biểu đạt những trải nghiệm và mơ tưởng, để đi tìm cái đẹp về tranh lụa truyền thống”, họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng.

Cũng giống như nghệ thuật nói chung, tranh lụa nằm trong dòng chảy của văn hóa Việt, mà mỗi sự khai phá của những thế hệ họa sĩ vẽ lụa là một điểm ghim chốt nối dài và định hình dòng chảy.

Lụa là một chất liệu đặc biệt trong hội họa phương Đông. Phần lớn ngày nay các họa sĩ được đào tạo theo kỹ thuật hội họa phương Tây nên việc thử nghiệm với lụa đòi hỏi người họa sĩ phải thay đổi cách nghĩ, cách sáng tạo để hiểu và thu được hiệu quả.

Như việc cùng thử nghiệm một phác thảo trên sơn dầu và lụa, sẽ ra hai bức tranh có ngôn ngữ biểu đạt hoàn toàn khác. Trong đó, phác thảo cho ra một bức tranh sơn dầu thành công thì chưa chắc đã hiệu quả với lụa. Với tranh lụa đương đại, người họa sĩ không còn bị bó hẹp theo một trường phái hay nguyên tắc nào mà có thể vận dụng đến kiến thức đa tầng.

Tuy nhiên, với tính chất đặc trưng của vật liệu đỡ và độ trong của chất màu, lụa không thể vẽ nhanh, vẽ vội mà cần độ chín chắn nhất định cả về tư duy lẫn kỹ thuật. Bởi vậy, vẽ lụa không khác nào một sự rèn luyện thân - tâm đối với họa sĩ.

Bước vào tuổi 60, họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng nghĩ đến một cuộc trưng bày khác cho đời mình, với 25 bức tranh kể những câu chuyện xưa cũ. Những bức tranh lụa đầy tĩnh lặng là kết quả của 28 năm đầy sóng gió trong sự nghiệp của người hoạ sĩ xứ Đà thành.

Tuy nhiên, sẽ chẳng có gì khác biệt nếu như tranh lụa của Nguyễn Trọng Dũng là sự bình thường. Sự khác biệt được định hình ngay từ quan niệm sống, sáng tác và thực hành nghệ thuật kéo dài trong suốt 28 năm qua. Để rồi như con tằm nhả tơ, tranh lụa của hoạ sĩ được coi là một tinh hoa sáng tạo - chắt chiu và gạn lọc đến độ tinh và nhuyễn.

Không như sơn dầu, khi vẽ có thể chồng lên nhiều màu sắc khác nhau, vẽ lụa giống như thiền. Trầm tĩnh, bền bỉ, sâu lắng và chỉ một sơ sót lên màu sai, là bỏ hẳn bức tranh. Vẽ xong, hoạ sĩ phải bồi tranh, biểu tranh lên giấy rồi làm bo tranh, khung tranh.

“Lụa dùng để vẽ và lụa trang phục khác nhau. Cơ bản lụa vẽ sợi dệt thưa hơn lụa để may trang phục như áo quần… Thông thường, lụa vẽ vẫn có thể dùng để may trang phục, mục đích biểu diễn trong các lễ hội thời trang như tại Festival ở Huế đã dùng”, họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng chia sẻ.

25 bức tranh lụa được chọn trong 28 năm sáng tác của Nguyễn Trọng Dũng.

25 bức tranh lụa được chọn trong 28 năm sáng tác của Nguyễn Trọng Dũng.

Hoài niệm phố cũ - làng xưa

Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng sinh năm 1962 tại Đà Nẵng, tốt nghiệp Trường Đại học Nghệ thuật Huế, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng. Mặc dù đã có nhiều triển lãm cá nhân và nhóm trong nước, nhưng đây là lần đầu tiên ông có cuộc triển lãm riêng tại TPHCM - đặc biệt chỉ về lụa.

Lụa đã cũ, đề tài cũng xưa với phố là Hội An, và quê hương là những hình ảnh tuổi thơ miền Trung. Nhưng nghệ thuật của sự tĩnh lặng luôn là hơi thở nóng hổi về hoài niệm của con người đương đại.

Khoảng 17 bức tranh trong đó vẽ ký ức về Hội An nhưng không phải Hội An của quá khứ quen thuộc một thời. Ở đó không còn là sự tái hiện mà đang tái tạo không gian huyễn hoặc chưa từng giống, chưa từng có. Phố mùa đông với những mái nhà ấm áp, đắp lên tâm hồn kẻ tha phương một ý thức về sự tha hóa. Phố giao mùa trong ngày bình thường mà có khi phải đợi đến trăm năm.

Tác phẩm 'Phố rêu'.

Tác phẩm 'Phố rêu'.

Ngắm “Làng trong phố” và “Phố chợ”, người xem mới hiểu rằng, làng hay chợ bây giờ chỉ là một hoài niệm. Đến “Ngói cũ”, “Phố rêu” gần như nguyên vẹn mà sao phả vào lụa nỗi xanh xao mong manh. Bởi cái đẹp không thể lặp lại hai lần, thể tính của sáng tạo là duy nhất và ý muốn “đi về một nơi nào đó” chỉ là hậu quả mất nguồn.

Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng nói rằng, tranh lụa đẹp nhờ sự ẩn hiện của đường nét, của những mảng màu được nhuộm thắm vào trong từng thớ lụa, từng sợi tơ, dưới tác động của ánh sáng. Điều đó tạo nên một hiệu quả thẩm mỹ, khiến cho người thưởng ngoạn một xúc cảm nhẹ nhàng, thanh thoát.

Tranh càng vẽ nhiều lớp, càng rửa nhiều lần, thì các thớ lụa nổi rõ lên, khiến cho bức tranh màu trong trẻo, từng sắc thái, đậm nhạt của mỗi mảng màu trong tranh rõ ràng, lôi cuốn người xem.

Vẽ phố, Nguyễn Trọng Dũng bị quyến dụ ở chính vẻ đẹp lưu tồn hiển hiện của một “Hội An trong tôi” và một “Hội An ngoài tôi” - những ngôi nhà cổ luôn được trùng tu, tạo dựng. Nhưng đến 8 bức tranh quê thì ông không thể theo con đường của phố, bởi tất cả chỉ còn trong tâm tưởng. Ở đâu ra trò chơi ô làng, thả diều, đá cỏ gà… của thuở ấu thơ một đi không trở lại.

Những kỳ công cả trong kỹ thuật và trong quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Trọng Dũng đưa đến nhiều bàn luận trong giới mỹ thuật. Bởi vậy, trước cuộc khai mạc triển lãm là Art Talk “Con mắt nhìn nghệ thuật”, với sự góp mặt của đông đảo giới họa sĩ miền Trung và TPHCM, các nhà thiết kế và nghiên cứu mỹ học.

Nhưng dù thế nào, 25 bức tranh lụa là tinh tuý 28 năm sáng tạo của họa sĩ đã và đang đem lại những góc nhìn - dù tĩnh lặng trong tranh - nhưng cuộn trào trong tâm hồn của chính người thưởng lãm cũng như họa sĩ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.