Tranh lụa của 3 danh họa Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ và Mai Trung Thứ “góp mặt” trong phiên đấu giá tại Hồng Kông, đã thu hút đông đảo các nhà sưu tầm tên tuổi trong và ngoài nước.
Vị trí đặc biệt
Từ trong nước, nhà nghiên cứu Lý Đợi đánh giá phiên đấu tiêu điểm của nhà Christie’s Hong Kong dành một “vị trí đặc biệt cho tranh lụa Việt” với 4 lô hàng chọn lọc, mà tác phẩm nào cũng có thể đấu vượt ngưỡng triệu USD.
Vì là phiên đặc biệt nên 4 lô hàng của Việt Nam được đứng chung sàn với nhiều tên tuổi nổi tiếng thế giới như Pablo Picasso, Zao Wou-Ki (Triệu Vô Cực), Jean-Michel Basquiat, Sanyu (Thường Ngọc), Yoshitomo Nara, Yayoi Kusama…
Bức đầu tiên của Việt Nam là “Thợ nhuộm” của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh có giá ước định từ 2 - 3 triệu HKD (khoảng hơn 257.000 - 386.000 USD). Tác phẩm là một bức tranh quê giàu hoài niệm được họa sĩ Nguyễn Phan Chánh thực hiện vào năm 1931. Tác phẩm khắc họa nét đời sống xưa cũ của không gian làng bình yên với 3 người phụ nữ cạnh nhau.
Danh họa Lê Phổ có 2 tác phẩm trong buổi đấu giá: Bức “Thiếu nữ choàng khăn” được ước định giá từ 6,8 - 8,8 triệu HKD (khoảng 875.000 - 1,1 triệu USD). Bức thứ hai là “Cái bát xanh” được định giá từ 1,6 - 2,6 triệu HKD (khoảng 206.000 - 334.000 USD).
Ngoài ra, phiên đấu giá còn có bức “Mona Lisa” của danh họa Mai Trung Thứ có giá sàn ước định từ 2,5 - 3,5 triệu HKD (hơn 321.000 - 450.000 USD).
Nhà nghiên cứu Lý Đợi cho rằng: “Nếu sức hấp dẫn của bức “La Joconde” của Leonardo da Vinci có phong cảnh nền phía sau là vùng giao thoa của Umbria và Tuscany ở Ý - thì điểm độc đáo trong “La Joconde” (Mona Lisa) của Mai Trung Thứ, các phong cảnh có tính chắt lọc từ vịnh Hạ Long của Việt Nam”.
Vài ngày trước khi diễn ra buổi đấu giá, giới thạo tin cho rằng kịch tính của 4 lô hàng này sẽ rơi vào “Thiếu nữ choàng khăn” của Lê Phổ và “Mona Lisa” của Mai Trung Thứ.
Hơn nửa thế kỷ qua, Lê Phổ thường giữ quán quân về giá tranh trên thị trường công khai, ngôi vị số 1 hiện tại lại thuộc về “Chân dung cô Phương” của Mai Trung Thứ.
Trong tổng 75 lô hàng đưa ra phiên đấu, xét về giá ước định, bức “Mona Lisa” của Mai Trung Thứ xếp ở vị trí thứ 33 từ cao xuống, bức “Thiếu nữ choàng khăn” của Lê Phổ xếp ở vị trí thứ 29.
Đại diện chất liệu hội họa Việt
Phiên đấu giá tối 24/5 của nhà Christie’s Hồng Kông đã diễn ra đầy kịch tính, bởi đã thu hút các nhà sưu tầm tên tuổi trên khắp thế giới. Trong phiên đấu này, bức “Thợ nhuộm” của Nguyễn Phan Chánh được gõ búa bán với giá hơn 563.000 USD (khoảng 12,9 tỉ đồng).
Hai bức của danh họa Lê Phổ “Thiếu nữ choàng khăn” được bán giá hơn 1,1 triệu USD (hơn 25,3 tỉ đồng) và “Cái bát xanh” bán hơn 354.000 USD (hơn 8,16 tỉ đồng).
Bức họa cuối cùng trong lô hàng tranh lụa Việt Nam là “Mona Lisa” của danh họa Mai Trung Thứ được gõ búa ở mức giá hơn 724.000 USD (hơn 16,7 tỉ đồng).
Phiên đấu giá này có sự góp mặt của người Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, dù có tới 4 lô hàng Việt Nam nhưng không sôi động như từng xảy ra với bức “Chân dung cô Phương” hồi tháng 4.
Bức “Thợ nhuộm” đã được một người Việt đấu thành công qua điện thoại. Trước khi lên phiên đấu, bức này thuộc bộ sưu tập tư nhân ở Pháp.
Việc nhà Christie’s Hồng Kông dành một vị trí đặc biệt cho tranh lụa Việt thời kỳ đầu cũng thêm sự khích lệ cho tranh lụa đương thời. Bởi đến cuối thế kỷ 20, tranh lụa Việt gần như thất thế, có rất ít họa sĩ tài năng kế tục và phát triển.
Phiên đấu giá tại Hong Kong gây bất ngờ với bức tranh cuộn “Ngôi đền trên đỉnh núi”của Zhang Daqian (Trương Đại Thiên) dẫn đầu về giá bán với 209.100.000 HKD, tương đương 27 triệu USD.
Với mức giá này, Trương Đại Thiên đã vượt qua các danh họa nổi tiếng thế giới như Jean-Michel Basquiat, Sanyu (Thường Ngọc), Pablo Picasso, Zao Wou-Ki (Triệu Vô Cực), Adrian Ghenie, Yoshitomo Nara, Yayoi Kusama, Wu Guanzhong (Ngô Quan Trung)…
Theo nhà nghiên cứu Lý Đợi, Trương Đại Thiên vẽ bức này khi ông lưu trú tại khu vườn phong cách Trung Quốc ở Mogi das Cruzes, gần São Paulo (Brazil). Thập niên 1960 là thời hoàng kim của Trương Đại Thiên, sau hơn một thập niên không ngừng thử nghiệm với thủy mặc.
Phong cách thẩm mỹ của “Ngôi đền trên đỉnh núi” kết hợp nền tảng truyền thống của Trung Quốc với tượng trưng và trừu tượng của Tây phương, làm nên cuộc cách mạng thủy mặc.
Tác phẩm cũng cho thấy ông có chịu ảnh hưởng một chút từ phong cách Paris đương thời và tinh thần biểu hiện - trừu tượng của Mỹ.
So về mức giá, dù còn rất xa để các tác phẩm của danh họa Việt Nam mới theo kịp thế giới. Tuy nhiên, với giá triệu USD và việc nhà Christie’s Hồng Kông dành một “vị trí đặc biệt cho tranh lụa Việt” ngang hàng với các danh họa thế giới.
Điều đó chứng tỏ khoảng cách nghệ thuật Việt Nam đã gần hơn so với thế giới. Đồng thời, tranh lụa xứng đáng là chất liệu đại diện cho hội họa Việt Nam.