Cuộc thi “Sáng tạo kinh doanh xã hội năm 2021”: Đột phá mang thương hiệu Việt

GD&TĐ - Cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội 2021 (Social Business Creation) – do Trường Đại học HEC Montréal Canada (HEC) và Giáo sư Muhammad Yunus (đoạt giải Nobel Hòa bình 2006) khởi xướng, tổ chức.

TS Dương Nguyễn Hồng Nhung cùng sinh viên IU.
TS Dương Nguyễn Hồng Nhung cùng sinh viên IU.

Dự án Nanoneem do TS Dương Nguyễn Hồng Nhung (giảng viên Khoa Công nghệ Sinh học Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM làm trưởng nhóm cùng sinh viên IU và một số sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, đoạt giải Nhất Cuộc thi “Sáng tạo kinh doanh xã hội năm 2021”.

Hướng đến nền nông nghiệp sạch

Cuộc thi “Sáng tạo kinh doanh xã hội năm 2021” (Social Business Creation - SBC) vừa khép lại với vòng Chung kết toàn cầu vô cùng hấp dẫn và gay cấn. Kết quả chung cuộc, dự án Nanoneem của Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM đã đoạt giải Nhất (Giải Scotiabank) với số tiền thưởng 30.000 đô la Canada và 4.200 đô la Canada học bổng từ MOSAIC Summer school. Về Nhì là đội Argentina với dự án dạy nghề và tìm việc cho người trẻ yếu thế. Thứ ba là đội Mexico với dự án làm sạch hệ sinh thái sông ngòi.

Vòng Chung kết diễn ra với sự tranh tài của TOP 5 SBC 2020 và TOP 5 SBC 2021. Năm nay cũng là năm đặc biệt khi quy tụ đội thi từ cả năm 2020 và 2021, nên sức cạnh tranh nóng hơn những năm trước. Tổng cộng có 265 đội thi của 80 trường ĐH đến từ 24 quốc gia trên thế giới.

Nanoneem là dự án nghiên cứu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật được ứng dụng công nghệ nano trong việc đưa các thành phần tự nhiên về dạng bền hơn và dễ thẩm thấu hơn, từ đó nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh. Với nguồn gốc thảo mộc, Nanoneem hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn và thân thiện môi trường. Dự án do TS Dương Nguyễn Hồng Nhung (giảng viên Khoa Công nghệ Sinh học IU) làm trưởng nhóm. Dự án do sinh viên của Khoa Công nghệ Sinh học IU đồng nghiên cứu và một số sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội tham gia hỗ trợ.

Nói về thông tin đoạt giải Nhất cuộc thi, TS Nguyễn Hồng Nhung đại diện nhóm Nanoneem chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc xen lẫn vinh dự và tự hào. Lần này tất cả các đội ở Việt Nam không tham gia trực tiếp được ở Canada do tình hình dịch bệnh mà phải thông qua Zoom, là một điều bất lợi lớn so với các đội từ những quốc gia khác. Tuy nhiên, nhóm đã cố gắng khắc phục và khai thác tối đa ưu thế của việc tham gia trực tuyến. Đây cũng là lần đầu tiên một đội từ Việt Nam đoạt giải Nhất, với sự công nhận từ những chuyên gia trong giới tài chính, đầu tư, khởi nghiệp của thế giới”.

Tại buổi trao giải, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM được xướng tên là ứng viên sáng giá cho giải “Global Institutional Prize” của cuộc thi. Đây là niềm vinh dự và sự ghi nhận to lớn mà BTC cuộc thi dành cho các cống hiến của IU trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao vị thế nhà trường với các trường bạn, đối tác trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Quốc tế còn có dự án Brain Analytics của nhóm sinh viên Kỹ thuật Y sinh đã xuất sắc góp mặt tại vòng Bán kết và dự án sẽ tiếp tục đến Canada tham gia vòng cuối của Cuộc thi SBC 2022. Đây là dự án nghiên cứu về phần mềm ứng dụng công nghệ AI hỗ trợ chẩn đoán bệnh Alzheimer thông qua kết quả ảnh MRI.

TS Dương Nguyễn Hồng Nhung cùng team dự án Nanoneem.
TS Dương Nguyễn Hồng Nhung cùng team dự án Nanoneem. 

Duyên với hóa công nghiệp

TS Dương Nguyễn Hồng Nhung sinh năm 1990 tại Vũng Tàu, là học sinh chuyên Toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau tốt nghiệp THPT, với thành tích học tập tốt, chị nhận được học bổng toàn phần ngành Kỹ thuật Hóa học tại Trường ĐH Oklahoma, Hoa Kỳ. Ban đầu, chị dự định học một thời gian rồi chuyển ngành khác nhưng đến khi học thì cảm thấy rất thích ngành Kỹ thuật Hóa học.

“Mới nghe tưởng chỉ có liên quan đến hóa nhưng thật ra là ngành Hóa công nghiệp, chuyên về các quy trình sản xuất hóa học trong công nghiệp (sản xuất thực phẩm, hóa phẩm, mỹ phẩm, năng lượng, vật liệu...). Và đặc biệt đây là ngành kĩ sư, nghĩa là được dạy tư duy giải quyết vấn đề, được nhìn một quy trình sản xuất từ khâu thiết kế máy móc đến xem xét hiệu suất kinh tế, được tận mắt chứng kiến những nguyên liệu thô chế biến thành sản phẩm chất lượng cao. Với tôi thì đó là điều kì diệu nên tôi hy vọng có thể gắn bó với ngành lâu hơn nữa” - TS Hồng Nhung chia sẻ thêm.

Tốt nghiệp ĐH ngành Kỹ thuật Hóa học (2013) với số điểm 3.95/4.00 GPA, Hồng Nhung tiếp tục học lên Thạc sĩ (2014) và Tiến sĩ (2018) tại Trường ĐH Oklahoma (Mỹ). Sau gần 10 năm du học, chị quyết định trở về Việt Nam giảng dạy tại IU và bén duyên với lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm hữu cơ phục vụ nông nghiệp.

Trong thời gian ở Mỹ, Hồng Nhung nghiên cứu ở lĩnh vực năng lượng tái tạo và vật liệu ống nano carbon. Khi về Việt Nam, chị nhận thấy nhiều vấn đề cấp bách và với vốn kiến thức sẵn có, nên đã quyết định chuyển hướng sang nghiên cứu các chế phẩm hữu cơ phục vụ nông nghiệp.

“Tôi có niềm cảm hứng đặc biệt với tất cả những sáng kiến có thể giúp ích cho cuộc sống của chúng ta. Khi tìm thấy ý tưởng có thể làm một sản phẩm tốt, hiệu quả hay giúp giải quyết vấn đề nào đó cho xã hội, tôi rất hứng thú. Việt Nam lại là đất nước nông nghiệp với nguồn “vàng xanh” thảo dược sẵn có nên hoàn toàn có thể tận dụng”, TS Nhung chia sẻ hướng nghiên cứu.

Nói về những dự định trong tương lai của dự án, TS Hồng Nhung cho biết: “Đây mới chỉ là khởi đầu. Vấn nạn thuốc hóa học độc hại tuy đã rất quen thuộc nhưng vẫn luôn nhức nhối, không chỉ ở Việt Nam, mà là ở quy mô toàn cầu. Trong vòng Chung kết của cuộc thi, tôi kể câu chuyện mẹ của mình luôn phải ngâm rau cả giờ đồng hồ, hay ăn trái cây gì cũng phải gọt vỏ, từ ổi, táo đến cả quả nho bé tí, ăn gì cũng sợ độc hại…

Đó không phải là chuyện hiển nhiên, mà cần phải thay đổi. Tôi và đối tác của mình vẫn đang cố gắng để đưa những sản phẩm của mình đến tay nhiều người nông dân hơn, với sự cam kết về hiệu quả, độ an toàn với giá thành hợp lý. Tôi hy vọng trong tương lai có thể kết hợp nhiều hơn nữa với các dự án khác cũng đang làm về nông nghiệp sạch để cùng nhau tạo ra sự thay đổi thật sự. Tôi hy vọng sẽ nhận được đầu tư cũng như sự ủng hộ về chính sách nhiều hơn nữa.

Đối với dự án này, tôi cam kết sẽ dành 100% lợi nhuận cho việc tái đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ, hỗ trợ nhân rộng mô hình nông nghiệp sạch, khắc phục hậu quả môi trường do hóa chất độc hại và bảo vệ rừng. Tôi xin được dùng lại câu kết trong vòng Chung kết của Nanoneem để nói về hành trình sắp tới: “Đây là một hành trình dài và để biến nó thành một cuộc cách mạng, chúng tôi cần rất nhiều hỗ trợ. Nếu bạn muốn trở thành một phần của sự thay đổi này, hãy tham gia cùng chúng tôi””.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.