Cuộc đời kỳ lạ của 'cô gái lạc đà'

GD&TĐ - Vào cuối thế kỷ 19, những người có đặc điểm hoặc ngoại hình kỳ dị thường xuất hiện trong những rạp xiếc để thu hút công chúng hiếu kỳ.

“Cô gái lạc đà” Ella Harper.
“Cô gái lạc đà” Ella Harper.

Sự đau khổ của họ thể hiện tại các buổi biểu diễn, điều kiện sống và cách họ bị đối xử thường không được ai quan tâm. Một trong những người như vậy là Ella Harper, có biệt danh là “cô gái lạc đà”.

Cô gái kiên cường

Ella Evans Harper sinh ngày 5/1/1870 tại Hendersonville (Tennessee, Mỹ) trong một gia đình làm nông nghiệp và chăn nuôi. Ngoài người anh em sinh đôi tên là Everett, qua đời khi mới 3 tháng tuổi, cô còn có 3 chị em khác. Mọi người đều bình thường, chỉ có Ella Harper là khác thường.

Ngay khi ra đời, Ella Harper mắc một tình trạng y học lạ khiến đầu gối cong về phía sau, giống như đầu gối của lạc đà. Cô thường đi bằng cả tứ chi. Thời ấy, các bác sĩ bó tay và không thể lý giải nổi căn bệnh mà Ella Harper mắc phải.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, y học đã phát hiện và đặt tên cho căn bệnh lạ này là Genu recurvatum, hay chứng gối trong lõm trước. Đây là một hội chứng bẩm sinh hiếm gặp, với tỷ lệ 1/100 nghìn trẻ em trên thế giới mắc phải. Nạn nhân của chứng bệnh này thường là phụ nữ.

Ella Harper được xem là bệnh nhân đầu tiên của hội chứng quái lạ này. Dù có thể hình lạ thường, bị mọi người nhìn chằm chằm và trêu chọc, nhưng Ella lại sở hữu ý chí kiên cường, không khuất phục số phận và nhận ra dị tật của mình là cơ hội kiếm sống.

Theo những ghi chép để lại, Ella Harper bắt đầu làm việc tại rạp xiếc vào tháng 10/1882, khi mới 12 tuổi. Ban đầu, cô biểu diễn xung quanh St. Louis và New Orleans, sau đó lưu diễn đến một số tiểu bang khác ở nước Mỹ.

Chẳng bao lâu, Ella Harper bắt đầu thu hút sự chú ý của công chúng hiếu kỳ. Đầu năm 1886, ông bầu gánh xiếc nổi tiếng, W.H Harris, nhìn thấy cô và mời cô tham gia đoàn xiếc Nickel Plate Circus của mình.

Trong những buổi biểu diễn ở đây, Ella dắt theo một con lạc đà để khán giả có thể so sánh đầu gối uốn cong ngược của cô với đầu gối của con vật. Cuộc trình diễn mang tính so sánh này mang lại hiệu quả cao trên sân khấu. Kể từ đó, cô được đặt cho biệt danh “Cô gái lạc đà” và được coi là sinh vật nửa người, nửa lạc đà.

Càng ngày Ella Harper càng thu hút nhiều khán giả đến các buổi biểu diễn. Tên tuổi cô bắt đầu xuất hiện trên các áp phích quảng cáo và tờ rơi ở những nơi đoàn xiếc đến. Trong đó, người ta viết: Được gọi là “cô gái lạc đà” vì đầu gối quay ngược ra phía sau và cô có khả năng đi bằng cả chân và tay, như trong hình.

Những tờ quảng cáo còn cho biết, cô đã lưu diễn khắp nơi trong bốn năm qua nhưng sẽ từ bỏ rạp xiếc vào năm 1886 vì muốn tiếp tục việc học, đồng thời kêu gọi khán giả hãy đến xem cô khi có cơ hội.

Khi đó, Ella Harper kiếm được 200 USD mỗi tuần, giúp trang trải cho việc học của mình. Theo thời giá hiện nay, số tiền này tương đương 5 nghìn USD, là một gia tài vào thời điểm đó.

Tờ quảng cáo “cô gái lạc đà” của rạp xiếc.

Tờ quảng cáo “cô gái lạc đà” của rạp xiếc.

Giã từ gánh xiếc

Dù nổi tiếng và thu nhập khá nhưng trong thâm tâm Ella Harper vẫn không cảm thấy hạnh phúc, bởi mọi người chỉ xem cô như một sinh vật giúp họ tiêu khiển không hơn không kém.

Thế nên sau 4 năm sống như một con thú, vào cuối năm 1886, Ella Harper quyết định từ bỏ công việc của mình ở rạp xiếc để theo đuổi con đường học vấn.

Cô tránh những cặp mắt soi mói của công chúng, sống một cuộc đời khép kín. Trong một vài năm, không có nhiều thông tin về Ella Harper, có vẻ như “cô gái lạc đà” đã biến mất khỏi công chúng.

Điều tra dân số năm 1900 ghi lại, Ella Harper đã trở về hạt Sumner, Tennessee và sống ở đó với mẹ, cùng một trong những cháu gái. Cha cô qua đời năm 1890 do nhà bị cháy và Willie, anh trai cô, cũng qua đời 5 năm sau đó.

Trong thời gian sống ở đây, Ella Harper yêu Robert Savely, một giáo viên và nhân viên ghi sổ sách cho một cửa hàng nhiếp ảnh. Theo hồ sơ dân sự, Ella kết hôn với Robert vào năm 1905, khi cô 35 tuổi.

Một năm sau khi kết hôn, cặp vợ chồng này đã cho ra đời một bé gái. Họ đặt tên cho con là Mabel Savely. Tuy nhiên, cặp đôi đã trải qua một sự kiện đau buồn, khi mất đi đứa con gái duy nhất lúc cô bé mới 6 tháng tuổi.

Vài năm sau, Ella Harper và chồng chuyển đến hạt Davidson, gần hạt Sumner. Mẹ cô cũng đến với con gái và ba người sống đầm ấm cùng nhau.

Sau khi mất con gái, Ella Harper không có thai lần nào nữa. Vì vậy, hai vợ chồng quyết định nhận nuôi một bé gái sơ sinh từ một nhà trẻ mồ côi ở địa phương vào năm 1918. Họ đặt tên bé gái là Jewel Savely. Tuy nhiên, cô bé cũng qua đời khi mới ba tháng tuổi.

Trong năm 1920, Ella Harper và chồng chuyển đến sống ở Nashville, Tennessee. Theo hồ sơ, Ella qua đời vào lúc 8 giờ 15 phút sáng ngày 19/12/1921 do căn bệnh ung thư đại tràng, ở tuổi 51.

Bà được an táng tại Nghĩa trang Spring Hill ở Gallatin Pike, gần Nghĩa trang Quốc gia Nashville, bên cạnh các con. Bà Minerva, mẹ của Ella Harper, cũng qua đời 3 năm sau đó.

Theo Historicmysterious

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ