Các dự án với ý tưởng sáng tạo, có tính khả thi cao lọt vào top 50 vòng chung kết Cuộc thi SV – STARTUP 2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Xanh hóa sản phẩm
Theo ông Nguyễn Văn Vũ An - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp, xuất phát từ mong muốn mang lại sản phẩm có lợi cho cộng đồng và xã hội, góp phần nâng cao giá trị cho nông sản, nhóm SV Trường Đại học Trà Vinh đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm “Bột nưa nông sản vì sức khỏe – KLEN FARM”.
Khi được hỏi về công trình nghiên cứu của mình có gì khác so với những nghiên cứu đi trước, bạn Sơn Thái Ngoan, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Đó là cách thức chế biến thành phẩm bột nưa, tạo sự khác biệt với các loại sản phẩm cùng đặc điểm khác trên thị trường.
“Bột nưa nông sản vì sức khỏe – KLEN FARM” là sản phẩm được sản xuất từ củ nưa nguyên chất, canh tác hữu cơ. Sản phẩm áp dụng công nghệ mới trong sản xuất từ nghiền, sấy, trích ly đến phân ly.
Để tạo ra sự độc đáo cho sản phẩm, dự án ra mắt nhiều loại như: Bột nưa tinh chất nghệ mật ong, bột nưa hoa đậu biếc, bột nưa hương hoa lài… Sản phẩm không chất bảo quản, 100% tự nhiên bảo đảm nguồn gốc sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn khác.
Đây là 1 trong 2 dự án SV thuộc lĩnh vực Công nghệ, chế tạo sản phẩm lọt vào tốp 50 vòng Chung kết Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 (SV.STARTUP – 2020) do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Từ thành công này, nhóm tiếp tục sáng tạo đổi mới sản phẩm, mẫu mã khác nhau, kết hợp nông trại nưa với du lịch trải nghiệm, ẩm thực, cho ra sản phẩm nước uống đóng lon từ bột nưa. Đồng thời dự án sẽ xây dựng thương hiệu gắn liền với địa phương.
Với tiêu chí sản phẩm phải xanh, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, hứa hẹn nâng cao giá trị cho cây nưa nông sản, phát triển kinh tế, tạo ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Dừa nước đóng chai
Trước đây, cây dừa nước chỉ được dùng lá, trái làm thức uống giải khát bình thường, nước nhạt và không hấp dẫn, không có giá trị nhiều về kinh tế. Để tạo sức hấp dẫn cho trái dừa nước, Nguyễn Bá Lộc và Ngô Phước Lộc (SV lớp Công nghệ Kỹ thuật Hóa học chuyên ngành Ứng dụng chất dẻo linh hoạt và vật liệu Nano khóa 2017), Lâm Thị Ngọc Yến (SV lớp Đại học Quản trị Kinh doanh khóa 2018), Hồ Thị Thiên Thanh (SV lớp Đại học Ngôn ngữ Anh khóa 2017 – Trường Đại học Trà Vinh) đã mày mò nghiên cứu tạo ra sản phẩm nước dừa nước đóng chai từ mật cây dừa nước.
Chia sẻ về quá trình hình thành ý tưởng, bạn Nguyễn Bá Lộc, Trưởng nhóm nghiên cứu dự án kể: Xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, vùng đất nông nghiệp màu mỡ nằm dọc theo dòng sông Tiền hiền hòa tạo điều kiện thuận lợi cho cây dừa nước phát triển. Nhưng người dân chưa nhìn thấy được giá trị về kinh tế mà cây dừa nước đem lại, vì vậy trong quá trình học ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học tại Trường Đại học Trà Vinh cùng với niềm đam mê khởi nghiệp, em nhận thấy cây dừa nước có rất nhiều giá trị từ quả, lá và đặc biệt là mật cây dừa nước là phần mang lại nhiều giá trị kinh tế nhất nếu được khai thác một cách hiệu quả.
Tìm lời giải cho bài toán trên, nhóm nghiên cứu đã hình thành dự án “Mật dừa nước đóng chai” được sản xuất từ mật cây dừa nước, là sản phẩm sạch, nguồn gốc hoàn toàn từ tự nhiên, không sử dụng hóa chất, chất bảo quản trong quá trình sản xuất.
Sản phẩm được đóng chai với dung tích 330 ml/chai, sản phẩm thích hợp dùng làm chất tạo ngọt cho người bị tiểu đường type 2, ngăn ngừa thừa cân, béo phì, chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe.
Quy trình sản xuất mật dừa nước đóng chai gồm các bước lựa chọn nguyên liệu, massage quài, thu mật, cuối cùng là chế biến mật dừa nước. Mật được hòa trộn với thịt của quả dừa nước đã được xử lý, thực hiện tiệt trùng lại lần cuối trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
PGS.TS Phạm Tiết Khánh – Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh vui mừng chia sẻ: Trường Đại học Trà Vinh đang hướng đến đại học xanh phát triển bền vững. Chúng tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện để SV có những nghiên cứu đưa ra những sản phẩm xanh hướng về cộng động. Đã có nhiều sản phẩm được các bạn nghiên cứu thành công.
Mới đây nhất là 2 đề tài “Bột nưa nông sản vì sức khỏe” và “Mật dừa nước đóng chai”. Thật vui, các sản phẩm nghiên cứu đều kết hợp mô hình kinh doanh phát triển với du lịch sinh thái tại địa phương. Đây là hướng phát triển mới và có nhiều tiềm năng. Giải quyết vấn đề thừa nguồn lao động tại địa phương, đáp ứng nhu cầu việc làm, tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình.