Ra mắt hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng Đại học do Việt Nam phát triển

GD&TĐ - Sáng nay (18/8) ĐHQG Hà Nội và Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) đồng tổ chức Hội thảo quốc tế “Đối sánh chất lượng giáo dục ĐH” và giới thiệu hệ thống xếp hạng đối sánh do Việt Nam phát triển mang tên “University Performance Metrics” (UPM). 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thế Đại
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thế Đại

Hội thảo có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc điều hành mạng lưới AUN - ông Choltis Dhirathiti, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, đại diện các cơ sở giáo dục ĐH và các nhà khoa học. 

UPM là sản phẩm do nhóm nghiên cứu ĐHQG Hà Nội thực hiện dưới sự tài trợ của Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT chủ trì. GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội là người trực tiếp phụ trách hệ thống này.

Hệ thống này giúp các các cơ sở giáo dục ĐH xác định, quản trị mục tiêu chiến lược, hướng tới đạt chuẩn tốp 100 của ĐH châu Á. Nhiều tiêu chí gắn với các mốc chuẩn của ĐH định hướng nghiên cứu quy định tại Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Việt Nam hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục ĐH. 

Theo đó, các trường ĐH (đặc biệt là các ĐH định hướng nghiên cứu) đạt chuẩn 5 sao là các trường đã có khả năng tiếp cận nhóm 100 châu Á, có chất lượng hàng đầu quốc gia và bắt đầu có uy tín quốc tế. Các ĐH 4 sao là các trường có uy tín trong nước và khu vực. Các trường ĐH 3 sao thực hiện tốt chức năng đào tạo theo phân khúc thị trường và có thể tham gia vào việc trao đổi sinh viên trong khu vực. 

Đến nay, đã có gần 40 trường ĐH Việt Nam và ASEAN tự nguyện tham gia sử dụng bộ tiêu chí UPM để đối sánh chất lượng. Kết quả đối sánh chất lượng và gắn sao cho thấy một bức tranh chân thực và tích cực về chất lượng các trường ĐH Việt Nam và khu vực, mang thông tin hữu ích, nhiều chiều đến các bên liên quan từ các trường ĐH, đến sinh viên, nhà tuyển dụng và nhà quản lý.

Thay mặt Bộ GD&ĐT Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Trong những năm qua, giáo dục ĐH Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ theo hướng tự chủ, tăng cường kiểm định, công khai chất lượng giáo dục và tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Đến nay đã có hơn 160 cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam và hơn 300 chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định uy tín trong nước và quốc tế. 

Các cơ sở giáo dục ĐH đã và đang tiếp cận với các công cụ quản trị ĐH để nhận diện năng lực của mình. Việt Nam đã có 3 cơ sở giáo dục ĐH được ghi nhận trong danh sách 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế uy tín nhất; và giáo dục ĐH Việt Nam nói chung đã được đánh giá xếp hạng thứ 68 trên tổng số gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. 

Tuy nhiên, mô hình và cách vận hành của các trường ĐH của Việt Nam vẫn đang bộc lộ một số vấn đề trong việc đo lường đánh giá chất lượng, trong quá trình thực hiện công khai, đảm bảo minh bạch về chất lượng. 

“Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là vấn đề chung ở nhiều quốc gia, trong đó có các nước ASEAN, được các chính phủ rất quan tâm”. Bộ trưởng chia sẻ và cho rằng: để nâng cao năng lực quản trị ĐH cả ở cấp vĩ mô và vi mô, cần phải có bộ công cụ quản lý chất lượng phù hợp, hiệu quả, đặc biệt là để "đối sánh" các chỉ số bảo đảm chất lượng giữa các cơ sở giáo dục ĐH. “Tôi đánh giá cao cách tiếp cận vấn đề và các kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu” – Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, việc xây dựng và vận hành hệ thống như bộ chỉ số UPM có rất nhiều ý nghĩa. Trước hết, là một trung tâm dữ liệu và phân tích, UPM có thể hỗ trợ tư vấn cho hệ thống giáo dục ĐH quốc gia, cũng như các cơ sở giáo dục ĐH trong nước và trong khu vực. 

Các cơ sở giáo dục ĐH có thể sử dụng các tiêu chí của UPM để tự đánh giá kết quả các hoạt động, đồng thời sử dụng UPM như một công cụ để quản trị chiến lược, phát triển thương hiệu, phát triển đối tác. 

Người học có được những thông tin chính xác về các trường ĐH để có thể lựa chọn trường, lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề đào tạo phù hợp với năng lực, sở trường. Người sử dụng lao động có cơ sở để xây dựng chiến lược nhân sự, kế hoạch tuyển dụng và hợp tác chuyển giao tri thức. 

“Tôi khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam nghiên cứu áp dụng và cũng khuyến nghị các trường ĐH của các nước ASEAN tham khảo áp dụng các bộ chỉ số đánh giá có tính hữu dụng, hiệu quả, để đánh giá/đối sánh chất lượng các cơ sở giáo dục ĐH ở các nước trong khu vực. Tôi tin tưởng rằng quá trình áp dụng này cũng sẽ góp phần thực hiện hiệu quả việc tham chiếu khung trình độ các quốc gia với khung tham chiếu các trình độ của ASEAN” – Bộ trưởng cho hay.

Tổng Giám đốc điều hành AUN, TS. Choltis Dhirathiti phát biểu tại hội thảo.
Tổng Giám đốc điều hành AUN, TS. Choltis Dhirathiti phát biểu tại hội thảo.

Tại Hội thảo, Tổng Giám đốc điều hành AUN, TS. Choltis Dhirathiti gửi lời chúc mừng tới Việt Nam và ĐHQG Hà Nội đã bước đầu vượt qua biên giới quốc gia để đóng góp cho việc phát triển hệ thống giáo dục đại học ở khu vực, thông qua hệ thống UPM.

TS cũng đánh giá cao các trường đại học tiên phong áp dụng hệ thống UPM, ủng hộ quá trình hợp tác phát triển giáo dục đại học trong khu vực.

Đề cao hướng tiếp cận mới của UPM trong lĩnh vực đối sánh chất lượng đại học, Tổng Giám đốc điều hành AUN nhấn mạnh:

“Với sự tin tưởng và đánh giá cao, Ban thư ký AUN vui mừng được giới thiệu hệ thống đối sánh chất lượng trường đại học UPM tới các trường đại học trong cộng đồng ASEAN. Chúng tôi tin rằng, hệ thống tiêu chuẩn và các chỉ báo của UPM sẽ được sử dụng như một công cụ, không những giúp các trường đại học tự đối sánh và điều chỉnh chất lượng, mà còn là một trong những cơ sở giúp AUN củng cố và mở rộng mạng lưới”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ