Công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục Ấn Độ ấp ủ tham vọng toàn cầu

GD&TĐ - Công ty khởi nghiệp công nghệ GD Ấn Độ mang tên Cuemath muốn chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường GD toán học phổ thông toàn cầu (K12).

Cuemath đã đến 80 quốc gia cùng kế hoạch tăng cường sự hiện diện ở những nơi này. Ảnh: Forbes
Cuemath đã đến 80 quốc gia cùng kế hoạch tăng cường sự hiện diện ở những nơi này. Ảnh: Forbes

Hiện nay, Cuemath có mặt ở hơn 80 quốc gia và muốn tiếp cận hơn 100 quốc gia vào cuối năm 2023.

Được thành lập vào năm 2014, Cuemath đã tăng trưởng gấp 3 lần trong năm tài chính 2021 so với năm 2020 và mở rộng ra hơn 20 quốc gia trong thời kỳ đại dịch. Theo Giám đốc điều hành Vivek Sunder của Cuemath, trong 2 năm qua, công ty tập trung vào việc hợp lý hóa các hoạt động ở Ấn Độ và mở rộng ra hơn 80 quốc gia.

Họ đã thành lập văn phòng ở Abu Dhabi (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) và xây dựng các nhóm xuyên quốc gia ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và các lãnh thổ khác trên thế giới. Với hơn 200 nghìn học sinh và 8.500 giáo viên dạy toán, Cuemath có vị trí thuận lợi để trở thành nền tảng dạy toán số một thế giới.

Mặc dù không chia sẻ về doanh thu của Cuemath, nhưng ông Sunder cho biết, công ty khởi nghiệp này đã huy động được hàng chục triệu USD. Việc gây quỹ có sự tham gia của các nhà đầu tư hiện tại, bao gồm Lightrock Ấn Độ, Sequoia Capital Ấn Độ, Quỹ tăng trưởng độc lập của Alphabet CapitalG, Manta Ray và Unitus.

Theo ông Sunder, Cuemath có thể tự duy trì hoạt động trong vài năm tới. Ưu tiên lớn nhất của công ty là thực hiện kế hoạch toàn cầu đã đề ra.

Giáo viên Ấn Độ mang lại lợi thế cho Cuemath. Ảnh: Edexlive

Giáo viên Ấn Độ mang lại lợi thế cho Cuemath. Ảnh: Edexlive

Nắm bắt thị trường toàn cầu

“Chúng tôi có kế hoạch tăng cường sự hiện diện của mình ở Bắc Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương, Vương quốc Anh, châu Âu, Trung Đông, chiếm lĩnh các thị trường châu Phi và Nam Mỹ” - ông Sunder chia sẻ - “Chúng tôi đang xây dựng các chương trình giảng dạy được tối ưu hóa cho Vương quốc Anh, Australia và Trung Đông cùng với sự tập trung đáng kể vào thị trường Hoa Kỳ”.

Cuemath đang thiết kế các sản phẩm và đề xuất tùy chỉnh cho phụ huynh, học sinh trên thị trường toàn cầu; đồng thời xác định các mức giá và cơ chế tiếp thị phù hợp để tiếp cận phụ huynh.

Năm ngoái, một nghiên cứu của Cuemath nhấn mạnh rằng việc học toán đã kém đi do đại dịch Covid-19. Ông Sunder cho biết, các trường học không được trang bị để thích ứng với việc phong tỏa, dẫn đến việc học toán trên toàn cầu bị thụt lùi.

Tuy nhiên, ông Sunder khẳng định, Cuemath đã chứng tỏ là liều thuốc giải cho vấn đề toàn cầu này. Đại dịch đã khuyến khích công ty nhanh chóng chuyển sang mô hình giảng dạy trực tuyến. Là một phần trong kế hoạch mở rộng toàn cầu, Cuemath đã chứng kiến sự tăng trưởng xuất sắc thông qua việc thâm nhập vào các khu vực địa lý mới hơn.

Ông Sunder cho biết, 2 năm qua cũng cho phép công ty hiểu rõ hơn về thị trường của mình và nhu cầu thay đổi của phụ huynh. Việc công ty tập trung vào giảng dạy và đạt được kết quả học toán chuyên sâu đã góp phần mang lại tỷ lệ học sinh duy trì việc học cao (80%), với một nửa số người nhập học mới thông qua giới thiệu.

Trong lĩnh vực giáo dục toán học, Kumon của Nhật Bản là một trong những công ty lớn nhất toàn cầu. Trước đại dịch, với mô hình chủ yếu là các trung tâm truyền thống, Kumon có hơn 4 triệu học sinh đăng ký học tại hơn 25 nghìn trung tâm học tập. Tuy nhiên, lợi thế mà Cuemath có là khả năng tiếp cận kỹ thuật số.

“Mặc dù ở Ấn Độ chúng tôi có sự kết hợp giữa các lớp học trực tuyến và trực tiếp, nhưng trên toàn cầu, đây hoàn toàn là lớp học ảo. Điều đó mang lại cho chúng tôi lợi thế trong việc tiếp cận học sinh, chúng tôi có thể dạy 1:1 và 1:20, tùy thuộc vào nhu cầu của học sinh”, ông Sunder nói.

Ngoài ra, ông Sunder còn cho biết thêm, chương trình giảng dạy của Cuemath được công ty giáo dục đa quốc gia STEM.org có trụ sở tại Mỹ công nhận, giúp học sinh đạt kết quả học tập rất tốt và đồng thời là đối tác của Google for Education… Tất cả những điều này mang lại cho Cuemath mức tín nhiệm rất lớn.

Lớn nhất hoặc tốt nhất

Ông Sunder nói rằng mục tiêu của Cuemath là trở thành công ty tốt nhất, thay vì lớn nhất thế giới. Ông giải thích, nếu trong quá trình trở thành tốt nhất, công ty trở thành lớn nhất, hãy cứ để mọi việc diễn ra. Tuy nhiên, trở thành lớn nhất không phải là mục tiêu cuối cùng của công ty, bởi vì nếu bạn đặt mục tiêu như vậy, bạn phải dồn các nguồn lực vào đó. Nếu thất bại, điều này sẽ dẫn đến việc cắt giảm chi phí và sa thải nhân viên.

Hiện tại, Cuemath sử dụng các giáo viên từ Ấn Độ để giảng dạy cho học sinh nước ngoài. Toán học là một nhu cầu phổ quát và giáo trình cũng ít nhiều giống nhau ở hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, ông Sunder tin rằng, chính giáo viên tại Cuemath đã mang lại lợi thế cho môn Toán. Giọng Ấn Độ khá trung tính và người Ấn Độ được coi là có kỹ năng toán học tốt. Theo ông Sunder, ở nhiều quốc gia, người ta coi được một người Ấn Độ dạy là một điều tích cực.

Ngoài ra, do có sự khác biệt về văn hóa giữa người Ấn Độ và người nước ngoài nên để giáo viên đáp ứng tốt hơn nhu cầu của học sinh các nước cùng phụ huynh của họ. Giáo viên không ngừng được đào tạo về giao tiếp, văn hóa và các kỹ năng liên quan.

Trong lớp học trực tiếp, một giáo viên có thể dạy cùng lúc vài chục học sinh. Tuy nhiên, nhờ công nghệ giáo dục, giáo viên có thể dạy hàng trăm người. Liệu điều này có dẫn đến giáo viên bị mất việc làm hay không? Ông Sunder cho biết, ngược lại, công nghệ giáo dục sẽ dẫn đến nhiều công việc giảng dạy hơn được tạo ra.

“Cho dù bạn sử dụng bao nhiêu công nghệ, yếu tố đồng cảm và khuyến khích của con người vẫn rất cần thiết. Vai trò của một giáo viên có thể thay đổi, nhưng tầm quan trọng của giáo viên sẽ không giảm đi”, ông Sunder nói.

Theo Financial Express

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ