Được thành lập cách đây khoảng 10 năm, các trường đại học khai phóng tại Ấn Độ ngày càng phổ biến, thu hút lượng lớn sinh viên.
Khai phóng là tên gọi dành cho các trường đại học quy mô nhỏ, có tinh thần cộng đồng cao và tập trung đào tạo bốn ngành gồm: Nghệ thuật, Nhân văn, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Nền giáo dục này hướng đến sự tự do, cho phép cá nhân phát triển khía cạnh sáng tạo và khả năng phân tích.
Chương trình dạy trong các trường khai phóng tại Ấn Độ thách thức sự hiểu biết của sinh viên ngoài kinh nghiệm sống vốn có. Các em tập trung vào câu hỏi “Làm thế nào?” thay vì “Cái gì?”. Hệ thống giáo dục Ấn Độ đang tập trung vào chuyên môn hóa thay vì học vẹt.
Sinh viên có thể học nhiều lĩnh vực cùng lúc như nghệ thuật, biểu diễn, truyền thông, kinh tế hay quan hệ quốc tế. Sau đó, các em sẽ lựa chọn theo đuổi một chuyên ngành yêu thích để định hướng nghề nghiệp tương lai.
Tại Trường ĐH Shiv Nadar, chương trình học cho phép sinh viên tìm hiểu chuyên sâu một lĩnh vực trong khi nghiên cứu, trải nghiệm nhiều môn tự chọn khác nhau. “Chương trình học của chúng tôi được thiết kế để củng cố kiến thức thức nền tảng với cách tiếp cận đa ngành. Dù chương trình giảng dạy linh hoạt, chúng tôi vẫn tập trung vào sự bình đẳng, tinh thần làm việc nhóm”, TS Rupamanjari Ghosh, Hiệu phó nhà trường cho biết.
Trong vài năm qua, nhận thức về giáo dục khai phóng tại Ấn Độ đã tăng đáng kể. Năm 2016, Trường ĐH Jyoti Dalal (JDSoLA), Mumbai, được thành lập với khoảng 60 sinh viên. Sau 5 năm, số lượng sinh viên tăng lên 120 em.
TS Achyut Vaze, Cố vấn học thuật, cho biết: “Trong đợt xét tuyển gần đây, chúng tôi đã nhận được số lượng đơn đăng ký vượt gấp 10 lần quy mô đào tạo hiện tại. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu về giáo dục khai phóng tại Ấn Độ đang tăng. Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu này sẽ tăng theo cấp số nhân trong những năm tới”.
Các chuyên gia giáo dục đánh giá một trong những yếu tố thúc đẩy giáo dục khai phóng là đội ngũ giảng viên chất lượng. Tại JDSoLA, giảng viên phải có bằng tiến sĩ hoặc thạc sĩ và 6 - 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy. Ứng viên phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn, thi tuyển nghiêm ngặt và được đào tạo chuyên sâu sau khi trúng tuyển.
Ngoài ra, các trường khai phóng đang hợp tác với các trường đại học quốc tế để mở rộng cơ hội học tập cho sinh viên. Nhiều giáo sư tại các trường kinh doanh hàng đầu thế giới hoặc nhóm Ivy League sẽ thuyết giảng trong những năm tới, khi biên giới các nước tái mở cửa.
Tuy nhiên, tương lai của các trường khai phóng tại Ấn Độ còn nhiều điểm không chắc chắn. Mối quan tâm lớn nhất là bằng cấp khai phóng có giá trị như thế nào trong thị trường lao động Ấn Độ.
Mức học phí của các trường này là tương đối cao nên sinh viên sau khi ra trường cần tìm công việc chất lượng để trả các khoản nợ học phí. Trong khi đó, nhiều phụ huynh chưa quen với khái niệm giáo dục khai phóng và còn nghi ngại về chất lượng đào tạo của những chương trình này.
Ngoài ra, dù nỗ lực củng cố vị thế trong 10 năm qua, các trường khai phóng tại Ấn Độ chưa thể lọt vào tốp 100 trường khai phóng tốt nhất thế giới. Mức cạnh tranh của các trường Ấn Độ so với quốc tế là chưa cao. Điều này đòi hỏi các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng sinh viên và tạo ra thương hiệu cá nhân trên bản đồ thế giới.