Chất lượng dạy Toán và Khoa học phụ thuộc vào nguồn tài trợ công và hệ thống GD.
Các quốc gia đứng ở vị trí cao trong bảng xếp hạng về chất lượng GD thường chi nhiều hơn 6% GDP cho GD, trong khi đó Ấn Độ chỉ chi 3,3%.
“Hệ thống GD của chúng ta chú trọng nhiều vào điểm số và thứ hạng hơn là chất lượng. Chính sách GD nên được thay đổi để giải quyết mối quan tâm về chất lượng” – một chuyên gia GD, tiến sĩ Srini Bhupalam cho biết.
“Thực tế đã chứng minh rằng, chất lượng GD có thể được cung cấp khá hiệu quả cho những lượng dân số nhỏ” – ông Bhupalam nói.
“Nếu bạn nhìn vào danh sách trên, hầu hết các quốc gia xếp hạng cao về chất lượng GD đều có dân số ít. Do vậy một quốc gia có dân số lớn luôn đối mặt với thách thức về chất lượng GD, mặc dù chúng tôi đã có nhiều cố gắng để cải thiện tình hình” – ông nói thêm.
Theo ông Bhupalam, HS Ấn Độ giỏi trên giấy tờ vì học vẹt. “Chúng ta không thể mong đợi gì trong các bảng xếp hạng cho tới khi phương pháp giảng dạy được thay đổi theo hướng thực tế, dựa trên khái niệm và ứng dụng”.
“Các phương pháp kiểm tra và đánh giá của chúng ta cũng cần thay đổi để đo lường sự hiểu biết của HS và việc HS ứng dụng vào cách giải quyết vấn đề một cách sáng tạo” – chuyên gia GD trên cho biết.
Tiến sĩ Narsimha Reddy – Hiệu trưởng trường công lập Hyderabad – nói rằng “các nước nhỏ đang tiến bộ ở lĩnh vực Khoa học, Toán và Công nghệ. Chính phủ phải coi GD là một lĩnh vực đầy thách thức. Chương trình học và phương pháp cần được thay đổi để dạy môn Khoa học và Toán”.
Theo ông Reddy, hầu hết việc giảng dạy ở Ấn Độ đều là vì điểm số. “Những câu hỏi Cái gì, Tại sao, Ở đâu, Khi nào và Như thế nào là những điều quan trọng nhất trong Khoa học và Toán. Có bao nhiêu trường Ấn Độ đang thực sự khiến cho HS tò mò trong học tập?” – tiến sĩ Reddy nói thêm và khẳng định rằng kinh nghiệm thực tế là vấn đề được ưu tiên hàng đầu tại các nước phát triển.
Ngoài ra, HS Ấn Độ phải chịu áp lực rất nhiều về điểm số và sự kỳ vọng của gia đình, điều này khiến cho tỷ lệ HS tự tử ở Ấn Độ khá cao. Từ năm 2016 tới nay, Ấn Độ đã có gần 10.000 HS tự sát, tức là cứ mỗi giờ trôi qua lại có một HS tự tử và con số này đang tăng dần lên mỗi năm.