Cổng trường THPT công lập không phải lối duy nhất vào đời

GD&TĐ - Càng gần đến ngày công bố điểm thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội năm học 2019 – 2020, nhiều phụ huynh và học sinh càng nóng lòng vì dự kiến có khoảng 23.000 thí sinh sẽ không trúng tuyển trường công. Vậy, sẽ thế nào nếu con em bạn nằm trong số thí sinh chưa may mắn này?

Sự động viên từ cha mẹ tiếp thêm sức mạnh cho các em trong chặng đường phấn đấu phía trước. (Ảnh minh họa)
Sự động viên từ cha mẹ tiếp thêm sức mạnh cho các em trong chặng đường phấn đấu phía trước. (Ảnh minh họa)

Hãy cũng con vượt qua ám ảnh thi cử

Phụ huynh của các thí sinh nên quan niệm, không trúng tuyển vào các trường công lập, không có nghĩa là các em sẽ kết thúc con đường học hành, bởi còn nhiều cơ hội và sự lựa chọn cho các em.

Kết thúc buổi thi môn Toán ở Hà Nội, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện nhiều bức ảnh ghi lại khoảnh khắc những giọt nước mắt không thể kiềm chế của cả thí sinh và phụ huynh tuôn rơi khi dự đoán kết quả bài thi sẽ không như kỳ vọng.

Đó có thể sẽ là khởi đầu của ám ảnh “trượt cấp ba” nhưng nó cũng sẽ chỉ là một cơn mưa rào mau qua nếu các em luôn nhận được sự đồng hành, động viên, khích lệ của cha mẹ, thầy cô, giúp các em có thêm động lực cố gắng cho chặng đường còn rất dài ở phía trước.

Chị Phạm Thị Hạnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con thi vào lớp 10 bày tỏ, “Đây là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức thi 4 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Cùng với việc nâng số môn dự thi để xét tuyển lên gấp đôi so với các năm trước, thì việc cộng điểm học sinh giỏi 4 năm, điểm học sinh đoạt giải trong các kỳ thi và điểm học nghề không được áp dụng.

Mặc dù khá lo lắng nhưng người lớn trong nhà luôn tạo không khí và tinh thần thoải mái nhất để con vững vàng bước vào kỳ thi với 100% năng lượng. Tôi hay nói với con rằng, cứ cố gắng hết khả năng, dù kết quả thế nào con hãy yên tâm là vẫn có chỗ để học.”

Cổng trường công không phải lối duy nhất vào đời

“Sau khi con thi xong, cả gia đình ai cũng lo không biết điểm của con có đủ xét tuyển vào nguyện vọng đã đăng ký không vì con nói làm bài không được như ý. Chúng tôi đang hồi hộp chờ đợi cùng con”, chị Ngô Thanh Hà (Đông Anh, Hà Nội) cho biết.

Hơn tuần nay, vợ chồng chị chạy đôn chạy đáo tìm hiểu thông tin các trường dân lập trên địa bàn phòng trường hợp con không đủ điểm xét tuyển trường công. “Qua tìm hiểu tôi thấy, để cạnh trạnh và thu hút thí sinh đăng ký các trường dân lập bây giờ đều mời giáo viên giỏi về dạy, cơ sở vật chất hiện đại, mặt khác học sinh có nhiều cơ hội để phát triển bản thân nếu học các trường quốc tế nên cũng an lòng phần nào”, chị Hà chia sẻ.

Cũng có con thi vào 10 năm nay, anh Nguyễn Mạnh Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gia đình vẫn kỳ vọng cháu đủ điểm vào trường công lập nhưng gia đình cũng đã có những phương án sẵn nếu điểm chuẩn quá cao mà cháu không đủ đạt.

“Con trai tôi lực học trung bình, năm nay tỉ lệ chọi vào các trường lại cao nên cơ hội đỗ 50 – 50, gia đình đã quyết định nộp hồ sơ vào trường nghề cho cháu. 3 năm học ở đó, tốt nghiệp xong con có 2 bằng là bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp nghề, sau này có thể học tiếp lên cao đẳng, đại học nếu thấy cần thiết, còn không thì có thể đi làm ngay. Mặt khác, học phí trường nghề cũng rẻ hơn các trường dân lập, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình tôi”, anh Hà nói.

Bài học từ chính đề thi

Trong đề thi Ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội năm nay đã đề cập đến nỗi thất vọng chán nản khi gặp phải thất bại và việc biến khó khăn thành cơ hội để khám phá thế mạnh của bản thân. Sau khi nộp bài, nhiều học sinh đã tỏ vẻ hào hứng, phấn chấn với phần bài làm của mình nhưng đa số các em chưa từng phải vượt qua thất bại.

Hơn ai hết, chính cha mẹ hãy là những người “dạy con vượt lên thất bại”. Hãy để các con học từ vấp ngã những bài học quý giá, đừng khiến chúng bị nhấn chìm trong thất bại đầu đời.

“Tôi đã lỡ mắng con khi con nói con không làm tốt bài thi môn Toán. Thất vọng đã làm tôi không kiềm chế được. Khi bình tĩnh, tôi thấy hối hận, mình không nên nói những điều đó với con”, chị Lan Anh (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ.

Dẫu biết, cha mẹ nào cũng mong muốn con em mình đỗ đạt, trưởng thành nhưng các em không đáng phải chịu những áp lực hay cảm xúc tiêu cực từ cha mẹ.

Và hơn hết, kỳ thi vào lớp 10 THPT hay bất kỳ một kỳ thi nào khác cũng không phải cánh cửa cuối cùng để các em bước vào đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ