Chọn nghề không còn là gánh nặng

GD&TĐ - Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2019 chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ tăng, trong khi số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển giảm nhẹ. Cụ thể, cả nước có 886.000 thí sinh đăng ký dự thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học năm 2019, giảm gần 40.000 thí sinh so với năm 2018. Trong đó, có hơn 650.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, số còn lại đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT (chiếm 27,8%). Số thí sinh và nguyện vọng xét tuyển cũng phản ánh khá rõ xu hướng chọn trường đại học, chọn ngành nghề... của thí sinh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, chuyển biến giữa tỉ lệ xét tuyển tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển trường ĐH, CĐ những năm gần đây xuất phát từ việc phân luồng học sinh và công tác tư vấn, hướng nghiệp việc làm. Nhiều học sinh THPT đã chuyển biến khá rõ về nhận thức trong lựa chọn ngành nghề và hướng đi phù hợp với năng lực.

Nghề nghiệp là yếu tố quan trọng quyết định tương lai, cuộc sống của mỗi người, vì thế lựa chọn cho mình một nghề phù hợp là vấn đề được nhiều người quan tâm, đặc biệt là đối với lứa tuổi THPT. Bởi chọn nghề không đơn thuần là chọn một việc làm để nuôi sống cho bản thân mà đó còn là sự lựa chọn con đường đi cho tương lai.

Do vậy, cho dù có vô tâm đến mấy, khi bước sang lứa tuổi THPT, các em đều có những dự định nhất định về nghề nghiệp tương lai của mình.

Đại học là cánh cửa đầu tiên sau tốt nghiệp phổ thông, tuy nhiên nó không phải là cánh cửa duy nhất để giúp các bạn trẻ đạt được mục đích cho mình. Nhiều bạn trẻ ở Việt Nam đã ngược xu hướng không coi học đại học như lâu nay tiềm ẩn trong suy nghĩ của mọi người.

Khi bản thân họ hiểu được bản thân mình có năng lực tuyệt vời đến thế nào trong lĩnh vực mình cống hiến, họ đã rẽ ngang và gặt hái được thành quả. Giống như Bill Gates với “đầu không bằng cấp” nhưng ông hiểu bản thân mình cần có gì để đạt được điều gì, có sức trẻ và tâm thế học hỏi không ngừng và ông đã thành công.

Không thi đại học không phải là con đường cuối cùng trong hành trình đời mỗi người. Việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai xuất phát từ chính lòng yêu nghề và sự phát triển nghề nghiệp của nghề trong tương lai. Đây là sự hòa quyện hợp lý những động cơ bên trong và bên ngoài của việc chọn nghề.

Tuy nhiên, vẫn còn một số em, động cơ thúc đẩy là những động cơ bên ngoài chưa hợp lý như bắt chước bạn bè, theo sức ép của cha mẹ, do ngành đó đang có độ “hot”… Chính vì vậy, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, các nhà giáo dục cần có sự định hướng tư vấn kịp thời để HS THPT có sự lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp.

Theo thầy Nguyễn Xuân Thành (Trường ĐHSP Hà Nội), rất nhiều cha mẹ cho rằng, hoạt động GD hướng nghiệp chỉ do nhà trường thực hiện và cho rằng học lên cấp THPT rồi mới định hướng chọn nghề, chọn trường cho con. Những quan niệm như vậy là chưa đúng.

Giáo dục hướng nghiệp là hoạt động chung của cả nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó hệ thống biện pháp tâm lý, sư phạm và y học giúp thế hệ trẻ chọn nghề phù hợp với năng lực và sở trường của bản thân. Bởi lẽ đó, gia đình cần nhận thức đúng đắn và tổ chức phối hợp với các lực lượng GD khác trong việc GD hướng nghiệp cho chính con em mình.

Kỳ thi THPTQG năm 2019 sắp diễn ra, sau khi biết kết quả thi, các thí sinh và các bậc phụ huynh sẽ cân nhắc, lựa chọn, có thể điều chỉnh nguyện vọng để tham gia vào xét tuyển đại học, cao đẳng. Việc học tập, lựa chọn ngành nghề, bậc học là quyền lợi của tất cả học sinh, luôn được mọi người, phụ huynh và xã hội tôn trọng. Song, thực tế, tình trạng SV tốt nghiệp đại học ở mức cao thì việc cân nhắc, lựa chọn thật kỹ lưỡng, sáng suốt ngành nghề, bậc học của chính các em gắn với năng lực, hoàn cảnh kinh tế gia đình và nhu cầu lao động xã hội là vô cùng cần thiết và quan trọng.

Một số bạn trẻ, các bậc phụ huynh đã có những nhận thức, suy nghĩ và hành động chuyển dịch tích cực, đúng đắn về ngành nghề, bậc học, không còn nặng nề về bằng cấp, làm Nhà nước hay tư nhân, làm “thầy” hay “thợ”… Đây là những tín hiệu tốt đẹp cho ngành GD-ĐT và thị trường lao động nước nhà.

Hi vọng trong thời gian tới, học sinh lớp 12 và các bậc phụ huynh sẽ có những quyết định đúng đắn, biết “liệu cơm gắp mắm”, chọn lựa bậc học, ngành nghề phù hợp nhất. Những định hướng kịp thời sẽ tạo tiền đề quan trọng để các em xác định hướng đi đúng mà không bị loay hoay, lạc vào những ước mơ viển vông của ngành nghề sẽ học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ