Công phu là ở ngoài thơ

GD&TĐ - Trần Nhuận Minh là một trong những nhà thơ tài hoa của văn học Việt Nam.

Các tác phẩm của nhà thơ Trần Nhuận Minh. Ảnh: NVCC
Các tác phẩm của nhà thơ Trần Nhuận Minh. Ảnh: NVCC

Trần Nhuận Minh là một trong những nhà thơ tài hoa của văn học Việt Nam. Cả đời cống hiến cho nghệ thuật ngôn từ, ông trở thành tấm gương cho những cây viết trẻ về sự bền bỉ và đam mê thơ ca không ngừng nghỉ. Cùng Báo Giáo dục & Thời đại trò chuyện với nhà thơ Trần Nhuận Minh.

- Tôi nhớ có đọc từ lâu một bài viết của ông với đúc rút: “Công phu là ở ngoài thơ”. Vậy nên hiểu “Công phu ở ngoài thơ” như thế nào?

- Ý nghĩa ban đầu là: Sống rồi hãy viết. Sống phải hết sức và viết phải hết lòng. Tôi có thơ đăng báo từ 1960. Năm 1962, là giáo sinh giỏi của Trường Trung học Sư phạm Hải Dương, tôi xung phong đi Lai Châu, nhưng lãnh đạo Sở Giáo dục khu Hồng Quảng chọn, xin tôi về vùng mỏ.

Tôi nói với lãnh đạo Sở là cho tôi về dạy cấp 2 con em công nhân mỏ, để “vô sản hóa”, rồi làm một nhà thơ của những người thợ mỏ. Do đó, tôi được đưa về vùng mỏ Mạo Khê. Là thư kí Hội đồng, tôi xếp mình lên lớp 7 tiết mỗi ngày, để dành hẳn 2 ngày vào mỏ, tham gia hoạt động văn hóa Công đoàn mỏ.

Tôi mang giấy giới thiệu của Đảng ủy mỏ Mạo Khê đến Chi hội Văn nghệ thành phố Hải Phòng đang chuẩn bị thành lập, học tập kinh nghiệm, rồi về thành lập Chi hội Văn nghệ Mạo Khê, tổ chức chi hội đầu tiên của Khu mỏ, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy mỏ, được Sở Văn hóa và Công đoàn Khu mỏ công nhận.

Tôi làm Chi hội phó phụ trách chuyên môn. Ngày 19/5/1963, tôi giới thiệu tập thơ “Nhật kí trong tù” của Hồ Chủ Tịch cho khoảng hơn 500 công nhân mỏ nghe. Tôi được giám đốc mỏ cho phép đi lò với tổ đi lò nhanh, của Nguyễn Văn Vỡi (sau này thành Anh hùng Lao động) và Trần Bá Suy, đơn vị gian khó nhất và dũng mãnh nhất mỏ.

Tôi ở hẳn nhà anh Vỡi và tự học hỏi, nên tôi có trình độ về kĩ thuật phá lò đá và khai thác than hầm lò tương đương với kĩ sư mỏ thời bấy giờ. Từ đây, tôi khởi thảo “Trường ca Đá cháy”, đã tái bản đến lần thứ 34. Năm 1969, tôi tham gia thành lập Hội Văn nghệ Quảng Ninh, sau đó, chuyên đi và viết ở mỏ Cọc Sáu.

Đêm 30 Tết năm 1971, tôi ăn miếng bánh chưng trong cái lạnh cắt da thịt trên tầng cao 280m??? với những người thợ khoan. Những vốn liếng thực tế đó giúp tôi, ngoài trường ca đã kể trên, là sự hoàn thành tập thơ “Đấy là tình yêu”, “Âm điệu một vùng đất”, một phần tập thơ “Nhà thơ áp tải”, “Nhà thơ và hoa cỏ” và tập truyện vừa “Trước mùa mưa bão”.

cong phu la o ngoai tho (2).jpg
Nhà thơ Trần Nhuận Minh. Ảnh: NVCC

Tập truyện này, tôi viết liên tục 13 ngày thì xong ở mỏ Cọc Sáu, được dịch ra 7 thứ tiếng, đưa vào học trong sách giáo khoa phổ thông, và tái bản đến lần thứ 11. Nhà thơ Xuân Diệu nhận xét: “Em đã cố gắng rạch cái mồm thơ ra mà nhét cuộc sống vào”.

Nhà thơ Chế Lan Viên bảo tôi: “Em cần sống 3 cùng với thợ mỏ, sẽ trở thành nhà thơ tiêu biểu nhất của giai cấp công nhân”… Trước khi mất, nhà thơ Nguyễn Đình Thi về Quảng Ninh 2 ngày, tôi đưa ông đi nhiều nơi. Lúc chia tay, trước cửa nhà tôi, ông xuống xe, bất ngờ rút ra tập thơ “Sóng reo” đưa cho tôi và nói rất ngắn: “Minh làm thơ ở vùng mỏ, nên nhớ: Thơ không cần nhiều thực tế. Chỉ bẹo một tí cuộc sống thôi rồi thổi cái hồn của mình vào” (chữ “mồm thơ” là của Xuân Diệu, chữ “bẹo một tí” là của Nguyễn Đình Thi, tôi không bao giờ quên)…

Và như thế, công phu của tôi là học làm mỏ từ công nhân mỏ và học làm thơ từ 3 bậc thầy thơ. Từ 1962 qua 1986 đến 1992, tôi làm thơ theo lời 2 thầy Xuân Diệu và Chế Lan Viên.

Từ năm 1992, nhất là từ năm 2003 đến nay, tôi làm thơ theo lời thầy Nguyễn Đình Thi. Nếu tôi có thành công (dù còn rất khiêm nhường) như hiện nay, là nhờ công dạy chỉ khoảng 30 giây ở ngoài đường của thầy Nguyễn Đình Thi. Thưa bạn, tôi hiểu “công phu ở ngoài thơ” là như thế đấy.

- Chia sẻ của ông về việc gần đây được xuất bản sách thơ liên tục ở cả trong và nước ngoài?

- Tôi đã bước vào tuổi 80, với 65 tập sách, trong đó, có 30 tập thơ tiếng Việt và 19 tập thơ khá dầy dặn, in sang trọng theo kiểu hàn lâm, bằng các ngôn ngữ khác ở các nước... Bạn đã thấy, cùng trong năm nay, tháng 1, tập thơ “The day I live - Ngày tôi sống” in ở Hoa Kỳ, tháng 2 tập “Human Realm - Cõi người” ở Hàn Quốc và tháng 5 tập “Go Alone - Đi một mình” ở Canada, đưa số lượng thơ xuất bản bằng tiếng Anh của tôi đến nay là 13 tập.

Trong khi đó, ở trong nước, tháng 6, tập “Thơ nằm trên cỏ” cũng ra mắt tại Hà Nội. Chưa bao giờ tôi được xuất bản dường như cùng một thời gian 4 tập thơ khác nhau ở 4 quốc gia... Đối với tôi, đó thực sự là may mắn lớn.

Tôi hưu đến nay là 20 năm, dường như tôi dồn cả tâm sức để làm một việc, và các thành tựu của tôi (nếu có thể nói được như vậy), chỉ dồn vào giai đoạn này, nhất là 5 năm cuối. Đó là sáng tác những bài thơ mới, qua sự từng trải cuối đời, và thu vén những cái đã có, gom lại, nếu thấy có thể, thì chủ động đặt ra vấn đề được xuất bản, như một sự tự “kiểm kê” gia sản của mình trước nhân dân.

Cái may mắn lớn nữa là sức làm việc của tôi vẫn còn khá, sáng tác và biên soạn có hiệu quả rõ rệt. Các tác phẩm của tôi, bao giờ cũng in trước ở trong nước sau đó mới dịch, các nhà xuất bản nước ngoài mới thẩm định chất lượng và cho xuất bản tiếp, để có thể đến được với bạn đọc ở những miền xa xôi hơn.

Điều đó tạo cho tôi sự yên tâm và niềm tin cậy lớn lao. Yên tâm là mình đi đúng hướng phát triển, dù đã phát huy hết khả năng khám phá hiện thực và thử nghiệm cũng đã hết các chiêu trong nghề, theo kinh nghiệm riêng của mình, để đẩy tác phẩm, hi vọng đạt tới một giá trị nhất định, nếu còn có thể. Và kết quả đó, cho tôi một niềm tin lớn lao. Đó là công cuộc Đổi mới đất nước sau năm 1986 là có thật. Có thật trong khuynh hướng tư tưởng ở một thời kì đầy các thử thách.

Có thật trong việc chấp nhận mọi thi pháp, mọi cá tính sáng tạo. Nó cho phép chúng ta, ở trong nước, thậm chí như tôi, một gã nhà quê ở tỉnh lẻ xa xôi, không biết đi xe máy, không biết ngoại ngữ, không biết dùng điện thoại thông minh, cũng không có quan hệ với ai ở nước ngoài, vẫn có thể viết được những tác phẩm, từ vùng đất một địa phương, đến được với nhiều bạn đọc, nói các ngôn ngữ khác nhau.

- Lối sống giản dị, tiết kiệm của ông cần tu rèn thế nào và nhằm mục đích gì trong cuộc sống hàng ngày?

- Xưa nay chúng ta thường chỉ nghĩ đến tiết kiệm tiền, không quan tâm đúng mức đến cái tiết kiệm lớn nhất là tiết kiệm thời gian, nghĩa là tiết kiệm sự sống. Điều này tôi học ở Xuân Diệu.

Tôi ngồi chờ Xuân Diệu ở căn phòng của ông (tôi là một trong số người, được Xuân Diệu bảo U già - người giúp việc - cho phép được vào ngồi trong đó, chờ ông về). Bước vào nhà, ông hỏi: “Em bao nhiêu tuổi”.

Nghe câu trả lời, ông bảo: “Trời ơi! Em sướng thế, còn mênh mông thời gian ở trên đầu. Anh đâu có được vậy. Em thấy đấy: Anh về, cái áo cần mắc ở giá áo, anh cởi ra là mắc lên luôn, không bao giờ tiện tay vắt lên thành ghế, rồi sau đó, lại phải mất thêm thời gian đưa nó từ ghế lên mắc áo…”.

Cho đến nay, tôi vẫn luôn làm theo lời dạy này của thầy tôi. Tôi đến nhà Chế Lan Viên. Ông tiếp tôi như tiếp một người học trò còn nhiều vụng dại. Tôi thấy trên bàn uống nước, có một mảnh giấy trắng, chữ viết tay của ông, lồng dưới tấm kính không biết từ bao giờ, chữ đã nhạt màu: “Tôi rất bận. Xin không ngồi quá 10 phút”. Tôi hiểu, các bậc thầy tiết kiệm thời gian như thế nào.

Tôi có câu thơ: “Một phút trôi đi, không thể tìm lại được”. Tôi hiểu vì sao ở nước ngoài, người đi đường, thường cầm tay một quyển sách cỡ vừa, tranh thủ đọc lúc lên xuống thang cuốn dài dằng dặc trong siêu thị hay trong nhà ga sân bay…

cong phu la o ngoai tho (4).jpg
cong phu la o ngoai tho (3).jpg
Một số tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài. Ảnh: NVCC

Tôi dành đủ thời gian cần thiết để đi bộ (mùa Đông) hay tắm biển (mùa Hè), còn lại là làm việc và ngủ, tuyệt đối không rượu chè cà phê thuốc lá, xem bóng đá hay phim truyện. Những thứ này đều hấp dẫn, nhưng nó sẽ tiêu mất quá nhiều thời gian – sự sống của chính mình.

Trừ khi cần tiếp bạn ở xa về thăm, còn không ai thấy tôi có mặt ở các quán xá bao giờ. Cứ 8 giờ 30 tối, tôi đi ngủ, khoảng 2 giờ hay 2 giờ 30 sáng, tôi dậy làm việc… Có 3 bản trường ca, tôi viết xong trong vài buổi sáng như thế. Công việc hàng tuần, tôi ghi ra giấy để ngay trước mặt và đảm bảo thời gian xong từng việc như đã ghi. Có lúc đang làm việc, bà xã tôi vào.

Tôi nói ngay: “Mình tha lỗi cho tôi. Mình chỉ hỏi một câu là có khi tôi hỏng việc cả một ngày”. Bà ấy ra ngoài rất không vui, nhưng giờ đã quen. Số tiền dành dụm được, tôi công đức cho dòng họ Trần Điền Trì ở làng tôi, và tặng 2 trường phổ thông làm Giải thưởng hằng năm cho các cháu học sinh giỏi. Số tiền cũng không nhỏ đâu. Bạn hỏi: “Nhằm mục đích gì ư?”.

Xin thưa: Có ích! Sống và làm việc cố gắng để có ích cao nhất cho mình và cho mọi người có liên quan, nếu còn có thể. Sáng tác của tôi cũng thế. Đó là nguyên tắc tối thượng ở mọi trang viết của tôi.

Sau năm nay (2024), tôi 81 tuổi, sẽ cố gắng buông bỏ dần… để nghỉ ngơi và bất cứ lúc nào cũng thong dong: “Chào 6 bậc thang hoa, để lão bước lên GIỜI!”. Bạn hiểu, 6 “bậc thang hoa” ấy, là cái gì rồi (6 mảnh gỗ của cái quan tài).

- Ông có thể chia sẻ bí quyết thành công của mình với các tác giả thơ trẻ và những người đam mê làm thơ, muốn theo đuổi con đường văn học?

- Các tác giả trẻ bây giờ có những thuận lợi rất lớn mà thế hệ tôi, có nằm mơ cũng không thể có được. Trước hết, các bạn đã ra khỏi tầm kiểm soát của những viên đạn và chớp bom. Đất nước tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đang phát triển và từng bước hội nhập quốc tế.

Đó là hồng phúc của cả một dân tộc dành cho các bạn. Các bạn được học hành bài bản nghiêm chuẩn từ nhỏ, biết ngoại ngữ, lại biết sử dụng các công nghệ tiện ích. Các bạn như con chim tự do bay trong bầu trời của chính mình. Các bạn viết cái gì tùy ý, viết thế nào tùy tài, theo xu hướng nghệ thuật nào tùy tâm.

Và, tuyệt vời thay, chỉ một ấn phím vi tính, 10 giây, có khi ngắn hơn, bản thảo các bạn đã đến các nhà xuất bản uy tín nhất của các quốc gia. Không một tài năng thật sự nào bị bỏ lại. Không một tác phẩm đạt đến một giá trị chân chính nào, bị vất ở phía sau.

Không phải đợi đến sau lúc chết nhiều năm, tên tuổi mới được sống lại. Như con thuyền lúc hạ thủy, đôi khi sóng nước có chòng chành, cũng là điều bình thường, nhưng rồi cũng yên hàn. Những vụ án văn chương xưa, chỉ còn lưu lại như một bài học kinh nghiệm có ích, cho các tác giả và cho cả các nhà quản lí.

Nhưng có lẽ vì chính thế chăng, mà một số cây bút hiện nay, ngay khi còn trẻ, đã rất chủ quan, quá tự yêu mình mà quên cả bạn đọc… Thời gian sẽ ủng hộ các bạn, để các bạn tự điều chỉnh. Nếu có một lời chia sẻ thì đây là bài học, mà tôi tiếp nhận được từ các bậc tiền bối: Hãy cúi mặt xuống mà viết để máu mình dễ hòa vào các con chữ, hãy điểm chỉ tâm hồn riêng của mình – các dấu vân tay của trí tuệ mình - vào các biểu tượng nghệ thuật, đánh cược cả cuộc đời đầy sóng gió và phiền muộn của mình vào từng trang bản thảo…

Đừng nôn nóng những lời khen, những xôn xao quá về các giải thưởng. Tốt nhất, hãy quên nó đi, những cốc nước đường mộng mị. Rồi lặng lẽ và rất đàng hoàng, Thời Gian sẽ gọi đến tên bạn. Và tác phẩm của bạn, rất có thể, sẽ thay bạn mà sống đến nhiều trăm năm sau, khi bạn chỉ còn phảng phất như một làn gió vô danh…

- Thời gian tới, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tiến hành mùa kết nạp hội viên mới. Theo ông, việc thường niên này cần có những đổi mới gì để phù hợp với giai đoạn hiện nay?

- Để tôi nhớ lại, dạo tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn như thế nào. Một chiều, đầu năm 1982, tôi bỗng nhận được thư đánh máy của Hội Nhà văn, chỉ vẻn vẹn có nửa trang pôluya cắt rời, giấy rất mỏng: “Kính gửi anh Trần Nhuận Minh. Nhà thơ Tế Hanh trước khi sang Pháp chữa mắt, có gửi lại thư cho nhà văn Nguyễn Đình Thi, Tổng Thư kí và Ban chấp hành Hội, đề nghị kết nạp anh vào Hội Nhà văn. Thư được đọc trong cuộc họp và BCH, căn cứ vào thư của nhà thơ Tế Hanh, thấy anh đủ điều kiện vào Hội lần này. Mời anh đến văn phòng Hội làm các thủ tục cần thiết”.

Cuối thư đề ngày tháng và kí tên Bùi Hiển, tôi nhớ dưới có dòng chữ Trưởng ban sáng tác và dấu của Hội đóng treo ở trên, góc trái. Tôi lên Hội, 65 Nguyễn Du, Hà Nội, cạnh cửa bên trái là phòng làm việc của Ban Nhà văn Trẻ, dịch giả Lê Xuân Giang trực.

Anh Giang bảo: Ban Nhà văn Trẻ cũng có văn bản giới thiệu anh với Ban chấp hành, nhưng ý kiến của Ban chỉ để xem xét thôi, không thay lời giới thiệu được. Anh Tế Hanh là người giới thiệu thứ nhất, anh cần một nhà thơ nữa giới thiệu.

Lê Xuân Giang đưa cho tôi tờ A4 và tôi mượn bút của anh Giang viết đơn luôn, chữ khoảng 2/3 trang, đại khái: Tên tuổi, nơi sinh, nơi làm việc, tác giả 2 tập thơ: “Đấy là tình yêu” (1971), “Âm điệu một vùng đất” (1980), có nguyện vọng được vào Hội, để học tập, hi vọng làm thơ sẽ hay hơn. Kí tên. Còn chưa biết tìm ai giới thiệu thì may sao Bằng Việt đến.

Nghe tôi nói, anh Bằng rất vui đồng ý luôn, anh viết thêm mấy dòng rồi kí tên. Khoảng 10 hay 15 ngày sau, tôi nhận được Quyết định của Hội Nhà văn (1982), đánh máy cũng chỉ có một nửa trang pôlua cắt rời, như lần trước, với vài dòng, do Nhà văn Bùi Hiển kí, đề dưới Ủy viên Ban thường vụ, Thường trực Hội và dấu Hội đóng vào chữ kí, công nhận tôi là Hội viên dự bị của Hội.

Năm sau (1983), tôi nhận được Quyết định công nhận tôi là Hội viên chính thức của Hội, do nhà văn Hữu Mai, Ủy viên Ban Thư kí, Thường trực Hội kí, cũng chỉ có vài dòng đánh máy trên nửa trang giấy pôluya rất mỏng: “Từ nay, anh là Hội viên chính thức của Hội, được hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của Điều lệ Hội”. Tất cả chỉ có thế, giản dị, nhẹ nhõm, an lành, trong veo và cũng rất trang nhã.

Một hai chục năm nay, việc kết nạp Hội “hoành tráng” hơn nhiều, lí lịch dài dòng, kê khai nhiều cấp kí tên đóng dấu, quyết định kết nạp in rất sang, ngày trao có nhiều hoa và nhiều người dự, báo chí chào mừng, cũng lắm lời ra tiếng vào, và một số nhà văn, sau ngày kết nạp, đến nay là rất nhiều năm, không viết thêm được một chữ nào nữa…

Tôi nghĩ, mỗi thời mỗi khác và không bình luận. Có điều mừng là, rất nhiều tác giả tha thiết muốn vào Hội, thế là tốt. Hội vẫn có sức hấp dẫn. Nhưng nói cho cùng, vào Hội hay không, có quan trọng gì lắm đâu.

Cái chính là, có sức sáng tạo không, có viết hay hơn được nữa không? Nhiệm vụ sinh tử và giá trị cốt lõi, của nhà văn là phải viết hay. Chỉ có viết hay, mới xứng với vinh dự Nhà văn, dù ở trong hay ngoài Hội. Nhưng hay là thế nào, ta sẽ bàn vào một dịp khác. Và như thế, ở đây, công phu lại là ở trong thơ.

- Trân trọng cảm ơn nhà thơ!.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.