Chiến khu Ba Lòng và hai nhà thơ trẻ Trị Thiên

GD&TĐ - Năm 1947, hai chiến sĩ là hai nhà thơ rất trẻ: Hải Bằng 17 tuổi, quê Thừa Thiên và Tấn Hoài 19 tuổi, quê Quảng Trị gặp nhau nơi chiến khu Ba Lòng.

Từ trái qua: Nhà thơ Hải Bằng, nhà văn Nguyễn Khắc Thứ, nhà thơ Tấn Hoài (Trần Quốc Tiến). Ảnh tư liệu: Nguyễn Phước Hải Trung (con trai nhà thơ Hải Bằng) cung cấp
Từ trái qua: Nhà thơ Hải Bằng, nhà văn Nguyễn Khắc Thứ, nhà thơ Tấn Hoài (Trần Quốc Tiến). Ảnh tư liệu: Nguyễn Phước Hải Trung (con trai nhà thơ Hải Bằng) cung cấp

Họ rất thân nhau, quý nhau, như đôi bạn tri kỷ tri âm. Vậy nên, Hải Bằng đã giới thiệu hai người rất đời thường thân mật: “Mi Tấn Hoài tức là Trần Quốc Tiến/ Tao Văn Tôn rồi cũng gọi Triều Dương” (Hải Bằng).

Giữa mùa Hè 1952, Hải Bằng và Trần Quốc Tiến được lệnh chia tay chiến khu, chuẩn bị về Trung đoàn 95 theo mùa chiến dịch. Hai nhà thơ trẻ thật lãng mạn, cùng hẹn nhau gửi lại chiến khu một kỷ vật, một lời chia tay nồng nàn yêu thương, đó là hai bài thơ cùng tựa đề “Trăm năm rừng cũ”. Làm xong, họ cùng nhau cất kỹ vào hũ sành chôn ở bờ sông Ba Lòng.

May là, hai bài thơ “Trăm năm rừng cũ” (bài của Hải Bằng gồm 36 khổ thơ, bài của Tấn Hoài gồm 24 khổ thơ) ấy luôn sống trong tâm trí hai nhà thơ, nên độc giả hôm nay có thể trò chuyện đơn phương cùng họ qua thơ.

Nỗi niềm chung của hai nhà thơ là ai cũng nhất định rằng họ sẽ trở lại:

“Chiều hôm nay ta trở về rừng cũ/ Viết vào đây để lại trăm năm sau” (Hải Bằng); “Và trăm năm sau - ta lại về - chắc hẳn/ Ta sẽ về thăm lại chiến khu xưa” (Tấn Hoài).

Trở lại vì: “Chúng con nguyện giữ nguồn tin của mẹ/ Đến ngày về mang lời hẹn về theo/ Xiết tay nhau, Bình Trị Thiên hùng vĩ/ Núi Ba Lòng nuôi ánh mắt tin yêu” (Hải Bằng) và để: “Ôn những phút mộng mơ đời lính trẻ/ Một chiếc ba lô, một núi lửa trong lòng” (Tấn Hoài).

Nhà văn Nguyễn Quang Hà từng bình câu thơ này rất hay: “Bằng câu thơ “Một chiếc ba lô, một núi lửa trong lòng”, nhà thơ đã phác họa chân dung người lính trẻ thật đáng yêu: Giản dị với “một chiếc ba lô” màu xanh trận, có lệnh là sẵn sàng lên đường; với hình tượng “một núi lửa trong lòng” điệp từ “một” được tung hứng thăng hoa thành nhiều ý nghĩa: Một trái tim đang hòa cùng cuộc kháng chiến, một nhiệt huyết căng tràn như núi lửa chực phun trào, một bản lĩnh kiên cường luôn tiến về phía trước và có cả một niềm yêu đời yêu người lãng mạn tha thiết mặn nồng”.

Yêu nhất là trái tim tuổi 20 của hai chàng lính trẻ, hai nhà thơ rất trẻ. Họ thật hồn nhiên nhưng rất có ý thức: “Chiến khu ơi, sao trời hay lá biếc/ Muôn mắt nhìn đau đáu phía quê hương/ Con nợ mẹ già đêm tiễn biệt/ Bóng tre quằn vẫy gọi đến tiền phương” (Tấn Hoài) và lãng mạn, yêu cuộc đời, lạc quan ngời ngời xiết bao: “Ta theo ta, mình theo mình – bộ đội/ Tay nắm tay khiêng vũ khí qua đèo/ Chân nối chân, đầu bên mây – nắng gội/ Qua bốn mùa nghe suối chảy rừng reo!” (Hải Bằng); “Đôi dép cao su in hình nốt nhạc/ Qua một làng quê, tới một nhánh sông/... - Mũ nan áo vá - hiền như đất/ Đuổi giặc đêm ngày dẫu thiếu ăn” (Tấn Hoài).

Chỉ vài nét phác họa: “Tay nắm tay khiêng vũ khí qua đèo”, “Đôi dép cao su in hình nốt nhạc”… người chiến sĩ trong thơ hai anh thật đáng yêu, đoàn quân đi được tái hiện thật hào hùng và hào hoa.

Yêu lắm là tâm hồn trong trẻo, với tình yêu đất nước sáng như gương, sẵn sàng xả thân để bảo vệ tên chung đất nước: “Ta bước lên chiến khu năm 47/ Yêu chiến khu ta yêu lắm - tên rừng/ Khi tên ta dưới quê làng rực cháy/ Lấy tên rừng ta bảo vệ tên chung”. (Hải Bằng); “Dốc Làng Hạ, buổi mờ sương tiếng hú/ Vượn đu cành thân lính cũng tiều phu/ Chẳng quê hương vẫn nơi này quê mẹ/ Bởi non sông chung một gánh căm thù” (Tấn Hoài).

Ảnh tư liệu hình bìa hai tập thơ nhỏ (1995, tác giả tự trình bày để làm kỷ niệm). Ảnh tư liệu: Trần Quỳnh Thi (con gái nhà thơ Trần Quốc Tiến) cung cấp

Ảnh tư liệu hình bìa hai tập thơ nhỏ (1995, tác giả tự trình bày để làm kỷ niệm). Ảnh tư liệu: Trần Quỳnh Thi (con gái nhà thơ Trần Quốc Tiến) cung cấp

Vậy nên có hề gì bao khó khăn, gian khổ, hy sinh: “Ôi chiến khu chẳng bao giờ vợi nhớ/ Mái tranh nghèo, cơm sắn với ngô bung/ Hạt muối quý hơn vàng, như trộn máu/ Máu đồng bằng hòa lẫn máu dân công” (Tấn Hoài); “Dép cao su bền bước đi vĩnh cửu/ Thúc đường dài mau đến tận niềm tin (Hải Bằng).

Hai nhà thơ trẻ măng này còn muốn gửi tình yêu thiêng liêng đến với hậu duệ, với thế hệ tương lai: “Thơ say viết trọn lời tha thiết/ Nối những ngày mai, những sớm mai (Tấn Hoài); “Cháu chắt ơi! Cố là Tôn – thi sĩ/ Của rừng xanh từ độ ấy – trăm năm/ Hãy nối đuôi để tô bồi thế hệ/ Cho kiếp sau thơ chẳng phai tàn” (Hải Bằng).

Độc đáo hơn nữa là cả hai đều là họa sĩ: “Mài đá suối tô màu lên vách núi/ Văn Tôn ơi, ta triển lãm với rừng/ Cơn lũ đến nửa chiều dâng “nước khách”/ Bỗng nhớ về nét vẽ - mắt rưng rưng”. Yêu làm sao cách hai họa sĩ trò chuyện với nhau bằng tranh: “Văn Tôn ơi, ta triển lãm với rừng”.

Người đọc khó thể biết họ vẽ gì lên vách núi, màu đá suối là màu gì, nhưng với bốn dòng thơ trên Tấn Hoài cho ta cảm nhận bức tranh thật đặc biệt, thật hùng vĩ, thật bí ẩn và hai họa sĩ thật mộng mơ, đầy khí phách. Với họ, vẽ như là một cuộc phiêu lưu cùng thiên nhiên nơi chiến khu, cao hơn mong ước đó là khát vọng thanh bình.

Đến với bài thơ “Trăm năm rừng cũ”, người đọc thấy được hành trình và tính cách của hai chàng trai: Một hoàng tộc xứ Huế (Nguyễn Phúc Vĩnh Tôn) và một chân chất Quảng Trị (Trần Quốc Tiến). Chúng ta nhận ra hai nghệ sĩ tài hoa từ khi còn rất, rất trẻ.

Cuộc triển lãm với rừng của hai nhà thơ kiêm họa sĩ, vẫn còn đó, dù cả hai đã đi vào cõi cao xanh. Hy vọng những nhà khảo cổ học mộng mơ sẽ đến Ba Lòng (Quảng Trị) khai quật hũ sành cổ có tuổi đời trên 70, cho mọi người được thưởng lãm trong một tương lai gần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.