Công nhân mất việc hàng loạt, 'về quê cũng dở, ở chẳng xong'

GD&TĐ - Công nhân ở các khu công nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM mất việc hàng loạt, nhiều người rơi vào cảnh "ở cũng dở mà về quê cũng chẳng xong".

Trong thời điểm khó khăn này, rất hiếm có thông tin tuyển dụng như này được các công ty đăng tải.
Trong thời điểm khó khăn này, rất hiếm có thông tin tuyển dụng như này được các công ty đăng tải.

Công nhân mất việc khắp nơi

“Tính đến nay, tại Bình Dương đã có 661 khu nhà trọ miễn, giảm giá cho gần 14.000 phòng trọ, với tổng số tiền hơn 4,2 tỉ đồng. Hiện đã có 71 doanh nghiệp với 16.868 đoàn viên, người lao động được phê duyệt hưởng hỗ trợ theo Quyết định 6696 của Tổng LĐLĐ Việt Nam với số tiền gần 26 tỉ đồng, trong đó 18 tỉ đồng hỗ trợ cho lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương. LĐLĐ tỉnh Bình Dương cũng đang triển khai nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho công nhân xa quê trong Tháng Công nhân 2023”, bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương thông tin.

Việc hàng nghìn người lao động phải chấm dứt việc làm tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (TPHCM) là chấm phá đầu tiên cho thấy bức tranh ảm đảm về tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, công nhân mất việc, giảm giờ làm.

Làn sóng này không chỉ ở Công ty PouYuen Việt Nam (hoạt động trong lĩnh vực da giày) mà xuất hiện ở hàng loạt công ty hoạt động trong lĩnh vực may mặc, kinh doanh, công nghiệp nặng, bất động sản… cũng buộc phải cắt giảm lao động vì khó khăn.

Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (một công ty trong lĩnh vực bất động sản) tới cuối quý I/2023, số nhân viên của tập đoàn chỉ ở mức 2.389 người, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Con số này đã giảm 1.384 người so với cuối năm ngoái và ít hơn đến 4.776 người so với cùng thời điểm này năm ngoái.

Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Nai, trong 4 tháng đầu năm 2023, có 181 doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Có 32.400 người lao động phải giảm giờ làm việc, hoặc phải cắt hợp đồng lao động do thiếu đơn hàng.

Báo cáo tình hình lao động, việc làm của Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương cũng cho thấy lượng lao động phải nghỉ việc rất lớn.

Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có 173 doanh nghiệp giảm vốn hoặc giải thể, khiến nhiều người lao động mất việc, giảm giờ làm, nghỉ không lương.

Số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2023 là 18.216 người, tăng 7,33% so với năm 2022. Trong tổng số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, có hơn 5.300 người trên 40 tuổi, tăng gần 40% so với năm 2022.

Nhiều dãy nhà trọ công nhân rơi vào cảnh đìu hiu.

Nhiều dãy nhà trọ công nhân rơi vào cảnh đìu hiu.

Xóm trọ nghèo xơ xác, hiu quạnh

Anh Nguyễn Minh Tuấn, công nhân một công ty giày da tại TP Thủ Đức, cho biết, hơn một tháng nay anh đã đi xin việc khắp nơi nhưng chưa tìm được chỗ làm. Vì vậy, mọi chi phí sinh hoạt, ăn ở, thuê phòng đều phụ thuộc vào đồng lương hơn 8 triệu đồng của vợ anh.

“Tôi xác định nếu trong tháng 6 này mà không tìm được việc thì sẽ về quê tìm cách sinh sống và phụ cho vợ một thời gian. Con tôi đang học dở lớp 4, giờ bỏ về quê và đưa cháu về cùng thì rất thiệt thòi cho cháu. Chủ trọ thấy hoàn cảnh khó khăn cũng đã giảm tiền thuê nhà cho 20%, nhưng thật sự cuộc sống rất bí bách”, anh Tuấn nói.

Chị Nguyễn Thảo My, quê Thanh Hóa bị mất việc cách đây 3 tuần, nhưng con đường tìm việc của chị lại vô cùng vất vả. Chồng bị tai nạn lao động 2 năm trước, nên phải ở nhà buôn bán nhỏ phụ vợ. Hiện gần như cuộc sống của vợ chồng chị My và 2 con nhỏ đang còn đi học đều phụ thuộc vào lương vị trí chuyền trưởng của chị.

Hiện khu vực chị My sinh sống ở TP Dĩ An, Bình Dương, các công ty cũng đang cắt giảm lao động rất nhiều, nên chị đang tính chuyển trọ về quận Gò Vấp, TPHCM để kiếm việc khác.

“Hai đứa con đang học lớp 3, mức chi phí sinh hoạt hàng tháng cũng không hề nhỏ. Nhưng công cuộc xin việc hơn 2 tuần nay rất khó khăn vì người đi tìm việc nhiều hơn nhu cầu tuyển. Việc học của các con thì không thể dừng, nên hai vợ chồng tính chuyển về thành phố xin việc ở công ty khác”, chị My nói.

Sau làn sóng thất nghiệp của công nhân, vỉa hè TPHCM xuất hiện thêm nhiều quán nước.

Sau làn sóng thất nghiệp của công nhân, vỉa hè TPHCM xuất hiện thêm nhiều quán nước.

Chị Lê Ngọc Lành, quê tỉnh Thái Bình chuyển hướng mưu sinh bằng việc bán nước sau khi bị mất việc.
Chị Lê Ngọc Lành, quê tỉnh Thái Bình chuyển hướng mưu sinh bằng việc bán nước sau khi bị mất việc.

Nửa muốn bám trụ, nửa muốn buông

Tại khu trọ trong khu công nghiệp Linh Trung, TP Thủ Đức có rất nhiều công nhân từ các tỉnh phía Bắc vào TPHCM lập nghiệp.

Nhiều công nhân trẻ rơi vào tình cảnh bị cắt giảm việc làm có thời hạn để nhường chỗ làm ít ỏi còn lại cho các anh chị có thâm niên trong công ty và có gia đình.

Chị Trần Thị Thái Lương, 25 tuổi, quê Quảng Bình, làm việc tại Công ty in ấn Thắng Hà cho biết, hiện nhóm công nhân trẻ phải tạm nghỉ việc có thời hạn (2 - 3 tháng, có hỗ trợ) để chờ khi có đơn hàng trở lại thì tiếp tục làm việc.

“Em đã ở nhà hơn một tháng, ngoài việc chi phí sinh hoạt ngày càng cạn kiệt thì việc ở không suốt ngày trong nhà cũng khiến bản thân cảm thấy rất ức chế. Em tính khoảng 1 tuần nữa mà mọi thứ đều không có sự thay đổi thì em sẽ theo chân chị bạn phòng kế bên ra đường buôn bán vặt kiếm sống qua ngày. Chứ giờ về quê cũng rất khó, mà cha mẹ em lớn tuổi rồi nên cũng rất áp lực”, chị Lương nói.

Chủ động chuyển hướng mưu sinh ngay sau khi nhận được quyết định sa thải bằng bán nước tại vỉa hè trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh, chị Lê Ngọc Lành, quê tỉnh Thái Bình cho biết, buộc phải bám trụ thành phố để lo việc học hành cho đứa con đang thi vào lớp 10.

“Công việc buôn bán cũng chưa thuận lợi lắm, nhưng cũng có đồng ra đồng vào để trang trải cơm cháo cho gia đình, mong là mọi thứ sẽ dần ổn định lại để mọi người cùng bớt cực khổ”, chị Lành tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.