Doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giải pháp nào cho lao động mất việc?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội, tính đến gần cuối quý II/2023, tình trạng thiếu đơn hàng của các doanh nghiệp tiếp tục kéo dài.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội, tính đến gần cuối quý II/2023, tình trạng thiếu đơn hàng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ… vẫn đang tiếp diễn và càng khó khăn hơn. Trước thực trạng này, Chính phủ, các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực để duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động (NLĐ).

Thiếu đơn hàng dự báo sẽ kéo dài

Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra nhận định, nếu tình trạng này không được cải thiện, nguy cơ sa thải lao động sẽ diễn ra trên diện rộng. Trong khi đó, nhiều cơ quan, tổ chức nghiên cứu cũng đánh giá, tình trạng thiếu đơn hàng của doanh nghiệp có thể sẽ kéo dài đến năm 2024 và đời sống của không ít công nhân lao động sẽ khó càng thêm khó.

Theo thông tin của Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội, 5 tháng đầu năm 2023, thành phố đã giải quyết việc làm mới cho gần 86 nghìn lao động (đạt 52,9% kế hoạch). Tuy vậy, so với cùng kỳ năm 2022, khi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, con số này lại giảm gần 11 nghìn người.

Nguyên nhân được đánh giá là do sự tác động từ cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, khí đốt tăng cao, lãi suất vay vốn trong nước cao… dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn. Bên cạnh đó, các ngân hàng thắt chặt giải ngân, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Do vậy trong 5 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, dẫn đến việc cắt giảm nhân công, giảm việc làm mới.

Trong khi đó, nhiều nguy cơ sẽ có làn sóng sa thải NLĐ tiếp diễn ở những tháng cuối năm 2023 là kết luận vừa được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đưa ra sau kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn. Trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm.

Đáng chú ý, tỉ lệ doanh nghiệp ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%, tỉ lệ tạm ngừng kinh doanh là 12,4%. Chỉ có 13,5% doanh nghiệp cho biết sẽ giữ nguyên quy mô. Đây là con số đáng báo động và tương đồng với báo cáo của Tổng cục Thống kê khi 4 tháng đầu năm cả nước có 77.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 25,1% so với cùng kỳ 2022. Bình quân mỗi tháng có trên 19.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Các khó khăn, thách thức lớn nhất doanh nghiệp đang phải đối mặt là khó khăn về đơn hàng (59%), khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51%)…

Cách đây ít ngày, trong báo cáo gửi Chính phủ về tình hình các đợt cắt giảm khoảng 8.000 lao động tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH cũng dự báo trong thời gian tới, các vấn đề về kinh tế, lạm phát, giá năng lượng, xung đột Nga - Ukraine... không được cải thiện thì nguy cơ cắt giảm lao động số lượng lớn sẽ tiếp tục diễn ra ở nhiều doanh nghiệp.

Ngày 26/5, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản 3794/VPCP-KGVX gửi Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về việc xử lý thông tin báo chí nêu về lao động bị ảnh hưởng từ việc cắt giảm đơn hàng. Theo đó, thông tin báo chí nêu từ tháng 9/2022 - 3/2023, đã có 560 nghìn NLĐ bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm đơn hàng. Trong đó, có đến 55 nghìn lao động ra khỏi khu vực lao động (chấm dứt hợp đồng). Bên cạnh những giải pháp tình thế, những chính sách dài hạn là rất cần thiết trong hỗ trợ NLĐ. Do đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất chính sách trước mắt và lâu dài để hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng từ việc cắt giảm đơn hàng.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Giải bài toán lao động mất việc thế nào?

Để xây dựng các chính sách hỗ trợ NLĐ một cách bền vững, lâu dài theo bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chính quyền địa phương cần có những biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp như giãn nợ thuế, ưu đãi thuế... Bên cạnh đó là các chính sách về tín dụng cho doanh nghiệp cũng như NLĐ.

Để hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ, ông Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã đưa ra những giải pháp cụ thể. Theo đó, trong hoàn cảnh này, các chính sách về thị trường lao động và an sinh xã hội là hết sức quan trọng. Chúng ta cần có giải pháp để giúp doanh nghiệp cầm cự, mở rộng thị trường và có thêm đơn hàng. Ngoài ra, cũng cần có những gói hỗ trợ NLĐ và doanh nghiệp như trong thời gian dịch bệnh để giúp doanh nghiệp tiếp tục cầm cự, giữ chân NLĐ, có các nguồn tín dụng để trả lương.

Với những lao động mất việc làm, cần có chính sách hỗ trợ để họ có nguồn thu nhập tối thiểu. Hiện nay, chúng ta có thể huy động từ nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo cho NLĐ để họ học thêm những kỹ năng mới và tìm kiếm việc làm ngắn hạn.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua như gói hỗ trợ tín dụng 2% hiện nay giải ngân vẫn rất thấp. Chúng ta cần giải ngân cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có nguồn vốn duy trì sản xuất, chỉ khi sản xuất được duy trì mới tạo ra công ăn việc làm cho NLĐ. Trong các chính sách về thị trường lao động, vấn đề quan trọng nhất là làm sao đảm bảo thị trường lao động linh hoạt hơn, giảm thiểu thời gian chờ việc, giảm thiểu thời gian NLĐ thất nghiệp, kết nối nhanh cho NLĐ tiếp cận việc làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ