Mất việc, người lao động chọn trợ cấp một lần hay lương hưu?

GD&TĐ - Khi mất việc, nhiều người lao động băn khoăn giữa nhận BHXH một lần và lương hưu.

Công nhân lấy số thứ tự làm thủ tục rút BHXH một lần tại BHXH huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: Huế Xuân
Công nhân lấy số thứ tự làm thủ tục rút BHXH một lần tại BHXH huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: Huế Xuân

Mong lương hưu bảo đảm mức sống tối thiểu

Bộ LĐ-TB&XH vừa thông tin về những thay đổi về tuổi nghỉ hưu và lương hưu của người lao động (NLĐ) từ năm 2023. Theo đó, vào năm 2023, tuổi nghỉ hưu của NLĐ sẽ tăng lên.

Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu năm 2023 được tính như sau: Lao động nữ, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Lao động nam, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH là 20 năm, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Để có tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa năm 2023 là 75% thì lao động nữ nghỉ hưu năm 2023 phải đóng đủ 30 năm BHXH trở lên, còn lao động nam nghỉ hưu năm 2023 đóng đủ 35 năm BHXH trở lên…

Góp ý dự án Luật BHXH (sửa đổi), tại buổi đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV TPHCM phối hợp Liên đoàn Lao động TPHCM tiếp xúc với công nhân lao động mới đây, chị Trần Thị Hạnh, Công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đưa ra kiến nghị, quy định về mức hưởng lương hưu tại Điều 73 của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) chỉ 75% là thấp.

Theo chị Hạnh, mức lương hưu phải bảo đảm mức sống tối thiểu. BHXH không thể áp dụng mức trích nộp lúc ban đầu tham gia để tính bình quân cho mức đóng hiện tại. Chị Hạnh đề nghị, BHXH nên quan tâm NLĐ áp dụng mức sống lúc về hưu là bảo đảm đời sống cơ bản để tính toán. Không thể áp dụng mức đóng của năm 2000 để tính mức sống của năm 2023.

Nhiều công nhân lao động đang làm việc ở quận Bình Tân, huyện Củ Chi, TPHCM cũng đưa ra kiến nghị giữ nguyên mức rút BHXH một lần như cũ. Bởi nhiều công nhân làm việc trong môi trường độc hại, nặng nhọc khó có thể làm đến tuổi nghỉ hưu. Thêm nữa, có trường hợp trên 45 tuổi bị mất việc, đi xin việc thì không có ai nhận vì lớn tuổi… đây cũng là lý do khiến họ muốn rút BHXH một lần vì gặp khó khăn thật sự.

Cùng nỗi băn khoăn, trong một chương trình góp ý dự án Luật BHXH (sửa đổi), bà Trương Thị Kiều Như, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Sankyo cho hay, công nhân đi làm ai cũng muốn nhận được lương hưu để sau này không phải phụ thuộc con cháu.

Tuy nhiên, giữa nhận BHXH một lần và lương hưu, họ vẫn chọn nhận BHXH một lần vì họ chưa thấy lợi ích khi lĩnh lương hưu. Bởi tuổi hưu chưa đến, tuổi nghề đã hết là hoàn cảnh của NLĐ ở khu vực ngoài Nhà nước.

Bà Như đặt vấn đề, sau 40 tuổi, NLĐ có nơi đã bị các doanh nghiệp luân chuyển và sa thải. Vừa mất việc làm trong khi chưa đủ điều kiện nhận lương hưu thì NLĐ sống bằng gì?

Tính lương hưu sao cho phù hợp, hấp dẫn

Nhiều doanh nghiệp chỉ ra Luật BHXH cần thiết kế mức đóng, hưởng phù hợp từng đối tượng ở các ngành nghề để tạo động lực cho người tham gia.

Tại chương trình đoàn ĐBQH khóa XV TPHCM phối hợp Liên đoàn Lao động TPHCM tiếp xúc với 300 cử tri, ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) cho rằng, giảm số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống còn 15 năm của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nhằm mục đích tăng số lượng người được hưởng chế độ hưu trí và giảm số lao động rút BHXH một lần.

Tuy nhiên, theo ông An, đa phần NLĐ hiện nay xem khoản đóng BHXH là khoản tích lũy và sẽ rút ra bằng mọi giá. Do vậy, dù giảm số năm đóng BHXH xuống còn 10 năm thì khi làm việc được 9 năm NLĐ cũng sẽ nghỉ việc và rút BHXH một lần. Nên việc giảm số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí nhằm hạn chế NLĐ rút BHXH một lần là không khả thi.

Cũng tại chương trình này, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, đưa ra dẫn chứng một phó chủ tịch Công đoàn cơ sở tại một doanh nghiệp lớn sau 20 đóng BHXH chỉ nhận được mức lương hưu khoảng 2,7 triệu đồng/tháng. Với khoản lương hưu ít ỏi đó, sau khi nghỉ hưu, họ phải tiếp tục đi làm mới đủ sống. Đây cũng là một trong những lý do khiến NLĐ không mặn mà với lương hưu mà chọn rút BHXH một lần.

Trong Chương trình Đối thoại tháng 5 với chủ đề “BHXH với doanh nghiệp và NLĐ”, góp ý phương án giảm số năm đóng BHXH để nhận lương hưu trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam, cho rằng việc giảm số năm đóng BHXH nhưng vẫn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu là không hợp lý. Thực tế, các doanh nghiệp thâm dụng lao động luôn tìm mọi cách cho lao động lớn tuổi nghỉ việc và thay bằng lao động trẻ. Mất việc trong khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu nên không ít lao động lớn tuổi xin đi làm thời vụ để chờ rút BHXH một lần.

Theo ông Hồng, khi mất việc, vừa có thể nhận trợ cấp thất nghiệp vừa nhận được BHXH một lần là sự lựa chọn của số đông NLĐ. Cho thấy rõ ràng, Luật BHXH hiện hành bộc lộ quá nhiều bất cập và điều này khiến NLĐ không an tâm.

Ông Hồng cho rằng, do lương hưu quá thấp nên NLĐ tìm cách rút BHXH một lần. Do đó, ông Hồng đề xuất, để giữ NLĐ ở lại hệ thống an sinh, cần tính toán mức lương hưu hợp lý, thấp nhất phải bằng mức lương tối thiểu vùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.