Công nghệ để phục vụ con người

GD&TĐ - Trong năm 2019, việc chi trả bảo trợ xã hội bằng phương thức điện tử được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai thí điểm ở huyện Quảng Uyên và Thạch An (Cao Bằng). 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Kết quả, sau 6 tháng, 50% người thụ hưởng tại huyện Thạch An có tài khoản ngân hàng, 100% người thụ hưởng tại huyện Quảng Uyên có tài khoản số. Người thụ hưởng đã có thể sử dụng thông suốt tài khoản của mình và các phương thức thanh toán khác.

Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích, như giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại cho người thụ hưởng; hỗ trợ kịp thời, tiện lợi và đúng đối tượng. Về lâu dài, cách làm này còn giúp các đối tượng thụ hưởng tiếp cận với các dịch vụ tài chính công bằng và minh bạch hơn. Với những ưu điểm này, thanh toán điện tử trong thực hiện các chương trình trợ giúp xã hội là xu thế nhiều quốc gia đang áp dụng.

Tuy nhiên, ở nước ta, việc triển khai chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt gặp phải khá nhiều rào cản. Cụ thể, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng và mức độ sử dụng dịch vụ tại chi nhánh ngân hàng, máy ATM của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á trong khi mô hình đại lý ngân hàng chưa được phép hoạt động.

Bên cạnh đó, các ngân hàng tập trung chủ yếu ở vùng thành thị, trung tâm. Vì thế, người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa - phần lớn không có tài khoản ngân hàng, mà nếu có thì họ cũng khó có thể rút tiền khi không có máy ATM. Nhiều vụ việc báo chí đã phản ánh, trong đó có chuyện giáo viên ở huyện miền núi Sơn Tây, Quảng Ngãi muốn lĩnh lương phải trèo đèo lội suối vượt qua chặng đường 60km mới có được “cây ATM”.

Tâm lý ngại mất phí khi sử dụng và thiếu các hồ sơ pháp lý cũng tác động rất lớn đến việc mở tài khoản ngân hàng của một bộ phận người dân.

Sử dụng công nghệ trong tất cả lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có việc các cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ hành chính công thông qua con đường trực tuyến là bước đi tất yếu. Cũng vậy, chi trả an sinh xã hội theo hình thức điện tử là điều sớm muộn cũng phải làm.

Tuy nhiên trong tiến trình đó cần lường trước và tính toán đến khả năng thực hiện các dịch vụ trực tuyến của đối tượng nhận chi trả an sinh xã hội – vốn có quy mô không nhỏ và hầu hết là các đối tượng yếu thế hơn (người già; người nghèo; thương bệnh binh), khó sử dụng tài khoản ngân hàng hoặc là vùng núi, vùng sâu, vùng xa… 

Cụ thể, báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, 30% dân số là đối tượng cần sự trợ giúp.

Trong đó có hơn 1,4 triệu người cao tuổi; khoảng 1,4 triệu người hưởng trợ cấp, người có công với cách mạng; 6,2 triệu người khuyết tật; trên 9 triệu người có vấn đề về sức khỏe tâm thần; 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có khoảng 3,75% hộ nghèo, 4,55% hộ cận nghèo; hơn 3,1 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm.

Ngoài ra còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.

Công nghệ rốt cuộc cũng chỉ là phương thức phục vụ con người tốt hơn. Vì thế, việc chi trả an sinh xã hội qua phương thức điện tử cần được thiết kế theo một lộ trình phù hợp và có biện pháp hỗ trợ sát hơn ở cấp độ địa phương để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

GD&TĐ - Các nhóm quân Nga từ phía đông, phía nam và phía bắc đang thắt chặt vòng vây quanh nhóm quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở thành phố Kurakhove.