(GD&TĐ) - 5 năm thực hiện phong trào xây dựng Trường học thân thiện - Học sinh tích cực tuy chưa phải là dài nhưng đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đi đến bất kỳ trường học nào của tỉnh Vĩnh Long ta đều nhận thấy một môi trường sư phạm với những mối quan hệ thân ái giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau…
Xã hội chung tay
GD là sự nghiệp của toàn xã hội, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội nhưng chưa bao giờ việc tham gia của xã hội vào trường học lại mạnh mẽ, thiết thực như những năm vừa qua. Có được phong trào như vậy, ngành GD Vĩnh Long đã huy động được sự tham gia của các ban ngành từ tỉnh đến huyện, xã thông qua việc lập danh sách các trường học, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ. Ngoài ra, Đài Phát thanh- Truyền hình có chương trình Thắp sáng ước mơ, Hội Khuyến học có quỹ học bổng Trần Đại Nghĩa, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng.
Hàng năm, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên và chính quyền huyện, xã cũng vận động các mạnh thường quân hỗ trợ cặp sách, vở, học bổng cho học sinh nghèo học giỏi vào đầu năm học hay khi năm học kết thúc.
Không chỉ nhận được sự quan tâm của chính quyền, bản thân các trường học cũng phân hóa học sinh để có kế hoạch hỗ trợ kịp thời thông qua các phong trào Nuôi heo đất, nuôi gà hỗ trợ bạn gặp khó khăn. Với học sinh gia đình quá khó khăn, từng trường sẽ đề nghị Hội Khuyến học làm đầu mối kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng.
Nhờ sự chung sức, đồng lòng của cả xã hội, tính đến hết năm học 2012 - 2013, số học sinh đi học thường xuyên tăng 2,1%. Dù là học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh dân tộc đều đến trường trong trang phục tươm tất, đủ sách vở và tích cực học tập. Với học sinh THPT, hiện toàn tỉnh có trên 50% trường có bữa ăn trưa miễn phí cho học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp…
Sân chơi sáng tạo cho trẻ ngày càng được mở rộng |
Phụ huynh tin tưởng
Sau 5 năm thực hiện phong trào THTT, HSTC, chất lượng giáo dục toàn diện ở Vĩnh Long có bước chuyển rõ rệt. Trước hết là việc hình thành tính tự quản và hình thành giáo dục kỷ luật tích cực trong học sinh (tự trang trí lớp học, thiết kế các hoạt động ngoài sân trường, xây dựng tiểu phẩm, hội thảo…). Tiếp theo đó là sự “vươn lên” của cảnh quan sư phạm ở tất cả các trường học, các hoạt động phong trào và đặc biệt là môi trường giao tiếp thân thiện, hiệu quả giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với nhau.
Cô - trò có mối quan hệ gần gũi, gắn bó cũng tạo ra môi trường học thân thiện tạo cảm hứng cho giáo viên có nhiều thay đổi trong cách dạy (bản đồ tư duy, dạy theo nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng…). Cô thay đổi phương pháp dạy, trò cũng hào hứng học nên chất lượng giáo dục các trường không ngừng nâng cao. Ngoài việc học kiến thức, các em cũng được rèn luyện kỹ năng sống, giá trị sống, qua đó hình thành tính tự quản trong học sinh…
Trẻ ngày càng ngoan, học hành tiến bộ là thước đo giúp phụ huynh tin tưởng vào việc giáo dục của nhà trường. Qua đó, nhiều gia đình dù khó khăn vẫn tạo điều kiện cho con trẻ ra lớp. Vì vậy, tỷ lệ học sinh bỏ học trên phạm vi toàn tỉnh giảm, tỷ lệ trẻ đi học thường xuyên tăng cao. Phụ huynh không chỉ tin tưởng gửi con vào trường mà còn đồng tình ủng hộ mọi phong trào do trường phát động. Phụ huynh cùng với nhà trường trồng dây leo trên hành lang bằng những chai nhựa để tạo bóng mát cho lớp học, phối hợp cùng nhà trường kiểm soát việc học sinh sử dụng xe phân khối lớn hơn quy định khi đi học… không chỉ giúp cho mối quan hệ gia đình- nhà trường thêm gắn kết mà hơn thế là con trẻ được thụ hưởng sự quan tâm, giáo dục khi đến trường và ở nhà.
Mai Lan