Giáo viên đã quen đánh giá trên TEMIS
2 năm nay, thầy Lê Văn Thọ, Trường THPT Lục Nam, Bắc Giang đã thực hiện đánh giá theo chuẩn trên Hệ thống quản lý thông tin giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (TEMIS).
Chia sẻ cách triển khai, thầy Thọ cho biết bản thân đã nghiên cứu Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông và Hướng dẫn số 4530/BGDĐT-NGCBQLGD về việc hướng dẫn thực hiện thông tư 20/2018/TT-BGDĐT.
Sau đó, căn cứ vào 15 tiêu chí về chuẩn nghề nghiệp của giáo viên để tự xác định mức độ mình đạt được; thu thập đầy đủ minh chứng tương ứng và nhhập các mức tự đánh giá và minh chứng lên hệ thống TEMIS.
Nhận định của thầy Lê Văn Thọ, Hệ thống đã có phiếu đánh giá, gồm đủ các tiêu chí theo các tiêu chuẩn quy định trong Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT, giáo viên chỉ việc mở ra và chọn các mức tự đánh giá.
Việc cho phép gắn trực tiếp các minh chứng vào các tiêu chí trên phiếu giúp việc tự đánh giá tường mình hơn.
Đặc biệt, với Hệ thống TEMIS, kết quả đánh giá và minh chứng tương ứng được lưu trữ lâu dài trên hệ thống, giúp người tự đánh giá có thể xem và là cơ sở để lập ra các kế hoạch, phương hướng phấn đấu để đạt được những kết quả cao hơn cho các năm sau.
Tại Trường THPT Mĩ Quý, Đồng Tháp, 100% cán bộ quản lý và giáo viên đã triển khai đánh giá theo chuẩn trên Hệ thống TEMIS.
Chia sẻ từ thầy Hiệu trưởng Trần Văn Hân, các tiêu chí và minh chứng năm nay giáo viên đã quen nên thực hiện tốt; việc đánh giá cũng bám sát quy định hơn. Quan trọng là chất lượng, nhất là mức độ tin cậy của minh chứng; hệ thống sẽ báo liền nếu minh chứng thiếu.
Từ thực tiễn, thầy Trần Văn Hân đánh giá cao lợi ích Hệ thống TEMIS mang lại cho đội ngũ. Theo đó, cách lưu trữ thông tin khoa học giúp việc sử dụng, tìm kiếm dữ liệu tiện lợi.
Từ Hệ thống, cấp quản lý có được số liệu tin cậy để đối chiếu, đánh giá đồng bộ và tổng quan từ đó có những điều chỉnh, định hướng kịp thời cho địa phương mình.
Công cụ quan trọng trong triển khai Chương trình GDPT mới
Tại Phú Thọ, Sở GD&ĐT đã xây dựng báo cáo TEMIS năm 2020 theo đúng hướng dẫn của Ban quản lý Chương trình ETEP; chiết xuất báo cáo bảo đảm tiến độ và đăng tải Báo cáo TEMIS trên website của Sở GD&ĐT. Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, cho biết: Sở GD&ĐT Phú Thọ là một trong những tỉnh xây dựng Báo cáo TEMIS sớm nhất, tốt nhất được Bộ GD&ĐT đánh giá cao. Hiện, Sở này đang tiếp tục triển khai xây dựng Báo cáo TEMIS năm 2021 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
“Đến nay, với Phú Thọ, số cán bộ quản lý giáo dục tham gia đánh giá và xếp loại trên Báo cáo TEMIS năm 2021 là 1173/1305 đạt 90%; giáo viên tham gia đánh giá và xếp loại trên Báo cáo TEMIS là 11641/12716 đạt 92%. Tỷ lệ hoàn thành cập nhật đánh giá chuẩn nghề nghiệp trên hệ thống cao, nhiều phòng GD&ĐT và các trường THPT hoàn thành đạt tỷ lệ 100%, như Phòng GD&ĐT: Hạ Hòa, Lâm Thao, Phù Ninh, Tân Sơn, Thanh Thủy, Việt Trì” – ông Phùng Quốc Lập chia sẻ.
Ông Phùng Quốc Lập khẳng định: Sở GD&ĐT Phú Thọ xác định việc quản lý thông tin về bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phôt thông, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin trên hệ thống Báo cáo TEMIS rất quan trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành để triển khai Chương trình GDPT mới.
Việc xây dựng Báo cáo TEMIS giúp nhà quản lý từ cấp Sở/Phòng GD&ĐT, các nhà trường nắm bắt được hồ sơ của cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn nhề nghiệp của Thông tư 14, Thông tư 20 của Bộ GD&ĐT; bên cạnh đó nắm được nhu cầu bồi dưỡng thường xuyên của cán bộ quản lý, giáo viên để làm căn cứ xây dựng chiến lược, kế hoạch tập huấn bồi dưỡng đặc biệt cho Chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa mới.
Thời gian tới, ông Phùng Quốc Lập cho biết, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát bổ sung xây dựng báo cáo TEMIS năm 2021; đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các bên trong quản lý thông tin về bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và xây dựng Báo cáo TEMIS. Liên quan đến nội dung này, ông Lập kiến nghị các đơn vị liên quan hỗ trợ công tác kiểm tra, rà soát và chuyển đổi tài khoản, bổ sung mới cho các đối tượng là cán bộ quản lý, giáo viên thuyên chuyển, đề bạt hoặc đã nghỉ hưu để chuẩn hoá dữ liệu thông tin đảm bảo đạt 100%.