Hệ thống TEMIS: Cơ sở xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo dục

GD&TĐ - Sau 2 năm triển khai, hiệu quả và giá trị của hệ thống thông tin quản lý bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (TEMIS) đã được khẳng định.

Tập huấn dạy học theo chuyên đề của giáo viên THPT tỉnh Nghệ An
Tập huấn dạy học theo chuyên đề của giáo viên THPT tỉnh Nghệ An

Giáo viên, cán bộ quản lý theo dõi được xu hướng phát triển năng lực chuyên môn của bản thân để có kế hoạch bồi dưỡng, tự bồi dưỡng đáp đổi mới giáo dục. Thông tin trên hệ thống TEMIS  giúp cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục phổ thông nắm bắt xu hướng phát triển nghề nghiệp của đội ngũ, thu thập thông tin về nhu cầu bồi dưỡng, làm căn cứ cho việc rà soát, cập nhật điều chỉnh chương trình bồi dưỡng thường xuyên, xây dựng, thực hiện chế độ, chính sách phát triển phù hợp.

Hệ thống đánh giá, phân tích năng lực đội ngũ tin cậy

Năm học vừa qua, Trường Tiểu học Nghĩa Thọ (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) bắt đầu triển khai cho giáo viên tự đánh giá trên hệ thống TEMIS của Bộ GD&ĐT. Theo thầy Nguyễn Anh Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường, đây là hoạt động mới mẻ nên một số giáo viên ban đầu còn gặp khó khăn, lúng túng. Nhất là việc lựa chọn và tải minh chứng, một phần do hạn chế về năng lực công nghệ thông tin nên thao tác chưa thuần thục. Tuy nhiên, sau khi được hướng dẫn chi tiết theo các tiêu chí thì cán bộ, giáo viên nhà trường đều hoàn thành.

Ông Võ Văn Tú -  chuyên viên Phòng GD&ĐT Nghĩa Đàn cho rằng, phòng đã sử dụng hệ thống TEMIS để tổng hợp và phân tích năng lực nghề nghiệp của GV và CBQL theo từng trường. Qua đó, thấy được tổng quát nhu cầu bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên. Từ đó, giúp ngành xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, phát triển nghề nghiệp cho giáo viên trong bối cảnh đổi mới giáo dục.

Nghệ An tập huấn, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ
Nghệ An tập huấn, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ

Theo ông Võ Văn Tú, hệ thống TEMIS có nhiều điểm tin cậy, đánh giá theo chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng. Về độ tin cậy của minh chứng do giáo viên tự tải lên, có ban giám hiệu nhà trường giám sát, đảm bảo khách quan, chính xác.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Khang (chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) đánh giá, thông tin trên hệ thống TEMIS là chính xác và đáp ứng nhu cầu quản lý. Với những người làm công tác quản lý giáo dục, thông tin trên hệ thống TEMIS đầy đủ và bổ ích. Đặc biệt là các chức năng lọc đối tượng chưa đánh giá rất thuận lợi.

Nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống TEMIS

Cô Trịnh Thị Diệu Thúy, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 1 (Nghệ An) cho biết, qua triển khai năm học vừa qua, hệ thống TEMIS cho thấy có nhiều ưu việt. Nổi bật nhất là nhà trường lưu trữ các thông tin một cách khoa học để bất cứ lúc nào cần có thể kiểm tra. Qua việc cập nhật thì có cái nhìn tổng quát xem tiêu chí nào còn nhiều hạn chế để trong nội bộ tổ chuyên môn, nhà trường tập huấn hoặc đề xuất với phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giáo viên, cán bộ quản lý.

“Việc tải minh chứng lúc đầu có khó khăn nhưng nhờ đội ngũ cốt cán hỗ trợ, tư vấn thường xuyên nên giáo viên hiện đã thành thạo các thao thác. Hiện giáo viên, cán bộ quản lý của nhà trường đã hoàn thành bồi dưỡng và tải kết quả minh chứng lên hệ thống”, cô Thúy cho hay.

Theo Nguyễn Thế Lực – chuyên viên Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GDĐT Nghệ An, việc thực hiện đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên, cán bộ quản lý được Nghệ An triển khai đồng bộ từ năm 2018. Trong đó, chu kỳ 2 năm một lần, cơ quan quản lý nhà nước (Sở GD&ĐT) sẽ tổ chức đánh giá. Còn hàng năm, giáo viên, nhà trường và cơ sở giáo dục tự thực hiện. Chu kỳ đánh giá của Sở GD&ĐT Nghệ An rơi vào năm học 2019 – 2020.

Cũng trong năm 2020, hệ thống TEMIS được đưa vào vận hành, trên hệ thống đó thực hiện các quy trình đánh giá theo thông tư hướng dẫn. Đồng thời có khảo sát nhu cầu đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Vì vậy, Sở GD&ĐT Nghệ An đã tải kết quả đánh giá, khảo sát năm học 2019-2020 lên hệ thống TEMIS. Và từ năm học 2020-2021 bắt đầu áp dụng đồng loạt cho giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở giáo dục.

Quá trình đánh giá gồm 2 bước: Giáo viên tự đánh giá và hiệu trưởng phê duyệt. Sau đó, cán bộ quản lý ngành giáo dục có thể tham gia ý kiến đánh giá bổ sung. Hệ thống TEMIS cũng lọc ra năng lực nghề nghiệp của giáo viên và CBQL theo từng địa bàn. Đồng thời chiết xuất thông tin lên trang website của Sở GD&ĐT.

Ông Nguyễn Quốc Khánh – Phó trưởng Phòng Tổ chức, Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, hệ thống TEMIS giúp cho Sở đánh giá hiệu quả công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên và cán bộ quản lý, có cơ sở khoa học để xây dựng kế hoạch phát triển chất lượng đội ngũ và tăng cường quản lý bằng CNTT.

Ngành giáo dục địa phương mong muốn hệ thống TEMIS tiếp tục duy trì lâu dài, phục vụ cho chiết xuất các báo cáo. Đồng thời mở rộng, tích hợp đánh giá theo dõi giáo viên và cán bộ quản lý bậc mầm non chứ không riêng các bậc học phổ thông, cũng như liên thông với cơ sở dữ liệu ngành thành một hệ thống khép kín.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Khánh, qua kết quả khảo sát trên hệ thống TEMIS, nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên về sử dụng công nghệ thông tin và các thiết bị dạy học là cao nhất. Điều này cũng khớp với thực tế đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay. Đặc biệt trong bối cảnh lộ trình triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và thay sách giáo khoa, đòi hỏi giáo viên phải tự nâng cao trình độ chuyên môn, áp dụng nhiều phương pháp dạy học, tiếp cận học sinh, sử dụng và khai thác các thiết bị hỗ trợ giáo dục.
Sở GD&ĐT Nghệ An đã có đề án Bồi dưỡng Tin học cho GV bộ môn Tin học từ 2018 – 2025 để đảm nhận vai trò bồi dưỡng lại cho giáo viên khác. Hiện năng lực về  tin học đã được nâng lên và thể hiện qua kết quả học tập trực tuyến vừa rồi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

GD&TĐ -Ngày 18/11, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Đề án xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững”.