Tính khoa học cao
TEMIS là hệ thống thông tin quản lý bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông thông qua thu thập thông tin và chiết xuất báo cáo về thực trạng bồi dưỡng thường xuyên và đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo chuẩn trong cả hệ thống giáo dục (theo từng tỉnh, huyện, trường và cá nhân).
Cụ thể, hệ thống thu thập thông tin về: Xu hướng phát triển nghề nghiệp của đội ngũ dựa trên đánh giá theo chuẩn; Theo dõi và ghi lại đánh giá của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông về các chương trình bồi dưỡng thường xuyên; Thu thập thông tin về nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông làm căn cứ cho việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh chương trình, tài liệu và các phương thức tổ chức học tập, hỗ trợ bồi dưỡng.
Để thực hiện đánh giá theo chuẩn trên hệ thống TEMIS, cô Từ Thị Tân - trường Tiểu học Bình Sơn, Lục Nam, Bắc Giang và các đồng nghiệp đã được Ban giám hiệu, tổ chuyên môn nhà trường triển khai và hướng dẫn thực hiện. Khi đánh giá trên hệ thống TEMIS, giáo viên thuận lợi hơn vì thực hiện qua máy tính nên có thể làm mọi lúc, mọi nơi.
TEMIS thuận tiện trong lưu trữ, theo dõi và từ đó có hướng bồi dưỡng. Từ thực tế, cô Từ Thị Tân cho rằng, thực hiện đánh giá theo chuẩn trên hệ thống TEMIS nên bỏ phần đánh giá viết bản cứng. Bên cạnh đó, phần đánh giá trong tổ chuyên môn, khi thực hiện đánh giá 3 bước vẫn phải họp tập trung để đánh giá; kiến nghị có phần mềm này cho tất cả giáo viên trong tổ được đánh giá thực hiện trên hệ thống.
“Nhìn chung, đánh giá theo chuẩn trên hệ thống TEMIS mang lại nhiều lợi ích từ thực tiễn. Giáo viên được nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin; thu thập được thông tin về nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên; có thể theo dõi và ghi lại đánh giá của giáo viên, cán bộ quản lý về chương trình bồi dưỡng thường xuyên” – cô Tân nhận định.
Tham gia đánh giá trên hệ thống TEMIS, cô Kim Thị Ka Nha Cát Ca Đa - giáo viên Trường Tiểu học Phan Văn Năm (xã Đông Thạnh, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) thấy thuận tiện nhất trong việc lưu trữ, bởi có thể truy cập, theo dõi, sử dụng dữ liệu bất kỳ lúc nào cần thiết mà không phải tìm kiếm lại.
Hệ thống TEMIS có tính khoa học cao, biểu đồ đánh giá cho phép nắm được ngay vấn đề đã làm tốt, vấn đề cần thúc đẩy, giải quyết. “Bản thân tôi cũng như những giáo viên khác khi nhìn vào hệ thống sẽ tự nhận thấy mình cần phải phát huy điều gì, hoàn thiện điều gì. Chúng tôi coi việc đánh giá theo hệ thống này là yêu cầu đồng thời là mục tiêu để phấn đấu” - cô Kim Thị Ka Nha Cát Ca Đa chia sẻ.
Hỗ trợ nhà trường đưa ra chiến lược phát triển phù hợp
Tại Đồng Tháp, Sở GD&ĐT đã phối hợp với công ty chủ quản phần mềm hệ thống TEMIS triển khai tập trung cho toàn bộ cán bộ quản lý, văn thư và cán bộ phụ trách công tác tổ chức của các trường. Sau đó, nhà trường phối hợp với công ty triển khai tập trung, hướng dẫn thực hành cho toàn thể cán bộ, giáo viên trường mình.
Chia sẻ về nhiệm vụ thầy cô thực hiện khi đánh giá theo chuẩn trên hệ thống TEMIS, thầy Trần Văn Hân - Hiệu trưởng Trường THPT Mĩ Quý, Đồng Tháp, cho biết: “Giáo viên hoàn thành tự đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp; phiếu lấy ý kiến của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn; phiếu lấy ý kiến về hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; tải hồ sơ minh chứng đánh giá cá nhân lên hệ thống”.
Với tổ trưởng, phó hiệu trưởng, hiệu trưởng còn có thêm nhiệm vụ riêng. Nhất là hiệu trưởng, ngoài tự đánh giá và đưa hồ sơ minh chứng của cá nhân lên hệ thống còn hoàn thành đánh giá giáo viên toàn trường; đánh giá phó hiệu trưởng; phân công cán bộ lấy ý kiến của giáo viên, nhân viên trong trường với hiệu trưởng, phó hiệu trường và tổng hợp; đánh giá tổ trưởng chuyên môn căn cứ kết quả tự đánh giá và đánh giá của tổ chuyên môn.
Theo thầy Trần Văn Hân, vì có các văn bản hướng dẫn và được tập huấn sử dụng nên về thao tác kỹ thuật tương đối thuận lợi. Thực hiện trên hệ thống nên thông tin đầy đủ, khoa học và được lưu trữ tốt. Việc tìm kiếm dữ liệu và sử dụng tương đối tiện lợi.
Đánh giá theo chuẩn trên hệ thống TEMIS phù hợp thực tiễn giáo dục và chuẩn bị tâm thế thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cấp quản lý có được số liệu tin cậy để đối chiếu, đánh giá đồng bộ và tổng quan. Từ đó, có những điều chỉnh, định hướng kịp thời cho địa phương mình.
Một số khó khăn liên quan đến việc tổ chức đánh giá trong thời gian ngắn, nếu không nghiên cứu các thông tư và xem minh chứng thì dễ mang tính hình thức, không sát thực tế trong quá trình tự đánh giá hoặc đánh giá đồng nghiệp. Nhất là việc đánh giá của tổ trưởng chuyên môn và hiệu trưởng với số lượng nhiều người, tiêu chí rộng và phải bảo đảm tính khách quan, đồng đều, khoa học, không cảm tính là rất khó. Bên cạnh đó, cần xác định và tìm kiếm minh chứng phù hợp từng tiêu chí.
“Khi tham gia đánh giá TEMIS, tôi và giáo viên phải nghiên cứu thông tư liên quan và các nội dung cụ thể mà mình tham gia hoặc thao tác kỹ thuật nên giúp bản thân tiến bộ hơn, ý thức trách nhiệm cao hơn. Việc tự đánh giá, đánh giá toàn thể nhà trường nên phải lưu trữ hồ sơ đầy đủ và cân nhắc khi đánh giá để bảo đảm khách quan, chính xác.
Việc xác định và tìm minh chứng tuy còn nhiều khó khăn nhưng bắt buộc tất cả phải luôn có tâm thế chuẩn bị đầy đủ, nghiêm túc. Việc lấy dữ liệu dễ dàng và xem minh chứng tiện lợi giúp công tác quản lý, đánh giá, đưa ra chiến lược phát triển nhà trường thuận lợi hơn. Để hoạt động này hiệu quả hơn, tôi cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về nội hàm các tiêu chí, cập nhật kịp thời thay đổi và cách xác định chính xác minh chứng đầy đủ, dễ thực hiện và có sự thống nhất, đồng bộ trong ngành.
Ngoài yêu cầu các biểu mẫu, tải minh chứng đầy đủ thì phải có cách kiểm soát được nội dung đánh giá và mức độ tin cậy, phù hợp của các minh chứng” - thầy Trần Văn Hân cho hay.