Đề xuất này được nhiều cơ sở giáo dục đại học tán thành bởi bảo đảm tính đồng bộ và công bằng giữa các tổ hợp xét tuyển khác nhau.
Tạo thước đo chuẩn
Nhận định việc áp dụng thang điểm chung với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo là hướng đi tích cực, PGS.TS Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Mỏ - Địa chất (Hà Nội) cho rằng, giải pháp này giúp tạo ra thước đo chuẩn, thống nhất cho các phương thức xét tuyển. Điều này sẽ đảm bảo tính đồng bộ và công bằng giữa các tổ hợp xét tuyển khác nhau.
“Áp dụng thang điểm chung trong tuyển sinh không ảnh hưởng đến chất lượng thí sinh trúng tuyển”, PGS.TS Nguyễn Đức Khoát nhấn mạnh; đồng thời phân tích, chất lượng thí sinh phụ thuộc chủ yếu vào quá trình học tập ở bậc THPT, thang điểm chung chỉ là một yếu tố hỗ trợ trong xét tuyển, không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đầu vào.
Trao đổi về việc quy định lại cách cộng điểm chứng chỉ ngoại ngữ và điểm ưu tiên khác, PGS.TS Nguyễn Đức Khoát nhìn nhận, việc này góp phần tạo ra sự công bằng trong tuyển sinh. Khi mỗi trường có tiêu chí lựa chọn rõ ràng sẽ đảm bảo thí sinh có năng lực thực sự mới trúng tuyển. Thay đổi này không chỉ giúp phân hóa thí sinh một cách hợp lý, mà còn nâng cao giá trị và tính minh bạch trong công tác tuyển sinh đại học.
Công bằng trong quy trình xét tuyển góp phần tạo nên chất lượng đầu vào cũng như chất lượng nguồn tuyển. PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) nhìn nhận, mục đích của việc quy đổi điểm xét tuyển các phương thức về một thang điểm chung nhằm hạn chế việc phân chia chỉ tiêu giữa các phương thức không đồng đều, gây mất công bằng đối với thí sinh.
Tuy nhiên, việc quy đổi điểm về một thang điểm chung tạo sự công bằng cho thí sinh cũng không đơn giản; bởi phải đảm bảo sự đối sánh và tương quan giữa kết quả học tập của học sinh qua từng phương thức xét tuyển. PGS.TS Bùi Hoài Thắng cho hay, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) đã thực hiện quy đổi trong những năm gần đây. Việc quy đổi này tạm thời đưa ra công thức tương quan giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm đánh giá năng lực. Công thức này được tiếp tục theo dõi và cập nhật để đảm bảo tính chính xác và công bằng.
Tránh tình trạng chênh lệch điểm trúng tuyển
Đặt vấn đề về công thức để có ngưỡng quy đổi chung, TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) cho rằng, việc này cần bàn bạc và đánh giá trên các số liệu. Tuy nhiên, các trường phải quy định rõ ràng phương pháp và cách thức quy đổi để đảm bảo tính công bằng.
Về mặt kỹ thuật, việc quy đổi điểm không quá phức tạp nhưng nếu quy đổi mà không phân biệt các phương thức xét tuyển, thì điểm chuẩn chung sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thí sinh trúng tuyển. Do đó, nếu tiến hành quy đổi điểm về một mức điểm chuẩn chung, cơ sở đào tạo cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính công bằng cho tất cả thí sinh.
Có ý kiến băn khoăn về việc, nếu áp dụng thang điểm chung để xét tuyển sẽ làm mất tính công bằng giữa các kỳ thi xét tuyển đại học. Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, dựa trên căn cứ nào để cơ sở đào tạo đưa ra các phương thức hay tổ hợp xét tuyển khác nhau cho một chương trình đào tạo/hoặc một ngành đào tạo - khi mà yêu cầu đầu vào về nguyên tắc phải như nhau?
“Chắc chắn phải xuất phát từ việc các phương thức, tổ hợp xét tuyển này đều có tiêu chí đánh giá phù hợp để đánh giá được năng lực học tập của thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nêu vấn đề.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học phân tích, tiêu chí đánh giá của các phương thức, tổ hợp xét tuyển cho cùng một chương trình, ngành đào tạo phải đối sánh được với nhau. Việc quy điểm xét tuyển về cùng một thang điểm là để đảm bảo các trường chọn được những phương thức xét tuyển phù hợp nhất với ngành/chương trình đào tạo mà đơn vị đang tuyển sinh; đồng thời so sánh được các thí sinh với nhau để chọn được người phù hợp nhất vào học (cho dù có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ hay kết quả của các kỳ thi độc lập, chứng chỉ quốc tế).
Trả lời câu hỏi, nếu các trường không đảm bảo việc đối sánh, so sánh được như vậy thì căn cứ nào để đưa ra các phương thức xét tuyển khác nhau? PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhìn nhận, thực tế trong thời gian qua cho thấy, việc xét tuyển dựa trên chỉ tiêu của từng phương thức mà không dựa trên đối sánh, quy đổi tương đương đã gây mất công bằng giữa các thí sinh.
Do đó, các quy định sửa đổi nhằm làm tăng trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh, phải nghiên cứu thấu đáo để không còn tình trạng chênh lệch điểm trúng tuyển bất hợp lý giữa các tổ hợp xét tuyển, phương thức xét tuyển mà không có căn cứ giải thích.
Tại Tọa đàm về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non do Bộ GD&ĐT tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, Bộ luôn cầu thị, lắng nghe vì mục tiêu tốt hơn cho cả hệ thống.
Hơn nữa, điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Đây mới là thước đo và cần quy về thước đo chung này. Đương nhiên quy đổi được là điều không dễ, nhưng cần phải bàn.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, công tác tuyển sinh cần thay đổi, hạn chế bất cập bởi có tác động lớn, trực tiếp đến các trường và thí sinh, nhất là trong bối cảnh tự chủ hiện nay. Cần nhìn nhận và có điều chỉnh về xét tuyển sớm là cần thiết để đảm bảo công bằng cho các thí sinh.