Công bằng trong xét tuyển

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ khi đổi mới thi, tuyển sinh (năm 2015), phương thức xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngày càng phong phú, đa dạng.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Năm 2023, trong số 20 phương thức tuyển sinh do Bộ GD&ĐT quy định, xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm cao nhất (49,45%); tiếp theo là phương thức xét kết quả học tập bậc THPT (học bạ) với 30,24%. Phương thức xét tuyển bằng học bạ tiếp tục được nhiều cơ sở giáo dục đại học, kể cả những trường tốp đầu duy trì trong mùa tuyển sinh 2024.

Không khó hiểu khi các phương thức xét tuyển sớm, đặc biệt là xét tuyển bằng học bạ ngày càng được nhiều người lựa chọn. Nỗ lực trong cả một quá trình (3 năm học THPT) rõ ràng có nhiều cơ hội cải thiện điểm số và “an toàn” hơn phụ thuộc vào một kỳ thi duy nhất. Thí sinh khi có điểm tổng kết được chủ động lựa chọn tổ hợp môn mình có lợi thế hơn tham gia xét tuyển, từ đó tăng khả năng trúng tuyển, giảm áp lực thi cử, tránh được tình trạng “học tài thi phận”…

Tuy nhiên, xét tuyển bằng học bạ cũng có những nhược điểm và nhiều chuyên gia tuyển sinh đã lên tiếng trăn trở về hạn chế của phương thức này. Theo đó, kể cả không nói đến yếu tố nâng đỡ, “làm đẹp” học bạ đâu đó vẫn xảy ra, thì bản chất đã không công bằng khi so sánh điểm học bạ của các thí sinh với nhau. Lý do, chất lượng dạy học, phương pháp và sự khắt khe trong đánh giá của địa phương/khu vực, trường/loại hình trường, các lớp khác nhau. Một học sinh học lực xuất sắc ở trường này nhưng chưa chắc đã đạt được mức độ tương tự ở trường khác. Sự khác nhau càng rõ giữa trường THPT chuyên, trường công lập, tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên…

Vì những hạn chế này, mùa tuyển sinh 2024, một số trường tốp đầu đã bỏ hoặc bổ sung thêm điều kiện với phương thức xét tuyển bằng học bạ. Ví dụ, Trường ĐH Ngoại thương quy định xét tuyển học bạ chỉ áp dụng với nhóm học sinh đã được chọn lọc, như: Thí sinh tham gia/đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, thuộc lĩnh vực phù hợp với tổ hợp môn xét tuyển của trường; đoạt giải (Nhất, Nhì, Ba) học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 11 hoặc lớp 12; thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia/THPT chuyên.

Chia sẻ ở góc độ khoa học đo lường, đánh giá, có chuyên gia cho rằng, xét tuyển đại học là một dạng xếp hạng để lựa chọn người xứng đáng, mang tính cạnh tranh, có người được chọn, người bị loại; khác với xét tốt nghiệp THPT chỉ là đạt/không đạt. Vì vậy, muốn công bằng cần phải có thang đo chung. Kết quả học bạ giữa các thí sinh (trừ khi học chung một lớp) rõ ràng là không cùng thang đo. Nên muốn công bằng thì không nên dùng điểm học bạ để xét tuyển. Chỉ nên dùng học bạ làm ngưỡng sơ loại ban đầu.

Chuyên gia này cũng nêu quan điểm khuyến khích mỗi ngành của trường chỉ dùng một phương thức xét tuyển duy nhất. Lý tưởng hơn cả là có bài thi chung, chuyên biệt cho mỗi ngành đào tạo, vì người giỏi hơn chưa chắc đã phù hợp với ngành trúng tuyển; sự không phù hợp đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học.

Hiện nay, cơ sở giáo dục đại học được giao quyền tự chủ tuyển sinh. Nhà trường có quyền chọn phương thức để lựa chọn người học phù hợp. Trên thực tế, với những trường tốp đầu, trường hướng tới chất lượng, phương thức xét tuyển được sử dụng đều nhằm mục đích lựa chọn được người học thực sự phù hợp. Tuy nhiên, cũng có trường mới chỉ quan tâm tuyển đủ số lượng. Do đó, yêu cầu phải siết chặt bằng chuẩn đầu ra là không thể thiếu để tránh tạo ra các “sản phẩm đào tạo lỗi” do chất lượng đầu vào không tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Xôi gấc nếp Lào

GD&TĐ - Nếp Lào hạt nhỏ xíu và dài chứ không tròn tròn như nếp ta nên tạo cảm giác thích mắt hơn bởi cái sự tăm tắp.
Trong đời thường, aegyo đầy áp lực và là gánh nặng. Ảnh: Lanetaneta.com

Góc khuất văn hóa aegyo

GD&TĐ - Hầu hết các sao Hàn đều thử làm hành động aegyo - bắt chước trẻ em ít nhất một lần.
Ảnh: iStock

Cảnh báo suy và cường giáp

GD&TĐ - Các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp khá phổ biến. Tỉ lệ mắc bệnh của giới nữ cao hơn giới nam gấp 5 - 8 lần.
Giá vàng cuối tuần 23/6 đứng yên

Giá vàng cuối tuần 23/6 đứng yên

GD&TĐ - Giá vàng trong nước cuối tuần (23/6) đứng yên ở mức 76,98 triệu đồng/lượng (bán ra); Trong khi đó vàng thế giới kết thúc tuần ở mức 2.321 USD/ounce.