Cơn ác mộng trở lại

GD&TĐ - Các nước châu Âu đang lần lượt phải tái áp dụng phong tỏa ngặt nghèo như hồi đầu năm, do làn sóng Covid-19 thứ hai đang diễn biến nguy hiểm hơn đợt đầu.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Pháp là nước đầu tiên tại châu lục này đóng cửa toàn quốc trong một tháng, trong khi các nước khác siết chặt những lệnh hạn chế.

Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 29/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo làn sóng Covid-19 mới sẽ tàn khốc và “gây ra chết chóc lớn hơn” đợt trước do diễn ra vào mùa đông, thời điểm virus lan truyền với tốc độ khó lường. Trong tuần qua, Pháp có trung bình hơn 500 người chết và hàng nghìn người phải chăm sóc đặc biệt mỗi ngày vì đại dịch.

Hiện, Pháp là ổ dịch lớn nhất châu Âu với số ca nhiễm ghi nhận từ đầu năm là 1,2 triệu và 36.000 người tử vong. Trước nguy cơ bị mất kiểm soát, tổng thống Pháp thông báo sẽ phong tỏa toàn quốc trở lại từ ngày 30/10 và kéo dài trong một tháng. Người dân được yêu cầu ở trong nhà nhiều nhất có thể, nhưng trường học và các nhà máy vẫn được phép hoạt động.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức cũng đang tái áp dụng lệnh hạn chế trên cả nước. Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo tình hình dịch bệnh hiện nay đang cực kỳ nghiêm trọng, nếu không có các biện pháp cấp bách thì sắp tới mỗi ngày nước này có tới 30.000 ca nhiễm mới, dẫn tới khả năng vượt tầm kiểm soát. Đức có tổng cộng 479.000 ca nhiễm và hiện mỗi ngày có thêm khoảng 16.000 ca.

Lệnh hạn chế mới tại Đức sẽ có hiệu lực từ ngày 2/11 và cũng kéo dài trong một tháng tương tự tại Pháp, trong đó người dân được yêu cầu tránh ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết. Các cơ sở không thiết yếu sẽ phải đóng cửa nhưng các trường học và cửa hàng vẫn được phép hoạt động.

Trong khi đó tại Anh, các nhà khoa học thuộc Nhóm cố vấn khoa học cho tình huống khẩn cấp (SAGE) hôm 28/10 đưa ra cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ hai đang quay lại châu Âu sẽ gây ra chết người nhiều hơn đợt dịch đầu năm. Nguyên nhân là do đỉnh dịch lần này có dấu hiệu kéo dài dai dẳng trong suốt vài tuần đến vài tháng, dẫn đến số ca tử vong trung bình luôn giữ ở mức cao. 

Thông tin trên khiến chính quyền Thủ tướng Anh Boris Johnson đang phải chịu áp lực rất lớn trong việc cân nhắc ban bố tình trạng phong tỏa toàn quốc lần thứ hai trong năm, có thể sẽ diễn ra vào đúng thời điểm giáng sinh và năm mới. Tình hình thêm u ám khi Liên minh châu Âu (EU) thông báo vắc-xin Covid-19 sẽ rất hạn chế trong giai đoạn đầu, chỉ đủ tiêm cho một phần dân số châu lục này trước năm 2022.

Tổ chức Y tế thế giới (WTO) cũng đặc biệt lo ngại về diễn biến dịch bệnh đang tái bùng phát đặc biệt nguy hiểm tại châu Âu. Phát ngôn viên WTO Margaret Harris cho biết, số ca tử vong do Covid-19 tại đây đã tăng gần 40% trong tuần qua.

Lo ngại trước diễn biến xấu của đại dịch, thị trường chứng khoán châu Âu đang chứng kiến sự lao dốc giá cổ phiếu, với sắc đỏ phủ kín tất cả các thị trường lớn với mức giảm từ 2,65 - 4,2%.

Cơn ác mộng Covid-19 đang quay lại châu Âu kéo theo các phản ứng tiêu cực của nền kinh tế dường như đã nhấn chìm những tín hiệu lạc quan mấy tháng trước đây, khi xuất hiện những đột phá trong phát triển vắc-xin ngừa nCoV.

Tuy nhiên, diễn biến hiện nay cũng nằm trong cảnh báo từ trước của các chuyên gia về việc đại dịch chưa thể sớm chấm dứt và thế giới còn lâu mới trở lại bình thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

IVES hiện thực hoá giấc mơ du học Đức

IVES hiện thực hoá giấc mơ du học Đức

Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn và Viện Nghiên cứu Giáo dục Nghề nghiệp (IVES) phối hợp tổ chức chương trình 'Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT – Khối 10'.