Có thực mới vực được đạo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi nhân lực phải đáp ứng yêu cầu. 

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Thời gian qua, đào tạo nhân lực trình độ cao, chuẩn quốc tế được ngành GD-ĐT, LĐ-TB&XH cùng các địa phương nỗ lực triển khai.

Đến nay, cả nước có 7 cơ sở đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; 232 chương trình của 39 trường đại học, học viện đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài. Bộ GD&ĐT đã xúc tiến đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao để phục vụ phát triển công nghệ cao.

Đề án hướng tới tăng số lượng, đảm bảo chất lượng đào tạo tiệm cận chuẩn quốc tế đối với các ngành/lĩnh vực phục vụ phát triển công nghệ cao. Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai thí điểm đào tạo 22 nghề theo tiêu chuẩn Cộng hòa Liên bang Đức tại 45 trường cao đẳng nghề.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hoàn thành chuyển giao 34 bộ chương trình của 34 nghề trọng điểm quốc tế từ Úc và Đức. Ở cấp địa phương, TPHCM cũng phê duyệt và triển khai đề ántổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 - 2025 và đại học chia sẻ. Theo đó, TPHCM đặt hàng các trường đại học đào tạo nhân lực đạt chuẩn quốc tế đối với 8 ngành cần cho sự phát triển của địa phương.

Chất lượng nguồn nhân lực thấp là thách thức lớn của Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng chuyển dịch lao động giữa các quốc gia. Vì thế, nâng cao năng lực đào tạo tiệm cận chuẩn mực quốc tế, nguồn nhân lực cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới; thúc đẩy di chuyển lao động giữa Việt Nam và thị trường ASEAN/khu vực; thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là nhiệm vụ hết sức cấp thiết.

Tuy vậy, chặng đường hướng đến mục tiêu nhân lực đạt chuẩn quốc tế còn nhiều gian nan. Cái khó hiện nay với các địa phương, thậm chí ở cả cấp bộ, ngành là khả năng dự báo, quy hoạch nhân lực thiếu một cơ quan chịu trách nhiệm, lại thường phải đối phó với sự phát triển nhanh chóng của các ngành kinh tế. Chồng chéo quản lý Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực cũng gây khó khăn trong việc tổng hợp nguồn lực để tận dụng lợi thế sẵn có của các địa phương.

Hướng đến nhân lực chất lượng quốc tế đòi hỏi cơ sở đào tạo phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế về cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình, mức độ tham gia của doanh nghiệp...

Ví như, để đạt được tiêu chuẩn ABET của Mỹ (Accreditation Board for Engineering and Technology – ABET, tổ chức kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo có uy tín trong cộng đồng quốc tế), các trường buộc phải có cố vấn doanh nghiệp trong từng chương trình đào tạo; doanh nghiệp phải tham gia rất sâu để thiết lập mục tiêu đào tạo.

Một số tiêu chuẩn quốc tế về cơ sở vật chất khá cao, thân thiện môi trường. Trong khi đó, điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng cho trường học, quan hệ hợp tác giữa các trường, viện với doanh nghiệp vẫn chưa hiệu quả.

Đặc biệt, để có thể quốc tế hóa chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu; tham gia các chương trình kiểm định quốc tế, cơ sở đào tạo cần nguồn lực đầu tư khá lớn.

Nếu kiểm định 1 chương trình trong nước, cơ sở đào tạo tốn trung bình 300 - 400 triệu đồng thì theo tiêu chí nước ngoài, con số có thể lên hàng tỷ đồng. Chuyển giao một chương trình quốc tế cũng không ít tốn kém. Nguồn lực tài chính hạn hẹp là nguyên nhân lớn khiến đến nay số cơ sở/chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng quốc tế còn khá khiêm tốn.

Hướng đến tự chủ không chỉ là xu hướng đối với giáo dục đại học, mà cả với giáo dục nghề nghiệp. Nếu tự chủ hiểu theo nghĩa tự lo nguồn thu thì cơ sở đào tạo khó đáp ứng các chuẩn mực chất lượng, nhất là hướng đến tiêu chuẩn quốc tế.

Vì thế, với chương trình, dự án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế cần có đầu tư thích đáng từ Nhà nước và địa phương theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Cách đặt hàng và giao kinh phí đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) giai đoạn 2020 - 2025 của TPHCM cho các trường đại học là mô hình cần nhân rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Park Hang Seo gây sốt trên mạng xã hội trong tháng 3.

HLV Park Hang Seo gây 'sốt' mạng xã hội

GD&TĐ - Dù đã chia tay tuyển Việt Nam từ lâu nhưng HLV Park Hang Seo vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bóng đá trên dải đất hình chữ S.