Bứt phá trong đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành hoá học

Bứt phá trong đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành hoá học

(GD&TĐ) - Thực hiện nhiệm vụ triển khai đào tạo chương trình tiên tiến ngành hoá học do Bộ GD&ĐT giao cho Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2006, khoá đào tạo chương trình tiên tiến đầu tiên đã tuyển sinh.

Sau 5 năm, ngày 8/6/2011 lứa sinh viên đầu tiên đã bảo vệ tốt nghiệp, Khóa luận tốt nghiệp được viết và bảo vệ hoàn toàn bằng tiếng Anh, với những thành quả giảng dạy và học tập đáng ghi nhận, PV báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với PGS.TSKH Lưu Văn Bôi (Chủ nhiệm khoa Hoá học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN) về chương trình đào tạo tiên tiến “hợp thời” mà theo PGS.TS Bôi thì chương trình đào tạo này là một sự “bứt phá”.

Các sinh viên bảo vệ tốt nghiệp hoàn toàn bằng tiếng Anh
Các sinh viên bảo vệ tốt nghiệp hoàn toàn bằng tiếng Anh

PV: Qua thực tế 5 khoá tuyển sinh và đào tạo chương trình tiên tiến ngành hoá học, PGS.TS có thể cho biết thế mạnh nổi bật của chương trình này là gì?

PGS.TS Lưu Văn Bôi: Quan trọng nhất và cái được lớn nhất của chương trình này là từ hoạt động đào tạo đã có điều kiện và một phần kinh phí để nâng cấp trình độ đội ngũ cán bộ. Đó là cái tốt nhất. Từ khi bắt đầu chương trình chỉ có một vài giảng viên dạy được bằng tiếng Anh. Thế mà bây giờ sau 5 năm đã có ít nhất có 22 người đã dạy được các môn chuyên môn bằng tiếng Anh. Đấy là một bước tiến dài.

Còn về sinh viên thì được giao lưu, được “nhúng” trong môi trường học tập và nghiên cứu với các giáo sư nước ngoài, được đi thực tập hè ở trường nước ngoài. Do đó, năng lực giao tiếp, kỹ năng trình bày, hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học của các em được tiến bộ hơn hẳn. Khoá đầu tiên, có nhiều SV chưa tốt nghiệp nhưng đã xin được việc làm ở công ty nước ngoài rồi. Hiện tại, có 10 em được các trường ĐH ở Mỹ cấp học bổng học sau đại học. Một số công ty nước ngoài cũng đã đến Khoa đề cập được dự lễ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp của sinh viên để tuyển chọn nhân sự cho công ty của họ.

Chương trình đào tạo tiên tiến là một bứt phá “lãng mạn” của khoa Hoá học, Trường ĐHKHTN trong lộ trình hội nhập khu vực và quốc tế. Nói lãng mạn vì thực sự khi bắt đầu triển khai chương trình 5 năm trước là lúc khoa đang phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nội địa, chưa có kinh nghiệm đào tạo trình độ quốc tế. Khó khăn lớn nhất là trình độ tiếng Anh của phần lớn cán bộ, giảng viên khi đó chỉ đủ dùng để đọc tài liệu... Thành công lớn nhất của chương trình là đã đào tạo, nâng cao được trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên, để đảm nhận đào tạo, giảng dạy chương trình tiên tiến ngành hoá học và sẵn sàng mở rộng cho các ngành khác.

PGS.TSKH Lưu Văn Bôi (ngồi thứ 2, hàng đầu) trong buổi bảo vệ tốt nghiệp của lứa sinh viên chương trình tiên tiến đầu tiên ngành hóa học
PGS.TSKH Lưu Văn Bôi (ngồi thứ 2, hàng đầu) trong buổi bảo vệ tốt nghiệp của lứa sinh viên chương trình tiên tiến đầu tiên ngành hóa học

PV: Khi có một chương trình đào tạo cho phép đào tạo theo chương trình của các cơ sở đào tạo nước ngoài danh tiếng (cử cán bộ sang nước ngoài học tập, giáo sư nước ngoài sang giảng dạy, sinh viên được ra nước ngoài thực tập...), theo PGS, lợi ích thực tế thu được cho Khoa, Trường như thế nào?

PGS.TS Lưu Văn Bôi: Lợi ích cao nhất là khoa có điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ của mình và mở rộng giao lưu với quốc tế. Khoa Hóa học không chỉ có chương trình đào tạo tiên tiến dạy bằng tiếng Anh, mà còn có chương trình đào tạo đại học và sau đại học bằng tiếng Pháp, do ĐH của Pháp cấp bằng... và nhiều chương trình đào tạo ĐH, sau ĐH khác do nước ngoài cấp bằng hoặc do Việt Nam cấp bằng, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực hoá học.

Vấn đề quan trọng nữa là thông qua chương trình, Khoa, Trường đẩy mạnh được khía cạnh nghiên cứu khoa học của cả giảng viên và sinh viên. Hiện nay, các cán bộ của Khoa đang chủ trì 8 đề tài và dự án lớn cấp quốc gia. Từ đấy tạo điều kiện cho Khoa nâng cấp được hệ thống máy móc thiết bị. Lại còn dành được kinh phí giúp đỡ cho SV tham gia nghiên cứu khoa học. 100% SV khoa Hoá được tham gia nghiên cứu khoa học, riêng sinh viên trong chương trình đào tạo tiên tiến thì được tham gia nghiên cứu khoa học ngay từ năm thứ nhất.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp chương trình tiên tiến có thể tiếp tục học sau đại học và làm việc ở bất cứ nước nào trên thế giới, vì các em vừa có chuyên môn tốt, lại vừa có trình độ tiếng Anh cao. Cả 2 mục tiêu đó về cơ bản ngay từ khoá đào tạo đầu tiên đã đạt được đến 95, 96%.

Các giáo sư đến từ ĐH Hoa Kỳ tham gia buổi lễ bảo vệ tốt nghiệp của sinh viên chương trình tiên tiến Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội
Các giáo sư đến từ ĐH Hoa Kỳ tham gia buổi lễ bảo vệ tốt nghiệp của sinh viên chương trình tiên tiến Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội

PV: Theo ông, cần có những yếu tố cơ bản gì  để triển khai hiệu quả chương trình tiên tiến?

PGS.TS Lưu Văn Bôi: Cái quan trọng số 1, đã gọi là dạy chương trình tiên tiến bằng tiếng Anh thì phải cần 2 điều kiện: Thứ nhất đội ngũ GV phải có tiếng Anh tốt. Dứt khoát đào tạo chương trình tiên tiến là cán bộ đào tạo phải biết tiếng Anh. Thứ hai là sinh viên phải được đi thực tập, được đi giao lưu rồi tham gia các hội nghị hội thảo để mà nâng cao trình độ chuyên môn. Sinh viên được đào tạo trình độ chuyên môn vững thì mới tự tin trong giao lưu, làm việc với các đối tác nước ngoài. Trên thực tế khi đối tác nước ngoài thấy mình tự tin, có trình độ tương đương với họ thì bao giờ họ cũng sẵn sàng không phải là giúp mình nữa mà là hợp tác với mình. Như khoa Hoá học bây giờ có đến 7 dự án lớn hợp tác với nước ngoài về nghiên cứu khoa học. Với các dự án này sinh viên được ra nước ngoài thực tập, nghiên cứu, còn cán bộ, giảng viên thì được nâng cao trình độ và tiếng Anh.

PV: Vậy còn những điều chưa được có thể rút ra sau một thời gian đào tạo thí điểm chương trình tiên tiến, thấy rõ nhất ở những khía cạnh gì, thưa PGS.TS?

PGS.TS Lưu Văn Bôi: Thứ nhất ấy là kinh phí của chương trình, nhất là các chương trình về thực nghiệm như hoá học, sinh học… là những chương trình đặc biệt liên quan đến thí nghiệm thì kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ thí nghiệm rất ít. Do đó mình chưa có điều kiện thực nghiệm, mới chỉ là tập trung được tốt ở giảng dạy lý thuyết, học liệu. Thực nghiệm chưa được cải thiện xứng tầm đào tạo chương trình tiên tiến, nhìn chung còn lạc hậu lắm. Chất lượng thực hành giảng dạy thực nghiệm vẫn chưa được cải thiện đáng kể vì khó khăn về mặt kinh phí.

Thứ hai, thời gian để thực hiện chương trình tiên tiến thí điểm chỉ 4, 5 khoá là quá ngắn. Như ta biết để nâng cao chất lượng đào tạo thì cần nhiều thời gian và cần đầu tư về đội ngũ đào tạo, làm sao để tiếng Anh và trình độ của giảng viên phải thực sự đáp ứng được yêu cầu của đào tạo tiên tiến. Chứ bây giờ vẫn “ăn đong” thôi.

PV: Chương trình tiên tiến nguồn kinh phí chủ yếu của nhà nước. Nhưng được biết các em tốt nghiệp ở đây đều có thể chọn cho mình rất nhiều cơ hội ra nước ngoài làm việc hoặc đi học thêm. Như vậy liệu có lo ngại một sự lãng phí trong đầu tư của nhà nước không?

PGS.TS Lưu Văn Bôi:  Theo tôi không hề có sự lãng phí ở đây. Thực tế “cơm chưa ăn thì gạo còn đó”. Các em được đào tạo chương trình tiên tiến thì các em có trình độ chuyên môn cao, dù sau khi tốt nghiệp có chọn hướng ra nước ngoài làm việc hay học lên thì sau này tôi tin là các em sẽ quay về phục vụ đất nước, hoặc từ nước ngoài cũng có thể góp phần phát triển đất nước. Đã là người Việt Nam mình, tôi tin chắc chắn các em sẽ làm như vậy. Bây giờ, ngay cả các em có yêu nước, có ở lại làm việc trong nước mà không có điều kiện cống hiến thì mới là lãng phí.

PV: Trong thời gian tới, sau khi đã hoàn thành tốt đẹp khoá đào tạo theo chương trình tiên tiến đầu tiên này, khoa Hoá học, ĐHKHTN có dự kiến gì mới cho các khoá sinh viên chương trình tiên tiến đang đào tạo và những khoá sẽ tuyển sinh tiếp theo?

PGS.TS Lưu Văn Bôi: Hiện nay khoa Hoá học (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) đang đào tạo 4 chương trình cử nhân chính quy các ngành: Hoá học, Công nghệ Hoá học, Hoá dược và cử nhân Hoá học sư phạm; 2 chương trình cử nhân hóa học tiên tiến, một chương trình đào tạo bằng tiếng Anh phối hợp với ĐH Illinois (Hoa Kỳ); một chương trình đào tạo bằng tiếng Pháp phối hợp với ĐH Tulon-Var được Cộng hoà Pháp cấp bằng. Khoa có 7 chuyên ngành đào tạo thạc sỹ và 6 chuyên ngành đào tạo tiến sỹ chính quy.

Khoa Hoá học trường ĐH KHTN cũng đang thực hiện 4 chương trình đào tạo sau ĐH theo trình độ quốc tế. Trong đó có 2 chương trình đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ chuyên ngành “Hoá học hữu cơ- Hoá dược” thuộc nhiệm vụ chiến lược của ĐHQGHN phối hợp với ĐH Rennes 1 được Cộng hoà Pháp cấp bằng; chương trình đào tạo Thạc sỹ “Vật liệu hữu cơ kích thước nano và độ bền vững” phối hợp với ĐH Tulon-Var được CH Pháp cấp bằng và chương trình đào tạo Thạc sỹ “Quan trắc vùng ô nhiễm và quản lý chất thải rắn” phối hợp với ĐH Dresden được CHLB Đức cấp bằng. Hàng năm tổng số sinh viên trúng tuyển vào khoa Hoá học khoảng 250, học viên cao học khoảng 150 và khoảng 30- 40 nghiên cứu sinh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!   

 Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN là một trong số ít các trường đại học ở Việt Nam được Bộ GD&ĐT cho phép triển khai 3 chương trình tiên tiến và hàng năm luôn được Bộ đánh giá đứng nhất nhì so với các chương trình tiên tiến của các trường đại học khác. Ngành Toán học liên kết với Trường ĐH Washington-Seatle (Hoa Kỳ), ngành Hóa học liên kết với Trường ĐH Illinois (Hoa Kỳ) và ngành Khoa học Môi trường liên kết với Trường ĐH Indiana (Hoa kỳ).  Năm 2011, Trường ĐHKHTN tiếp tục tuyển sinh theo chương trình tiên tiến cả 03 ngành trên. Tuyển sinh trong phạm vi cả nước đối với các thí sinh dự thi ĐH khối A có kết quả thi cao.

Từ năm 2009, ĐHQGHN cũng có đề án “xây dựng và phát triển các ngành đào tạo bậc đại học, chuyên ngành đào tạo bậc sau đại học đạt trình độ quốc tế”, Trường ĐHKHTN được duyệt thực hiện 03 chương trình đào tạo đại học đạt trình độ quốc tế gồm các ngành: Vật lý liên kết với Trường ĐH Brown (Hoa Kỳ), Địa chất liên kết với Trường ĐH Illinois (Hoa Kỳ), Sinh học liên kết với Trường ĐH Tufts (Hoa Kỳ). Năm 2011, Trường cũng tiếp tục tuyển sinh 03 ngành này.  Chi tiết xin xem tại website: www.hus.vnu.edu.vn

PV (thực hiện)
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.