Bà Nguyễn Thúy Hà - Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho biết: Tỉnh có 2 trường THPT chuyên là Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Quang Diêu với hơn 60 lớp, trên 2.000 học sinh. Cơ sở vật chất của các trường đều khang trang hiện đại, đạt chuẩn quốc gia, có ký túc xá, nhà thi đấu đa năng, sân bóng đá mini.
Trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, các trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh phù hợp với thực tiễn dạy học; chỉ đạo các tổ chuyên môn rà soát, cập nhật, sắp xếp lại nội dung dạy học phù hợp với mục tiêu và năng lực của học sinh.
Chất lượng dạy học ngoại ngữ từng bước được củng cố, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá có bước chuyển biến mạnh mẽ từ trọng tâm trang bị kiến thức chuyển sang mục tiêu hình thành kỹ năng, phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ. Bước đầu, các trường thí điểm dạy học Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh ở một số tiết học.
Các nhà trường đã linh hoạt áp dụng các thành tố, yếu tố tích cực của mô hình, dự án, phương pháp và kỹ thuật dạy học hiện đại nhằm phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của học sinh. Ngoài dạy học trực tiếp trên lớp, các trường còn hướng dẫn học sinh ứng dụng công nghệ thông tin để tự khai thác, cập nhật tri thức.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh và hoạt động trải nghiệm sáng tạo được các nhà trường quan tâm. Hằng năm, đều có dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật dự thi cấp tỉnh và quốc gia…
Còn thầy Nguyễn Minh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai) cho biết: Trong những năm qua, quy mô trường lớp được duy trì, phát triển; tỷ lệ học sinh đăng ký thi tuyển cơ bản ổn định. Đáng chú ý, trường đã duy trì được lớp chuyên Lịch sử, Địa lý, Tin học, số lượng lớp chuyên Toán, Hóa học, Tiếng Anh mỗi môn 2 lớp.
Cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ trên chuẩn tăng nhanh, trong đó có 1 tiến sỹ, 67 thạc sĩ; vượt tỷ lệ thạc sĩ so với đề án đề ra 12,6%, đáp ứng nhu cầu vừa tăng quy mô, vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Mặt khác, nhà trường đã coi trọng việc bồi dưỡng nâng cao trình độ và nhận thức cho đội ngũ giáo viên đáp ứng kịp thời sự đổi mới về phương pháp, nội dung giáo dục.
Đánh giá việc thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường chuyên giai đoạn 2010 - 2020, đại diện Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) nhận định: Thời gian qua, hệ thống trường THPT chuyên đã có sự phát triển mạnh mẽ. Chương trình giáo dục từng bước theo hướng hiện đại, tiếp cận với trình độ tiên tiến khu vực và thế giới.
Bên cạnh hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục, các nhà trường chú trọng giáo dục thể chất và bồi dưỡng nhân cách người học; tạo điều kiện để HS phát triển toàn diện, chuyên sâu một lĩnh vực, giỏi tin học và ngoại ngữ; phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; kỹ năng thực hành, tăng khả năng hoạt động thực tiễn.
Bên cạnh đó, các trường chuyên đều tập trung xây dựng các hoạt động trải nghiệm, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Nhiều trường tổ chức buổi chuyên đề, tư vấn hướng nghiệp để giúp học sinh chọn được trường phù hợp với năng lực của bản thân.