TPHCM gấp rút thực hiện đề án 8 ngành nhân lực trình độ quốc tế

GD&TĐ - Trong số 8 đề án ngành đào tạo nhân lực trình độ quốc tế của TPHCM, 7 ngành đã được ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ, nhiều đề án đã được nghiệm thu.

Hội nghị chuyên đề Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM, chiều 16/9. Ảnh: Mạnh Tùng
Hội nghị chuyên đề Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM, chiều 16/9. Ảnh: Mạnh Tùng

Chiều 16/9, Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM tổ chức kỳ họp chuyên đề với chủ đề "Giáo dục đại học và một số kết quả thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, chương trình hành động số 46-CTrHĐ/TU trên địa bàn TPHCM".

Hội đồng đã báo cáo kết quả hoạt động 8 tháng đầu năm, trong đó tập trung vào Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020-2025 và đại học chia sẻ.

Triển khai đề án đúng lộ trình

Theo báo cáo, đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế với 8 ngành (Công nghệ thông tin - truyền thông; Cơ khí - tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính - ngân hàng; Y tế; Du lịch; Quản lý đô thị) và đại học chia sẻ thuộc chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TPHCM thực hiện hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Để thực hiện đề án trên, TPHCM đặt hàng các cơ sở giáo dục đại học chủ trì thiết kế, xây dựng 9 đề án thành phần, tương ứng với 8 ngành đào tạo nhân lực trình độ quốc tế và 1 đề án đại học chia sẻ.

Đến nay, 9 đề án thành phần đã được Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học họp góp ý, thẩm định nội dung. Tất cả đều được đánh giá “Đạt”.

Lãnh đạo các trường đại học dự Hội nghị chuyên đề Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng
Lãnh đạo các trường đại học dự Hội nghị chuyên đề Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Trong đó, 7 đề án thành phần (đề án các ngành Công nghệ thông tin - truyền thông; Cơ khí - tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Tài chính - ngân hàng; Y tế; Quản lý đô thị; Đại học chia sẻ) được phê duyệt và ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ với tổng kinh phí 8,3 tỉ đồng.

Hai đề án còn lại (đề án ngành Quản trị doanh nghiệp và ngành Du lịch, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 2,2 tỉ đồng) đã được thẩm định kinh phí, đang chờ ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ.

Nhìn chung, đề án tổng thể đang đi đúng theo lộ trình được phê duyệt. Các đơn vị chủ trì tích cực hoàn tất giai đoạn thiết kế, xây dựng, sớm có sản phẩm bàn giao, thực hiện các bước tiếp theo.

Gấp rút triển khai

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM cho rằng, hoạt động của Hội đồng cần khoa học, thiết thực và hiệu quả hơn, thực sự là những nơi để bàn những việc lớn của cộng đồng đại học TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, đề án đào tạo nhân lực 8 ngành có trình độ quốc tế và đề án xây dựng TPHCM trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực khu vực và quốc tế là 2 nhiệm vụ cấp bách của Thành phố hiện nay.

Ông đề nghị các sở, ngành, Hội đồng và các trường đại học cần tiến hành song song hai dự án trên. Bên cạnh việc hoàn thiện nhiệm vụ nghiên cứu, cần dự thảo ngay kế hoạch thực hiện hoặc chọn ra một số việc có thể làm.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Ngoài ra, để TPHCM thực hiện việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, trở thành trung tâm nguồn nhân lực khu vực và quốc tế, ông Phan Văn Mãi đề nghị phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học.

Trong đó, Thành phố khuyến khích các trường đại học thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển); hình thành các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Người đứng đầu chính quyền TPHCM đồng ý với đề xuất, chọn 5-6 trường đại học (kể cả công lập và tư thục) để tập trung xây dựng thành điểm trường đại học khởi nghiệp.

Nhiều kết quả tích cực từ việc triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW

Tại hội nghị, các trường Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Sài Gòn, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) có tham luận trình bày kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

Theo đó, các trường đều có những bước tiến mạnh mẽ trong đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo, tuyển sinh, nghiên cứu khoa học, hội nhập quốc tế...

TS Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, nhà trường sẽ tục quán triệt sâu sắc, rộng rãi quan điểm chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, phụ huynh, sinh viên để tạo sự nhất quán về nhận thức và hành động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ