Cơ sở giáo dục nghề nghiệp với lộ trình tự chủ

GD&TĐ - Đổi mới quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) công lập theo hướng tăng cường tính tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình là một nội dung quan trọng được đề cập đến tại Tọa đàm khoa học Đổi mới công tác quản lý GDNN. Buổi tọa đàm được Tổng cục GDNN tổ chức ngày 30/8/2018 tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (HHT).

Tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình là một nội dung quan trọng được bàn thảo tại Tọa đàm
Tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình là một nội dung quan trọng được bàn thảo tại Tọa đàm

Vừa tự chủ vừa... lo

Theo TS Phan Chính Thức, Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề công tác xã hội Việt Nam, thí điểm tự chủ trong 3 trường CĐ, sau 2 năm thực hiện kết quả tuyển sinh đã tăng khoảng 2 lần- đội ngũ cán bộ giáo viên giảm 10 - 18% đội ngũ cán bộ viên chức giảm 20 - 25%; Đời sống cán bộ giáo viên tăng 20%. Các trường thí điểm đều mong muốn tiếp tục thực hiện thí điểm.

Về khó khăn, theo đánh giá, các trường vẫn chưa hiểu đúng về tự chủ, quản lý còn nặng về bao cấp, cơ chế đặt hàng chưa thực hiện. Vì vậy, các trường rất cần sự hỗ trợ đồng bộ các cấp, các ngành và xã hội, triển khai cơ chế đặt hàng và tự chủ về nhân sự…

Thầy Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng HHT - khẳng định: Tự chủ là xu thế tất yếu, tuy nhiên muốn tự chủ được, cơ sở đào tạo phải tự cân đối được nguồn thu chi và vẫn phải có đầu tư và định hướng của nhà nước. Bởi việc đào tạo vẫn phải đảm bảo nhu cầu nhân lực của địa phương, của xã hội.

Hiện HHT đang xây dựng đề án tự chủ trình thành phố phê duyệt. Thí điểm tự chủ, nhà trường đã giao một số đơn vị trong nhà trường thực hiện, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp tăng thu, đặt hàng… Tuy nhiên, bất cập trong tự chủ là các cơ sở đào tạo đang thiếu cơ chế, hành lang pháp lý thực hiện. Vì vậy, thầy Khánh đề xuất cần sớm có những chính sách, cơ chế chung để tránh tình trạng các trường “vừa tự chủ vừa lo”.

Xây dựng cơ chế từ kết quả thí điểm

Chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới quản lý theo hướng tăng cường tự chủ của cơ sở GDNN, PGS TS Lưu Bích Ngọc - Văn phòng Hội đồng Quốc gia GD và phát triển nhân lực - cho rằng: Trong Luật GDNN cần có những điều kiện linh hoạt, chỉ cần quy định chung về tự chủ, còn tự chủ ở mức độ nào, nội dung nào sẽ có văn bản pháp quy hướng dẫn. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách cần được đúc kết trên cơ sở kết quả của mô hình thí điểm, như vậy các chính sách mới có thể sát với thực tế tại cơ sở đào tạo.

Các trường nghề hiện cũng có một số thuận lợi, bởi các mảng nghiên cứu học thuật không phải là nhiệm vụ của các trường nghề. Đây là “mảnh đất” rộng để có thể tạo nguồn thu từ những sản phẩm được tạo ra để cung cấp cho thị trường. Hiện nay, các bộ phận nghiên cứu và phát triển thị trường tại các trường nghề, doanh nghiệp trong trường nghề dường như chưa có được sự quan tâm đúng mức.

Việc thí điểm tự chủ ở một số trường nghề, từ trường đến các ngành các khoa chỉ nên ứng dụng trong một thời gian ngắn, nếu lâu dài sẽ phá vỡ cơ cấu của trường, đây là kinh nghiệm mà tự chủ đại học đã trải qua. Theo lộ trình, tự chủ tài chính trước rồi đến tổ chức nhân lực, bộ máy và sau đó đến chuẩn năng lực, chuyên môn. Ba bước này mới dần dần tạo hành lang pháp lý cho cơ sở GDNN tự chủ toàn diện.

TS Phan Chính Thức đề xuất chương trình khung cho cơ sở GDNN công lập tự chủ, qua đó sẽ có những “tùy biến” các cấp độ tự chủ như: Tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư; Tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc Tự đảm bảo chi một phần… đồng thời nêu rõ trách nhiệm giải trình về thực hiện nhiệm vụ của cơ sở đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.