Tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình

GD&TĐ - Thời gian qua, trên các diễn đàn về đào tạo đại học, có nhiều ý kiến, quan điểm đối với việc trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường với quan niệm rằng, chính cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển bền vững.

Tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình

Không phủ nhận một điều là trong thế giới hội nhập, việc các nhà trường thực hiện quyền tự chủ về các hoạt động đào tạo, tự chủ về thu chi tài chính và tự chủ về tổ chức cũng như quản lý là tác nhân quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu đổi mới.

Tại Hội thảo “Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế” được Ủy ban VH GDTNTN&NĐ của Quốc hội cùng Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức mới đây, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: Xu hướng phát triển trong giáo dục đại học hiện nay là đề cao tự chủtrách nhiệm giải trình. Có thể hiểu rằng, trong tự chủ vấn đề tài chính không phải là quan trọng nhất; đồng ý nó có tác động chi phối nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là tự chủ giúp chủ động về tổ chức, chuyên môn, học thuật. Tự chủ về tài chính sẽ có tác động hỗ trợ các mặt trên.

Việt Nam đang có 236 trường đại học với 1,7 triệu sinh viên, trong đó có 171 trường công lập, số còn lại là tư thục và các trường có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện, có 23 trường đại học đang thực hiện tự chủ về đào tạo, hợp tác quốc tế, bộ máy, tài chính. Việc được giao quyền tự chủ đã giúp các trường chủ động hơn trong các hoạt động, đó là điều không thể phủ nhận. Các trường tự chủ trong hoạt động, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao hơn về đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, liên kết hợp tác trong và ngoài nước.

Những lợi ích của việc thực hiện quyền tự chủ đã thấy rõ. Những kiến nghị mở rộng trao quyền tự chủ rộng hơn cho các trường cũng được đặt ra. Tuy nhiên, vẫn còn những hồ nghi là vấn đề tự chịu trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm của nhà trường đối với sản phẩm đào tạo của mình cho xã hội. Cũng đã có những ý kiến về việc trường công lập chỉ lo cơ chế tự chủ tài chính, còn những vấn đề liên quan đến tự chủ học thuật lại chưa được chú trọng. Thế nên, tự chủ đồng nghĩa với trách nhiệm giải trình và tự chịu trách nhiệm với việc làm của mình trước xã hội, là việc cần đặt ra.

Thực tế cho thấy, trong thực hiện quyền tự chủ, những lo lắng về việc chủ động xác định mức học phí, chủ yếu tăng thu, là hoàn toàn có cơ sở. Vì tăng thu nhưng những đảm bảo về điều kiện dạy và học, nghiên cứu lại chưa được đáp ứng, hoặc có nhưng rất ít. Rồi hiệu quả của tăng thu có góp phần nâng cao chất lượng đạo tạo và nghiên cứu không, khi mà chưa thấy những kết quả công khai về hoạt động nghiên cứu khoa học, tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp…

Tự chủ là phải gắn với tự chịu trách nhiệm chứ không chỉ là thu chi; tự chủ phải là nhân tố tích cực thúc đẩy phát triển học thuật. Trao quyền tự chủ cho các trường đồng nghĩa với việc những trường này phải có giải trình trước người học và xã hội về việc làm của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ