12 năm đôi chân ấy đã giúp H’Lanh vượt qua bao chặng đường khó khăn cũng như gieo nên những “nét chữ của cuộc đời”.
“Hoa Pơ Lang” giữa đại ngàn
Đinh Thị H’Lanh (học sinh lớp 12, trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) sinh ra và lớn lên tại làng Krối 1 (xã Đak Smar, huyện Kbang). Gia đình nghèo lại có đến 5 anh em, H’Lanh là con thứ 2 trong nhà nên kinh tế của nhà em ngày một cơ cực hơn.
Để có tiền lo cho 5 anh em H’Lanh được đến trường đi học như bạn bè cùng trang lứa, bố mẹ H’Lanh phải chật vật làm việc cả ngày. Không quản trời nắng hay mưa, cứ bất kể ai cần người làm, bố mẹ H’Lanh đều nhận hết.
Không được như các anh em của mình, khi vừa mới sinh ra H’Lanh đã mang trên mình cơ thể không nguyên vẹn.
Với đôi tay tật nguyền, mọi sinh hoạt của cô bé đều được làm bằng đôi chân. Khi mới chập chững tập đi, H’Lanh bị té ngã nhiều lần vì không có đôi tay để bám víu giữ thăng bằng. Tuy nhiên, khi ấy có lẽ cô bé đã hình dung được cuộc sống của bản thân mình phải đối mặt với việc không có tay để cầm nắm, hay làm việc.
Sau nhiều lần té ngã với các vết trầy sướt trên cơ thể, cô bé H’Lanh cũng đi vững trên đôi chân của mình. Bố mẹ đi làm nương rẫy nên H’Lanh cũng tự lo sinh hoạt cá nhân, đôi chân cũng trở thành đôi tay của cô bé.
“Do không có đôi tay như các bạn, thời gian đầu em tập làm mọi việc bằng đôi chân nên vô cùng khó khăn. Đến năm 7 tuổi, khi thấy các bạn đeo cặp đến lớp em thích lắm. Mỗi sáng em cứ đứng ngoài cửa nhìn ra, thấy các bạn quần áo tươm tấp, nô đùa nhau đến trường em ham lắm.
Sau đó em năn nỉ bố mẹ cho đến trường. Mặc dù nhà nghèo, nhưng bố mẹ thương em nên đồng ý. Đến năm 8 tuổi em mới chính thức bước vào lớp 1 học với các bạn”, H’Lanh ngại ngùng chia sẻ.
Với tinh thần quyết tâm và nghị lực phi thường để đến trường học con chữ nên mọi người đặt cho H’Lanh cái tên “Hoa Pơ Lang”. Bởi loài hoa này mặc dù gặp điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nhưng vẫn vươn cao, khoe sắc trên núi rừng Tây Nguyên.
Vẽ ước mơ bằng đôi chân
Qua tháng ngày tập viết bằng đôi chân, đến nay cô học trò nghèo đã viết được thành thạo. |
Những ngày đầu đến lớp, H’Lanh rất hào hứng vì được học con chữ, được chơi với bạn bè. Tuy nhiên, khó khăn với em cũng bắt đầu từ đây bởi em mất đi đôi tay, đồng nghĩa với việc em phải dùng chân cầm bút viết. Những nét chữ nguệch ngoạc, chân bị chuột rút hay sưng tấy xảy ra thường xuyên.
Có những hôm cố gắng viết để theo kịp bạn bè, chân em sưng to, cứng đơ khiến em bật khóc nức nở. Em tự trách bản thân mình tại sao không thể làm được, mặc dù em rất thích đi học.
Sau đó, gia đình, thầy cô và bạn bè động viên nên em lại cố gắng viết chậm lại. Những nét chữ xiêu vẹo dần trở nên thẳng hàng và tròn trịa hơn. Giờ đây em có thể viết thành thạo trên chính đôi chân của mình.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho H’Lanh đi học, nhà trường đã giành riêng một phòng trong khu tập thể giáo viên cho H’Lanh và một người thân vào ở. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo còn góp tiền gây quỹ để hỗ trợ mua lương thực, nhu yếu phẩm cho cô học trò khiếm khuyết.
Mặc dù thành tích học tập của H’Lanh không phải là xuất sắc, nhưng thầy cô và các bạn luôn yêu quý cô học trò nhỏ bởi sự quyết tâm, vươn lên trong học tập.
“Em sẽ cố gắng chăm chỉ hơn, học tập tốt hơn để sau này có thể báo hiếu cho bố mẹ và nuôi các em nên người. Dù không được lành lặn như các bạn, nhưng em vẫn ước mình sẽ trở thành một nhà văn, nhà thơ hoặc một họa sĩ vẽ ước mơ của các bạn bị khiếm khuyết như em...”, H’Lanh chực trào nước mắt nói.
Thầy Nguyễn Đình Thuận - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh cho hay, mặc dù cơ thể bị khiếm khuyết nhưng H’Lanh luôn cố gắng viết chữ và làm mọi việc bằng đôi chân của mình.
Biết được hoàn cảnh khó khăn của H’Lanh nên những năm qua, Đoàn trường cũng đã vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ cho em. Hàng tháng đều hỗ trợ cho em H’Lanh về chỗ ở, gạo, muối,… nhằm giúp em đỡ vất vả hơn.
Bên cạnh đó, nhà trường luôn dành các suất học bổng cho em để em có điều kiện tốt nhất trên con đường đến trường.