Tin Lâm Thị Tuyết Nghi, học sinh mắc bệnh tan máu bẩm sinh, trúng tuyển trường cao đẳng Y dược Pastuer cơ sở TP.HCM, ngành xét nghiệm khiến cả trường THPT Lê Anh Xuân (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre), gia đình và xóm giềng vui mừng khôn xiết.
Nhưng cạnh đó, ai cũng lo cho Nghi khi phải đi học xa, nhà nghèo tiền đâu trang trải việc ăn học, rồi căn bệnh nan y làm Nghi hay mệt, ai kề cạnh chăm sóc cho Nghi.
Nghi phát hiện bệnh vào năm 2011, lúc đó cô học trò thường chóng mặt, buồn nôn, người xanh xao. Gia đình đưa em đi bệnh viện và bác sĩ kết luận là Nghi mắc bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh), phải thường xuyên truyền máu để duy trì sự sống.
Từ đó, mỗi tháng gia đình đưa Nghi đến bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM để truyền máu, khi thì một bịch, khi phải hai bịch....
Là gia đình nghèo không đất canh tác, phải ở nhờ trên đất của nhà thờ Tân Phó (ấp Tân Thuận, xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc), cha của Nghi làm công thuê mướn ở nông thôn nhưng sức khỏe ông không được tốt do mắc bệnh thoát vị đĩa đệm, những hôm bệnh hành đau nhức, ông không thể đi làm được.
Tiền làm công kiếm được phần lớn dành dụm đến kỳ truyền máu cho con, ông không dành phần nào chữa bệnh cho mình nên bệnh ngày càng nặng và một chân bị teo cơ, đi lại khó khăn.
Mẹ Nghi làm nghề làm thuê cho trại chăn nuôi gà. Khi rỗi rảnh, chằm lá dừa nước dùng lợp nhà và chuốt cọng lá dừa bán cho cơ sở bó chổi.
Bà Nguyễn Mộng Thu (mẹ Nghi) cho biết: Thu nhập của gia đình cái ăn đã thiếu, khi đến kỳ truyền máu cho Nghi, phải mượn hoặc vay. Thường bà tìm người cần lá lợp nhà xin mượn tiền trước giao lá chằm sau. Tiền bán lá chằm không nhiều nên phải mượn thêm tiền cùa người thân thuộc. Người thân cho mượn nhưng hỏi hoài, cũng không vui, mẹ Nghi đành mượn vàng sau đó mang đi cầm lấy tiền chữa bệnh cho con.
Mắc bệnh tan máu bẩm sinh, mỗi ngày Nghi phải uống thuốc chữa bệnh. |
Chi phí truyền máu, xe đò đi lại tốn kém nên mẹ Nghi chở con bằng chiếc Honda cũ của gia đình. Những năm Nghi còn nhỏ, ngồi xe hay ngủ gục, bà dùng dây buộc con vào thắt lưng của mình cho con khỏi ngã. Còn những hôm đi học, Nghi không đủ sức đạp xe đến trường, mẹ phải đưa rước hoặc nhờ bạn chở.
Từ cuối năm 2013 đến nay, gia đình Nghi được cấp sổ hộ nghèo, thẻ BHYT, chi phí truyền máu được thanh toán nhưng tiền xét nghiệm và thuốc, gia đình phải chi trả mỗi lần hơn một triệu đồng.
Được cấp sổ hộ nghèo, gia đình được ngân hàng chính sách cho vay và mẹ của Nghi sử dụng tiền này chuộc số vàng trả lại người thân. Đến nay tiền nợ ngân hàng vẫn chưa trả hết bởi gia đình này không có đất canh tác, chỉ sống bằng việc làm thuê, lại khi có khi không, thu nhập lo cho cái ăn, cái mặc đã thiếu.
Thấy con yếu đuối vì bệnh tật, mẹ của Nghi nhiều lần khuyên con nên nghỉ học để giữ sức khỏe nhưng Nghi khóc và xin mẹ cho đi học. Nghi tâm sự: em cố gắng học để có việc làm nuôi sống, chữa bệnh cho bản thân và phụ giúp cha mẹ.
Trong lớp Nghi luôn chăm chú nghe thầy cô giảng bài. Những hôm lên TP.HCM truyền máu, Nghi nhờ bạn ghi chép và giảng lại giúp những bài đã học. Biết căn bệnh của bản thân nên mỗi khi cơn bệnh dịu di một chút là Nghi gượng dậy học bài, phụ giúp việc nhà cho cha mẹ như nấu cơm, chuốt cọng lá dừa, chằm lá lợp nhà cho mẹ bán lấy tiền lo cho gia đình, lo bệnh cho Nghi.
Tuyết Nghi đỗ tốt nghiệp THPT, trúng tuyển trường Y là niềm vui lớn nhưng rồi nỗi lo hiển hiện trước mắt gia đình em.
"Tiền ăn ở, truyền máu, học phí suốt những năm học... học phí nhập học gia đình chạy mượn mới chỉ mới đủ đóng trước 4/7 triệu đồng..." - Mẹ Nghi lo lắng tâm sự.