Cô Hải “sẹo” và ký ức không quên trong hành trình cắm bản

GD&TĐ - Gần 10 năm đã trôi qua, nhưng vết sẹo dài trên khuôn mặt cô giáo Lò Thị Hải (SN 1989) vẫn chưa thể mờ đi.

Điểm trường nơi cô Hải đang phụ trách được biết đến là nơi “Mặt trời không rọi tới”.
Điểm trường nơi cô Hải đang phụ trách được biết đến là nơi “Mặt trời không rọi tới”.

Câu chuyện về vết sẹo là ký ức không thể nào quên trong suốt hành trình trở thành giáo viên cắm bản của cô giáo trẻ này.

“Dấu ấn” nghề...

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La, năm 2012 cô Hải rời quê hương Sông Mã (tỉnh Sơn La) sang tỉnh Điện Biên nhận công tác. Ngôi trường cô gắn bó từ đó đến nay là Mầm non xã Tìa Dình – địa bàn vùng cao khó khăn nhất, nhì của huyện Điện Biên Đông.

Vì còn trẻ, nên ngay năm đầu tiên cô Hải xung phong lên điểm bản Na Xu. Đây là điểm xa xôi và khó khăn nhất của trường, cách trung tâm xã gần 20km hoàn toàn là đường đất, đèo dốc hiểm trở. Vì là con gái “chân yếu tay mềm”, lại lần đầu tiên đi đường bản mùa mưa, nên tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Cứ ngỡ rằng, cô Hải sẽ ngại khi bị “đào sâu” về khiếm khuyết trên gương mặt. Nhưng khi chúng tôi vừa đề cập, cô giáo trẻ lại rất cởi mở. Kể về vết sẹo dài khiến khuôn miệng gần như lệch sang 1 bên cô Hải bảo, đó là dấu ấn đầu tiên khi bước chân vào nghề.

“Ngày đầu vào bản nhận lớp, tôi tự một mình đi xe máy. Cứ đi được một đoạn lại xuống dắt một đoạn, vì đường khó, lại trơn trượt. Cố gắng đến con dốc cách điểm bản chừng 2km, thì xe bỗng dưng mất phanh lao thẳng xuống vực. Tôi lịm đi mất chừng 20 phút, lúc tỉnh dậy chỉ thấy máu chảy xuống từ mặt, xe thì hỏng hết. Cố gắng bò lên, rồi đi bộ về điểm bản, nhờ dân giúp”, cô Hải nhớ lại.

Thấy cô giáo trẻ trong bộ dạng như vậy, người dân trong bản kéo nhau đến hỗ trợ. Phụ nữ giúp cô lau rửa và cầm máu vết thương, còn đàn ông tìm dây thừng kéo xe về cho cô giáo.

Bị tai nạn và để lại vết sẹo trên gương mặt thường sẽ là cú sốc với một cô gái trẻ. Cô Hải không ngoại lệ. Mặc dù cơ địa tốt, vết thương ngoài da nhanh lành có thể sớm quay trở lại lớp, song cô Hải phải mất một khoảng thời gian đấu tranh về tâm lý.

“Một thời gian đầu tôi không dám soi gương. Đôi lúc trên lớp, thấy học sinh nhìn mình có vẻ e dè tôi cũng chột dạ. Nói thật cũng có lúc nghĩ hay bỏ nghề. Sẹo ở đâu còn che được, chứ mặt mũi thế này thì giấu làm sao?”, cô Hải trải lòng.

Thế rồi, mỗi ngày trôi qua, cô tìm cách “tạm quên” khiếm khuyết trên gương mặt, để gần gũi, quan tâm chăm sóc từng học sinh. Cảm nhận được tình cảm, những học trò nhỏ thay vì sợ sệt thì đã đưa tay vuốt ve và đặt những câu hỏi “ngờ nghệch” về dấu vết trên khuôn mặt cô giáo.

Cho đến giờ, gần 10 năm trôi qua, vết sẹo vẫn chưa phai mờ. Song khoảng cách từ sự mặc cảm, tự ti của cô giáo và nỗi sợ hãi của bọn trẻ đã được lấp đầy bởi tình yêu thương. “Có nhiều người gọi tôi là cô Hải sẹo. Nhưng điều đó không khiến tôi tự ti, mà ngược lại, nó nhắc tôi nhớ đến kỉ niệm đầy tự hào về hành trình trở thành cô giáo cắm bản của mình” – cô Hải nói.

Ngoại trừ một số đoạn ngắn được làm bê tông, còn lại đa phần các tuyến đường trong xã Tìa Dình đều là đường đất khó khăn, hiểm trở.
Ngoại trừ một số đoạn ngắn được làm bê tông, còn lại đa phần các tuyến đường trong xã Tìa Dình đều là đường đất khó khăn, hiểm trở.

Làm “mẹ” ở nơi Mặt trời không rọi tới

Gần 10 năm theo nghề, cũng bằng đó thời gian cô giáo Hải gắn bó với vùng cao Tìa Dình. Bởi vậy, khó khăn, thiếu thốn và vất vả đặc trưng nhất của mảnh đất này từ những ngày còn “đưa trường mầm non về bản”, cô Hải đều đã trải qua.

Trừ 2 năm mang bầu và sinh em bé được nhà trường ưu tiên giảng dạy tại điểm bản thuận lợi (cách trung tâm 3km), toàn bộ thời gian còn lại cô Hải xung phong lần lượt hết các điểm khó khăn nhất. Năm học này, cô cùng 2 giáo viên khác được giao phụ trách tại điểm Tào La.

“Người ta gọi đây là nơi Mặt trời không rọi tới. Vì quanh năm ngày tháng mây mù bao phủ. Ngay cả mùa hè, trong 1 ngày cũng chỉ có khoảng 2 giờ là thấy Mặt trời. Còn mùa đông thì thời tiết u ám, lạnh thấu xương, quần áo mặc trên người không lúc nào có cảm giác khô”, cô Hải bộc bạch.

Bởi vậy mà, thời điểm này, điều cô lo lắng nhất là làm thế nào giữ ấm cho bọn trẻ. Ở vùng thuận lợi, đây là trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Nhưng theo cô Hải, nhiều nơi vùng cao, cuộc sống bà con thiếu thốn nên việc chăm sóc con cái, nhất là ở lứa tuổi mầm non gần như thoái thác cho cô giáo.

Lớp cô Hải dạy năm nay có 21 trẻ. Mỗi em có một hoàn cảnh riêng, nhưng đa phần đều thiếu thốn, đứa có manh áo lại thiếu đôi dép. Chính vì vậy, đôi khi việc sắm sửa giầy dép, quần áo, thậm chí cả chăn ấm lại trở thành nhiệm vụ “bất thành văn”.

Gần 10 năm đã trôi qua, nhưng vết sẹo dài trên khuôn mặt cô giáo Lò Thị Hải vẫn chưa thể mờ đi, song cô xem đây là niềm tự hào trong hành trình trở thành “cô giáo cắm bản”.
Gần 10 năm đã trôi qua, nhưng vết sẹo dài trên khuôn mặt cô giáo Lò Thị Hải vẫn chưa thể mờ đi, song cô xem đây là niềm tự hào trong hành trình trở thành “cô giáo cắm bản”. 

“Nhìn bọn trẻ tôi thương lắm, nghĩ chúng cũng như con mình. Tôi không có điều kiện, cũng không quen biết ai ủng hộ để mà xin. Nên đôi lúc phải bỏ tiền lương ra mua cho các con, cũng chỉ được những thứ cơ bản nhất thôi. Chăn ấm có nhà trường cấp. Nhưng trẻ ở đây đông không thể đủ hết, thành ra các cô giáo cũng phải san sẻ”, cô Hải trải lòng.

Không chỉ khắc nghiệt về thời tiết, cách trở về giao thông, Tào La hiện còn chưa có điện lưới quốc gia, chưa có sóng điện thoại, khó khăn về nước sạch nên nhiệm vụ “làm mẹ” của cô Hải và 2 cô giáo khác tại đây thêm bội phần khó khăn.

“Có thể ở nơi khác một ngày làm việc 8 tiếng, nhưng với chúng tôi lại khác. Phụ huynh ở đây đa phần đều làm nương, nhiều người gửi con đến 6, 7 giờ tối mới đón về. Vào mùa đông, cứ tầm 4 – 5 giờ chiều là nhập nhoạng tối rồi, trời lại rét. Để bọn trẻ về nhà không ai trông nghĩ cũng khổ, nên bố mẹ các em không nhờ thì tôi cũng giữ lại trường” – cô Hải nói.

Rồi những hôm chuẩn bị có bài giảng mới, đêm xuống cô Hải lại thắp đèn dầu soạn giáo án. Thương trò cô tự tay tỉ mẩn làm đồ chơi mới. Cô bảo, mặc dù trường có cấp phát, song học sinh đông nên không đủ đáp ứng được hết cho các em. Phần cũng bởi, cô luôn mong mỗi ngày đến lớp, học sinh lại có thêm khám phá mới.

Vì lẽ đó, giữa đêm vùng cao giá lạnh, đôi bàn tay chai cước của cô giáo trẻ vẫn mò mẫm cắt, dán đồ chơi bên ánh đèn dầu leo lét, bất chấp những cơn gió đang rít từng cơn qua khe cửa sổ…

Cô giáo Lê Thị Điệp, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tìa Dình cho biết: Ngoài trung tâm thì hiện trường có 6 điểm bản. Nếu không kể một vài đoạn ngắn được làm bê tông, thì toàn bộ tuyến đường trong xã đều là đường đất. Chính vì vậy, trong quá trình di chuyển, việc giáo viên bị ngã, trầy xước chân tay, hỏng hóc xe là khó tránh khỏi. Trường hợp như cô giáo Hải là đặc biệt. Trong hoàn cảnh ấy, chỉ có tình yêu nghề, mến trẻ thì mới có thể giúp các cô vượt qua rào cản để bám trụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ