Nỗ lực của cô đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho con đường tới trường của trẻ.
Vượt núi
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất đầy nắng gió của huyện vùng biên Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk), từ những ngày còn nhỏ cô Phan Thị Thu (sinh năm 1991), giáo viên Trường PTDT Bán trú Tiểu học Hà Đông (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã ước mơ được đứng trên bục giảng.
Sau khi ra trường, cô Thu hay tin huyện Đăk Đoa tổ chức đợt thi tuyển giáo viên nên đã nộp hồ sơ đăng kí. “Nhận được kết quả trúng tuyển mình rất bất ngờ và vui mừng khi ước mơ đứng trên bục giảng sắp trở thành hiện thực. Bên cạnh đó, bản thân cũng có chút lo lắng khi quãng đường từ nhà đến nơi giảng dạy khá xa”, cô Thu tâm sự.
Hành trang từ nhà đến Trường PTDT Bán trú Tiểu học Hà Đông của cô Thu chỉ là chiếc xe máy cà tàng với ít quần áo, đồ dùng cá nhân. Lần đầu vượt chặng đường hơn 200km với cô có nhiều lạ lẫm xen lẫn chút lo lắng. Để rút ngắn khoảng cách từ nhà đến trường, cô Thu thường chọn con đường tắt thay vì đi đường quốc lộ. Tuy nhiên, con đường này ngoằn ngoèo và chủ yếu là rừng núi.
Nhà cách trường hàng trăm km nên mỗi tháng, nếu thời tiết thuận lợi thì cô Thu tranh thủ về với gia đình. Còn mưa bão, có khi cô phải ở lại điểm trường đến cả mấy tháng trời. Gần 10 năm cắm bản, nhưng những lần về nhà của cô Thu cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có những hôm cô Thu về thăm nhà rồi quay trở lại trường nhưng xe bất ngờ hư, thủng lốp dọc đường.
“Khi đó, mình nhìn xung quanh chỉ toàn thấy núi đồi, đợi mãi mà không thấy có chiếc xe nào chạy qua. Bất lực, mình chỉ biết bật khóc giữa đường. Sau đó, mình gạt nước mắt, tự động viên bản thân cố gắng tìm người giúp đỡ để kịp về trường. Đằng đẵng 10 năm trên chặng đường ấy, mình luôn được gia đình, nhà trường cùng đồng nghiệp động viên, an ủi. Dần dần, mình không còn cảm thấy khó khăn, vất vả nữa”, cô Thu chia sẻ.
Nhận công tác ở một miền đất xa lạ, phải mất vài tháng, cô Thu mới hòa mình được với đời sống nơi đây. Nhiều lúc cô Thu muốn bỏ cuộc nhưng nhìn thấy các em lại không đành lòng.
Cô Thu tâm sự, vất vả của giáo viên cắm bản có lẽ là việc làm thế nào để động viên học sinh đi học chuyên cần, đặc biệt là sau dịp hè, lễ Tết.
“Trước đây, học sinh còn vắng học nhiều, nhưng giờ đây phụ huynh và các em đã nhận thấy được tầm quan trọng của việc biết con chữ. Giờ đây, hạnh phúc với mình là đến lớp thấy học trò đủ đầy”, cô Thu nói.
Ước mong cho học trò
Học sinh nơi cô Thu dạy đều là người Ba Na. Bố mẹ các em vì cuộc sống mưu sinh nên ít quan tâm đến việc học của con cái. Có những hôm bố mẹ bận làm nương rẫy, học sinh phải mang theo em đến lớp. Một số em nhỏ lả người vì đói. Khi đó, cô lại chạy đi mua chiếc bánh mì, gói mì tôm để các em ăn lấy sức.
“Thương nhất là các em học sinh, trời ấm thì đỡ nhưng những hôm mưa, gió lùa qua lạnh buốt. Quần áo các em mặc không đủ ấm, nhiệt độ ngoài trời thì xuống thấp nên lũ trẻ cứ co ro.
Dù khó khăn trên chặng đường học chữ, nhưng các em chăm học và rất ngoan ngoãn. Để gần gũi, sẻ chia được với học trò nhiều hơn, mình cố gắng học thêm tiếng địa phương. Mình mong rằng thời gian tới đây cuộc sống của học sinh sẽ bớt vất vả hơn”, cô Thu tâm sự.
Tuy khó khăn, nghèo đói nhưng phụ huynh và học sinh nơi đây luôn dành tình cảm đặc biệt đối với giáo viên. Mỗi khi có mớ rau, quả bí… phụ huynh đều mang đến tặng thầy cô để cải thiện bữa ăn.
Sau gần 10 năm gắn bó với mảnh đất này, cô Thu mong có cơ hội được về giảng dạy gần nhà. Không phải vì để bớt khó khăn hơn mà cô muốn dành nhiều thời gian phụng dưỡng bố mẹ và chăm sóc con nhỏ mới học lớp 2.
“Mỗi khi nhớ nhà, nhớ con, mình chủ yếu mang điện thoại ra để ngắm hình. Bởi mỗi lần gọi về con oà khóc rồi đòi mẹ. Những lúc như vậy mình thấy thương con vô cùng. Hai mẹ con chỉ biết nhìn nhau qua màn hình rồi khóc”, cô Thu nghẹn ngào.
Theo thầy Đỗ Thiện Úy - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú tiểu học Hà Đông, giáo viên trong trường đa phần đều là thầy cô giáo trẻ. Trong số đó có cô Phan Thị Thu, nhà cách trường khá xa.
Mặc dù là giáo viên trẻ nhưng các thầy cô luôn nhiệt huyết, hết lòng trong công tác dạy học. “Để động viên, khích lệ tinh thần giáo viên, nhà trường thường xuyên quan tâm, chia sẻ. Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện để giáo viên yên tâm công tác”, thầy Uý cho hay.
Cô Thu tâm sự, trên hành trình dài đằng đẵng ấy, có những lúc cô cảm thấy nản lòng muốn từ bỏ. Nhưng rồi, nhìn những gương mặt non nớt của học trò cô lại động viên bản thân cố gắng để giúp các em biết con chữ.