Vừa dạy dỗ vừa giúp đỡ những học sinh cơ cực đã trở thành nguồn động lực để cô Tuyền vững bước trên sự nghiệp trồng người.
“Xin nhà” cho học sinh nghèo
Cô giáo Hồ Thị Thanh Tuyền chia sẻ, tại Trường Tiểu học Châu Điền A, đa phần học sinh là người Khmer. Nhiều em trong số này có bố mẹ làm ăn xa nên sống chung với ông bà. Tuy nhiên, do ông bà tuổi cao sức yếu, lại tất bật lo cuộc sống thường ngày nên giao khoán các cháu cho nhà trường.
Nữ giáo viên bày tỏ: “Từ đầu năm học, tôi luôn quan tâm, để ý đến hoàn cảnh của từng em. Để hiểu rõ các em, tôi đến thăm nhà, trò chuyện với gia đình; qua đó chứng kiến các em có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ đường”.
Nhiều học sinh phải sống trong những lán trại lợp tạm. Thấy vậy, cô Tuyền chủ động liên hệ với các nhà hảo tâm xin hỗ trợ xây nhà cho các em. Hiểu sức mình còn mỏng, cô vận động Câu lạc bộ 84 Cầu Kè, nhóm học sinh, sinh viên tình nguyện tại địa phương, giúp mua vật tư, xây cất nhà cửa.
Những dịp Lễ, Tết hay ngày thường, cô Tuyền đều tất bật kêu gọi quyên góp để có kẹo, bánh, đồ dùng học tập cho học sinh.
“Nhiều người tốt mang tặng bịch quần áo cũ nhưng còn rất mới. Tôi ngồi soạn lấy từng chiếc áo, cái quần, đem giặt sạch, phân loại kỹ càng rồi chở đến nhà cho học sinh. Nhìn các em vui thích vì có quần áo mới, tôi chẳng còn thấy mệt mỏi”, cô Tuyền chia sẻ.
26 năm theo nghề giáo, trong túi xách, trong ngăn tủ tại trường của cô Tuyền luôn đầy ắp cây bút, cuốn vở hay cái thước. Mỗi khi thấy học trò thiếu đồ dùng, cô liền mở “túi thần kỳ” lấy ra tặng các em. Biết học sinh còn nhiều thiếu thốn, cô Tuyền chỉ trăn trở làm sao có thể tiếp cận nhiều nhà hảo tâm để giúp đỡ các em.
Ngoài ra, học sinh nhà trường là người dân tộc, chưa sõi tiếng Việt nên còn nhút nhát, tự ti, ngại mở lòng với giáo viên. Do đó, cô Tuyền tâm niệm phải khiến trò tin tưởng, quý mến trước khi dạy con chữ. Bước vào bài học mới, thay vì nói: “Cô sẽ hướng dẫn các em”, cô Tuyền khuyến khích: “Cô sẽ đồng hành, cô sẽ cùng học với các em”.
Cô Tuyền chia sẻ: “Giáo viên phải kiên nhẫn trò chuyện với trò. Mỗi lời nói, mỗi hành động của thầy cô phải khiến trò cảm thấy an toàn, coi trường học như gia đình. Có như vậy, học sinh mới trút bỏ đề phòng, nghi ngại và chia sẻ với giáo viên”.
Không chỉ làm bạn với học sinh, cô Tuyền thường xuyên chia sẻ với phụ huynh để nhà trường, gia đình cùng phối hợp giáo dục con trẻ. Hàng tháng, cô tổ chức họp phụ huynh, trao đổi riêng với từng cha mẹ về khó khăn, điểm yếu của con cái. Những học sinh có tiến bộ, cô tích cực khen ngợi trước gia đình.
Đổi mới phương pháp trong dịch Covid-19
Năm học 2021-2022, học sinh từ tiểu học đến THPT tại tỉnh Trà Vinh chuyển sang học trực tuyến. Trong đó, học sinh tiểu học học qua chương trình truyền hình, học sinh THCS và THPT học qua Internet.
Không ngại khó vì dịch Covid-19, cô Tuyền tiếp tục phối hợp cùng Câu lạc bộ 84 Cầu Kè xin thức ăn, nhu yếu phẩm cho học sinh và người dân nghèo. Nhiều học sinh không có TV nên phải sang nhà bạn bè học chung. Cô lại tiếp tục vận động, quyên góp tiền để mua tặng trò thiết bị di động.
Cũng trong năm học này, cô Tuyền được mời tham gia dạy môn Tiếng Việt cho học sinh tiểu học trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Trà Vinh. Mỗi ngày, cô giáo dậy từ tờ mờ sáng, đi từ nhà ở huyện Cầu Kè lên thành phố để kịp quay vào 7 giờ. Hàng tuần, ngoài 3 buổi ghi hình, thời gian còn lại cô ở nhà chuẩn bị giáo án dạy trực tuyến.
Cô Tuyền chia sẻ: Học trên truyền hình, mỗi tiết rút ngắn còn 15-20 phút, so với bình thường là 45 phút. Vì thế, tôi phải cân nhắc chắt lọc những kiến thức cô đọng nhất trong chương trình.
Để học sinh không cảm thấy nhàm chán, tôi thường hát những đoạn nhạc có lồng ghép từ, âm vần đang học. Khi khác, tôi tạo trò chơi, đưa thêm nhiều hình ảnh thực tế để khuấy động không khí.
Khi không phải ghi hình, cô Tuyền ở nhà tự quay video luyện viết chữ, gửi cho học sinh để các em tập luyện tại nhà. Thông qua các nhóm Zalo với gia đình học sinh, cô động viên cha mẹ quan tâm con cái trong thời gian nghỉ học.
Có những em không có TV học trực tuyến. Cô in bài, mang đến nhà để nắm bắt chất lượng và đôn đốc, động viên các em học tập.
“Dù không được đến trường, nhờ cha mẹ, ông bà quan tâm sát sao, nhiều em vẫn viết chữ đẹp, nắn nót. Học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 các em cũng tự tin, chủ động hơn nên tôi cũng yên tâm phần nào. Tuy nhiên, tôi vẫn mong sớm ngày hết dịch, học sinh được đến trường để thầy cô trực tiếp hướng dẫn”, cô Tuyền bày tỏ.
Nhắc đến cô Tuyền, nhiều phụ huynh tại huyện Cầu Kè nhớ ngay đến biệt danh “cô giáo dạy viết chữ đẹp”. Bởi lẽ, trong nhiều năm, học sinh do cô Tuyền phụ trách đều được tham gia hội thi “Viết chữ đẹp” cấp tỉnh.