Bén duyên tình, duyên nghề trên đảo Móng Cái!
Khi nhận quyết định ra đảo công tác, hầu hết đồng nghiệp thấy thương cho cô giáo trẻ sinh năm 1981 vì vừa mới lên trường vùng sâu - biên giới về được một năm lại ra đảo dạy học .
Nhưng lúc đó cô Lệ còn trẻ, chưa lập gia đình nên không hề thầy buồn mà vô cùng háo hức vì được đến một môi trường hoàn toàn mới. Ngày đầu ra đảo, cô Lệ cũng không hề có cái cảm giác bỡ ngỡ, lạ lẫm vì đồng nghiệp đa số là giáo viên trẻ, anh chị em cũng đều là người Móng Cái, đã rất thân quen khi còn học Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh về đây công tác.
Nhưng kỉ niệm khiến cô giáo nhớ nhất là những buổi đi điều tra phổ cập hoặc vận động học sinh ra lớp. Đến nhà nào, cha mẹ học sinh cũng niềm nở và sau khi ra về, các cô đều được biếu mớ rau, cân khoai và nhất là gặp gia đình vừa đi lưới về , các cô đều được cá tươi… Họ quý mến các giáo viên như những người thân ruột thịt khiến cô Lệ xúc động mãi!
“Mình thấy người dân trên đảo rất quý giáo viên chúng tôi. Ngày đó , cuối tuần, những giáo viên nhà trong Móng Cái đều về nhà. Riêng tôi và cô bạn thân có khi cả tháng mới về nhà vào dịp cuối tuần. Những dịp cuối tuần ở lại đảo, chúng tôi đến chơi nhà các thầy cô giáo ở địa phương, đến thăm nhà học sinh hoặc rủ nhau đi ra biển chơi, đi bắt ốc…” – Cô Lệ tâm sự.
Không chỉ bén duyên với nghề, với bà con nhân dân và với học trò, năm 2007, trong một dịp giao lưu văn nghệ giữa đoàn viên giáo viên, học sinh các trường trên đảo với đơn vị Bộ đội đảo Vĩnh Thực, cô giáo của xã đảo đã gặp rồi yêu và kết hôn với một đồng chí cán bộ của đơn vị Bộ đội đảo Vĩnh Thực, cũng là một người con sinh ra và lớn lên trên đảo.
“Thế là dự định chuyển về đất liền sau khi hoàn thành nghĩa vụ nơi xã đảo của tôi không trở thành hiện thực mà thay vào đó là quyết định ở lại đảo công tác. Ngày biết tôi lấy chồng ở đảo, đã có không ít người nói rằng: “Người ta chuyển vào đất liền không được, mình lại còn ra đảo lấy chồng và ở ngoài đó”. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy hối tiếc về quyết định của mình. Vợ chồng tôi luôn được 2 bên bố mẹ động viên, giúp đỡ về mọi mặt. Chồng tôi là quân nhân chuyên nghiệp nên cũng xác định công tác lâu dài trên đảo” – cô Lệ chia sẻ.
4 người ở tạm trong căn nhà tập thể 15m2!
Nói đến niềm vui khi được trở thành người dân trên đảo, nhưng cô Lệ vẫn không khỏi băn khoăn, lo lắng cho trò ngoài đảo. Do trình độ dân trí còn nhiều hạn chế nên đa số các gia đình trên đảo chưa thực sự quan tâm đến việc học của con em mình.
Hơn nữa, vì lợi ích trước mắt từ nghề biển mang lại, có em kiếm được vài trăm nghìn mỗi buổi đi biển, nên rất nhiều học sinh coi nhẹ việc học và muốn nghỉ học làm lao động chính. Vì thế mà công tác phổ cập, vận động học sinh ra lớp luôn là một vấn đề nan giải đối với giáo viên và nhà trường.
Tuy việc đi lại có nhiều thuận lợi hơn vì đã được nhà nước đầu tư cho nhân dân ngoài đảo nhưng vào những ngày mưa, bão, gió mùa thì việc đi lại trên biển rất khó khăn và nguy hiểm, nhất là không may có người thân ốm đau, bệnh tật hoặc có việc đột xuất trong đất liền thì việc đi lại rất khó khăn.
Ra đảo và lập gia đình, giờ đã có 2 con nhỏ nhưng vợ chồng cô Lệ vẫn phải ở trong căn nhà nhỏ 15m2 và là căn hộ tập thể nhà trường cho mượn. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng hai vợ chồng cô vẫn quyết tâm bảo ban nhau bám đảo, góp phần xây dựng xã đảo nghèo phát triển hơn.
Là một giáo viên với sự nhiệt tình, thương học trò, Ban giám hiệu trường Tiểu học và THCS Vĩnh Trung luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho tôi hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, cô Lệ cũng luôn được BGH và đồng nghiệp tin tưởng, giao cho phụ trách các tổ khối, công đoàn, bồi dưỡng chất lượng mũi nhọn,..
Cô giáo dạy Văn – Sử của trường đã được phòng GD&ĐT Móng Cái, nhà trường chọn là một trong số những giáo viên được tuyên dương trong chương trình “chia sẻ cùng thầy cô” tới đây. Niềm vui này cũng chính là động lực để cô Lệ tiếp tục cố gắng trong sự nghiệp trồng người cho xã đảo Móng Cái.
Cô Trần Thị Lệ là một trong số 42 giáo viên biển đảo trên toàn quốc được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” . Chương trình do Bộ GD&ĐT, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Ngoài tuyên dương các thầy cô, chương trình còn mở ra trang “Nghĩ về thầy cô biển đảo” để mọi người dân, mọi tầng lớp xã hội cùng tham gia viết lên những suy nghĩ của mình về các thầy cô giáo ngoài đảo đang âm thầm góp sức cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.